Mùa xuân bên những cánh rừng xanh
Thoát nghèo từ trồng rừng
Lên xã miền núi Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) vào dịp đầu xuân năm mới, chúng tôi thật sự bất ngờ trước những đổi thay của vùng đất này. Dọc theo những con đường bê tông xi-măng đi vào các bản làng là vô vàn nhà xây, nhà sàn, nhà rông kiểu mới…
Thật may mắn là chuyến công tác lên Canh Liên lần này chúng tôi được chứng kiến buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Hà Lũy ngay tại Nhà văn hóa của làng. Thật độc đáo là với chất liệu bê tông, xi măng, gạch đá, nhưng Nhà văn hóa làng Hà Lũy vẫn giữ được nét đặc trưng của nhà rông truyền thống. Đáng lưu ý, Nhà văn hóa làng Hà Lũy vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, cũng là nơi sinh hoạt, giao dịch của Tổ tiết kiệm và vay vốn Hà Lũy…
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đoàn Thị Thủy, sinh năm 1988 vui vẻ cho biết: Năm 2009, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn, thậm chí có lúc không có gạo ăn, phải đi làm thuê kiếm sống. Nhờ NHCSXH, chị Thủy được vay 30 triệu đồng để trồng 2ha keo lai. Chỉ hai năm sau, chị Thủy đã trả hết nợ. Tháng 8/2013, chị Thủy được vay thêm 10 triệu đồng hộ cận nghèo để trồng 3ha keo lai. Đến tháng 8/2015 chị trả hết nợ vay. Nhờ vậy, gia đình chị đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá. Hiện tại, ngoài ngôi nhà sàn truyền thống, chị Thủy đã xây được thêm 1 căn nhà gạch, mái ngói, nền lát gạch hoa, mua sắm đầy đủ các phương tiện, xe máy, tivi, tủ lạnh…
Đặc biệt hơn cả là trường hợp của gia đình anh La Mai Dĩnh (sinh năm 1980), trú tại Canh Liên. Trao đổi với chúng tôi, anh Dĩnh cho biết: Những năm 2006 gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Nhờ NHCSXH gia đình anh được vay 10 triệu đồng để mua bò giống nuôi. Năm 2008, anh Dĩnh bán bò, trả hết nợ. Nhờ “uy tín” này, anh Dĩnh tiếp tục được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng. Với đồng vốn này, sau khi tham khảo, nghiên cứu, anh Dĩnh quyết định đầu tư, trồng 7 nghìn cây keo lai (khoảng 3,5ha). Đến tháng 12/2011, anh Dĩnh bán keo lai, có dư tiền trả nợ cho NHCSXH. Tháng 9/2012, anh Dĩnh lại vay NHCSXH 25 triệu đồng để trồng 3,5ha keo lai. Đến tháng 4/2015 thì anh lại bán keo trả nợ ngân hàng. Hiện gia đình anh Dĩnh đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, “có của ăn, của để”, xây dựng được ngôi nhà khang trang, với đầy đủ tiện nghi. Thậm chí anh Dĩnh còn được mọi người vinh danh là “Kiện tướng trồng rừng”…
Để rừng cây, đời người mãi mãi là xuân xanh
Những hộ gia đình nêu trên chỉ là “ví dụ điển hình” về sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hàng trăm gia đình ở huyện miền núi Vân Canh. Thật vậy, trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Men - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hà Lũy cho biết: Tổ có 49 thành viên, với dư nợ lên đến gần 1,4 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc NHCSXH huyện Vân Canh, cho biết: Đến hết năm 2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của đơn vị đạt trên 154 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng trưởng đạt gần 15%. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đạt trên 59 tỷ đồng (tăng 2,5 tỷ đồng); dư nợ hộ cận nghèo đạt gần 26 tỷ đồng (tăng gần 16 tỷ đồng)… Riêng cho vay trồng rừng có gần 14,4 tỷ đồng/347 hộ vay… Đáng lưu ý, trong năm 2015, trên địa bàn huyện Vân Canh đã có 130 hộ thoát nghèo…
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bình Định cho biết: Chương trình cho vay các dự án trồng rừng, phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đạt được những kết quả khả quan. Trong số này có Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp (Dự án WB3), Chương trình 30a… Trong đó, Dự án WB3, theo thống kê của ngành chức năng, qua 5 năm triển khai (2010 - 2015), riêng chuỗi rừng trồng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đã triển khai khoảng 3 nghìn ha tập trung…
Có thể nói, chương trình cho vay trồng rừng, phát triển lâm nghiệp ở Bình Định đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các hộ gia đình vay vốn trồng rừng không chỉ sử dụng vốn hiệu quả, mà còn tích cực, chủ động trong việc trả nợ vay cho NHCSXH và nhất là không có chuyện chây ì khi thực hiện nghĩa vụ đối với ngân hàng…
Chiều xuống ở miền rừng núi Vân Canh thật lạ. Tiết trời cuối đông se lạnh báo hiệu một mùa xuân đã về. Bất giác tôi nhớ đến giai điệu và ca từ của ca khúc Rừng Chiều của nhạc sĩ Vũ Thanh:
Rừng chiều nghe lao xao
Tiếng lá non gọi gió
Tôi đứng giữa ngàn xanh
Mà say trong hương rừng
Từ làng quê xa xôi
Tôi đến đây với rừng xanh
Rừng ơi có nghe
Nhịp rung lòng tôi…
Vâng, mùa xuân đã về. Hy vọng rằng, năm Bính Thân này, chương trình tín dụng cho vay trồng rừng, phát triển lâm nghiệp ở Bình Định sẽ tiếp tục phát triển và gặt hái được những kết quả khả quan, để mỗi rừng cây, đời người mãi mãi xanh tươi.
Bài và ảnh Viết Hiền
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Niềm tin thoát nghèo
- » Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội qua NHCSXH: KỲ VỌNG TRONG XUÂN MỚI
- » Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt
- » Khi mùa xuân đến
- » Xuân ấm no của người nghèo
- » Kiến tạo sức bền cho nông thôn mới
- » Chuyện những người đi thắp lửa yêu thương
- » TRỌN VẸN 20 MÙA XUÂN VỚI NGƯỜI NGHÈO