Khi mùa xuân đến

10/02/2016
(VBSP News) Với sự nỗ lực lớn của NHCSXH và các tổ chức hội, đoàn thể, nguồn vốn tín dụng dành cho HSSV nghèo của Chính phủ đã đến mọi miền quê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nguồn vốn của chương trình đầy tính nhân văn này là điểm tựa cho những HSSV hiếu học.

 

Trái cây của nông dân Sóc Trăng được tiêu thụ mạnh, sẽ có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho các con đi học

Trái cây của nông dân Sóc Trăng được tiêu thụ mạnh, sẽ có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho các con đi học

 

Gần 9 năm thực hiện chương trình, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã cho 41.729 hộ vay vốn, với số tiền trên 645 tỷ đồng cho 62.027 HSSV đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Dư nợ chương trình đến nay đạt trên 531 tỷ đồng.

Có mặt tại gia đình ông Huỳnh Ngọc Gấm, ngụ khóm 2, phường 1, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) khi ông đang cắt tỉa những cành hoa mai, dọn dẹp nhà cửa để đón một cái tết ấm cúng, ông tâm sự: “Do hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định, nên cuộc sống của gia đình rất chật vật. Chỉ cách đây 5 cái tết thôi, con gái Huỳnh Thùy Trang thi đỗ vào trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng mà gia đình không biết kiếm tiền đâu ra để nuôi con ăn học. Trong lúc bế tắc, được Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn, nên gia đình tôi lên NHCSXH làm thủ tục vay vốn cho con đi học. Cầm trong tay số tiền từ ngân hàng về mà ngỡ như mơ. Nhờ có vốn vay ưu đãi, cháu Trang có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, hiện nay cháu đã ra trường và có được việc làm ổn định tại Công ty tư vấn Luật, đang tích cóp cùng gia đình trả nợ vốn vay ý nghĩa cho ngân hàng”.

Với ý thức trả nợ, trả lãi rất tốt nên vừa rồi, hộ gia đình ông Huỳnh Ngọc Gấm được NHCSXH TX. Vĩnh Châu tiếp tục cho vay để em Huỳnh Văn Thuận đi học đại học. “Nhờ có chính sách tín dụng đầy tính nhân văn của Nhà nước mà em mới có điều kiện cắp sách đến giảng đường đại học”, em Thuận bộc bạch.

Đến xã thuần nông Phong Nẫm, huyện Kế Sách trong không khí Tết Nguyên đán, hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hon, ngụ ấp Phong Thới thì ai ai cũng biết bởi nhờ có vốn ưu đãi mà 4 người con của anh Hon đều được học hành đầy đủ và có công ăn việc làm ổn định. Mới đây, từ số tiền dành dụm và các con phụ giúp anh đã trả được 30 triệu đồng vốn vay của chương trình, hiện tại anh còn nợ trên 24 triệu đồng, dự kiến trong năm 2016 gia đình anh sẽ trả hết nợ cho NHCSXH.

Sóc Trăng là tỉnh nghèo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung nhưng giàu truyền thống hiếu học. Hàng năm có hàng chục nghìn học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, trong số này có không ít em có nguy cơ phải gác lại ước mơ tới giảng đường đại học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cánh cửa tương lai, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có tiền trang trải chi phí học tập, tự tin bước vào giảng đường đại học, cao đẳng, học nghề.

MỨC CHO VAY

Năm 2007: 800.000 đồng/tháng/HSSV

Năm 2009, nâng lên 860.000 đồng/tháng/HSSV

Cuối tháng 11/2010, nâng lên 900.000 đồng/tháng/HSSV

Tháng 8/2013, nâng lên 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV

Tháng 01/2016, nâng lên 1.250.000 đồng/tháng/HSSV

Giám đốc NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Dương Đình Lạng khẳng định: “Chương trình tín dụng HSSV đã góp phần xã hội hóa công tác giáo dục đào tạo; đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Ðây là điểm tựa tinh thần cho con em hộ nghèo và đối tượng chính sách khác phấn đấu vươn lên trong học tập, góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội”. Cũng theo Giám đốc Lạng, điều đáng mừng, khách hàng là những sinh viên nghèo sau khi ra trường có việc làm dù ổn định hay chưa ổn định, đều có ý thức chắt chiu, dành dụm từng đồng lương để trả nợ cho ngân hàng.Mục tiêu của chương trình là “hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt” nhưng với đa số HSSV vay vốn là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn lại ở các tỉnh hoặc các vùng nông thôn đến thành phố học thì bên cạnh học phí còn phải thêm các chi phí thuê nhà trọ, phương tiện đi lại và các chi phí sinh hoạt khác nên cũng gặp khó khăn.

Do đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng mức cho vay đối với Chương trình tín dụng HSSV là cần thiết, bởi trên thực tế kể từ khi thực hiện chương trình đến nay cũng đã qua nhiều lần điều chỉnh mức cho vay, sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo kết quả khảo sát tại một số tỉnh, thành phố năm học 2014 - 2015, chi phí học tập của một HSSV trong khoảng từ 3 triệu đồng/tháng đến 3,5 triệu đồng/tháng (chi phí cho 1 HSSV nông thôn lên thành phố học khoảng 3,5 triệu đồng/tháng), mức cho vay hiện nay là 1,1 triệu đồng/tháng mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 31,4% đến 37% nhu cầu chi phí học tập của HSSV.

Bài và ảnh Bình Quang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác