Thương binh tàn nhưng không phế

27/07/2018
(VBSP News) Từ những vùng đất cằn cỗi, những vùng đồi hoang cỏ mọc um tùm, với đôi bàn tay rắn rỏi, một ý trí kiên cường của những người lính cụ Hồ, nhiều đồng chí, đồng đội sau khi trở về quê hương mặc cho thân mình không còn lành lặn thế nhưng đã phi thường trở thành những điển hình phát triển kinh tế.
Mô hình kinh tế điểm của thương binh 2/4 Lê Ích Sơn

Mô hình kinh tế điểm của thương binh 2/4 Lê Ích Sơn

Ông Lê Xuân Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) dẫn chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế điểm của thương binh 2/4 Lê Ích Sơn ở xã Quảng Lưu. Cách đây hơn 35 năm, CCB Sơn xuất ngũ trở về quê hương với một cái chân bị thương tật… Điều khiến ông không khỏi trăn trở đó là gánh nặng về kinh tế, là trụ cột gia đình với vợ và 2 con nhỏ, nhiều đêm ông nghĩ thầm:“Giá như bây giờ có đôi chân lành lặn thì còn cầm được cái cuốc, cái xẻng để mà nhận thêm ruộng, thêm đồng nhưng sức chẳng có, đi bằng nạng thì làm sao nổi? Từ một đội trưởng chỉ huy, tay cầm súng thét ra lửa chiến đấu với kẻ thù, giờ phải chịu ngồi một chỗ để vợ con nuôi, thế đâu xứng là người lính Cụ Hồ”. Không làm được việc nặng, CCB Sơn xin làm bảo vệ, trông coi tại một cơ quan nhỏ trên phố thị được vài năm, sau đó, ông được “biên chế” vào đội trông coi tại một ngôi chùa nhỏ ở địa phương. Nhiều năm dành dụm để sắm cho mình một chiếc chân giả, từ bỏ đi chiếc nạng gỗ. Kiên trì tập luyện, dần dần chiếc chân giả đã đi lại một cách linh hoạt hơn. Đặc biệt hơn, ông còn quyết nhận thêm mấy sào đất trũng từ chính quyền địa phương để đào ao, thả cá làm mô hình kinh tế.Ông Sơn nhớ lại: “Cái ao 1 sào trước nhà, tôi phải đào mất 3 năm liền mới xong. Đào được ao, tôi mua nhiều loại cá, thả chung tất cả chúng lại với nhau cứ ngỡ sẽ cho thu nhập. Nào ngờ, bao vốn liếng đổ dồn vào đó tan thành mây khói khi cá mắc dịch bệnh chết trắng ao. Vợ con khóc, mình cũng không cầm được nước mắt, mấy thành viên trong gia đình lại phải rau cháo qua ngày. Vợ động viên, làm việc này không được thì ta xoay làm việc khác nhưng tôi quyết chí rằng “ngã từ đâu tôi phải đứng dậy từ đó”. Ông Sơn cười bảo: “Mình có “quý nhân phù trợ” khi được NHCSXH huyện cho vay15 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng đủ để nuôi sống niềm tin của mình và gia đình bấy giờ”. Qua nhiều thăng trầm, đến nay mô hình vườn ao chuồng của ông Sơn đã trở thành mô hình điểm của xã, huyện với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài nuôi cá, ông Sơn còn mạnh dạn nuôi ba ba, nuôi lợn rừng, gà vịt và cả cá sấu… Ngoài việc thoát nghèo, 4 người con của ông cũng nhờ vay vốn chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn giờ đều được đi học, tốt nghiệp đại học và đã cóviệc làm ổn định.

Ông Lê Xuân Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Xương khẳng định: “Không chỉ trường hợp thương binh Lê Ích Sơn với ý chí bền bỉ của người lính Cụ Hồ được thụ hưởng vốn vay từ NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo mà đó còn hàng trăm trường hợp khác của huyện Quảng Xương nói riêng nhờ các nguồn vốn vay tín dụng đã thoát nghèo; hàng nghìn HSSV chắp cánh ước mơ nơi giảng đường đại học, hoặc xuất khẩu lao động… niềm vui đó là không của riêng ai, bởi bản chất đồng vốn từ NHCSXH là vốn dành cho người nghèo, dành cho các đối tượng chính sách”.

“NHCSXH huyện Quảng Xương hiện đang triển khai 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt hơn 369 tỷ đồng. Trong đó, tập trung ở một số chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo dư nợ hơn 52 tỷ đồng với gần 1.800 hộ vay; hộ cận nghèo gần 96 tỷ đồng với trên 2.700 hộ vay; hộ mới thoát nghèo là hơn 74 tỷ đồng với hơn 2.000 hộ vay…”.

 

 

Bài và ảnh Đình Giang Báo Văn hóa đời sống

Các tin bài khác