Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội qua NHCSXH: KỲ VỌNG TRONG XUÂN MỚI
“Ngân hàng người nghèo” thấu hiểu người nghèo
Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thu Huyền - một viên chức ngành Tư pháp cho rằng, quy định người có nhu cầu, đủ điều kiện được vay mua nhà ở xã hội qua NHCSXH khiến chị thấy “vững tâm hơn như có bạn đồng hành”: “NHCSXH vốn được thành lập để phục vụ người nghèo. Ngân hàng này cũng đã và đang cho vay chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (Quyết định 167) nên thấu hiểu hoàn cảnh của những người cần an cư. Hơn nữa, phương thức phục vụ rất gần dân của NHCSXH cũng khiến chúng tôi đỡ ngại ngần khi không còn cảm giác bị phân biệt đối xử”.
Vợ chồng chị Huyền đều là công chức Nhà nước. Gia đình 4 người hiện vẫn ở nhờ nhà ông bà nội, cùng 4 người khác sống chung trong một căn nhà tập thể cũ rộng chỉ 36m2. Chính vì thế, anh chị đã cố công tìm hiểu các quy định pháp luật cũng như tham khảo thực tiễn liên quan đến chuyện mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, phần vì thời gian qua nguồn cung chưa nhiều, phần vì chính sách cũng còn rườm rà vì vừa thực hiện vừa hoàn thiện, nên anh chị còn ngại ngần và chưa quyết định làm thủ tục mua và xin vay mua nhà ở xã hội.
Trong khi đó, anh Trần Xuân - một viên chức quê ở Thanh Hóa lại “vướng” việc anh muốn vay tiền để mua nhà. “Tôi đến một ngân hàng được chỉ định cho vay gói ưu đãi lãi suất hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, nhưng sau khi hỏi về vị trí nhà tôi cũng như mức thu nhập, nhân viên tín dụng cho hay chỉ có thể cho tôi vay 180 triệu đồng, thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba. Mức vay này chỉ bằng non nửa giá trị căn hộ tôi định mua, nên vợ chồng con cái vẫn đang phải vá víu trong căn nhà đi thuê lụp xụp”, anh Xuân nói.
Theo quy định tại Luật Nhà ở, ngoài các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn phát triển dự án nhà ở xã hội, thì có 9 nhóm đối tượng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Ngoài nhóm đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu đang được NHCSXH phục vụ, Luật này còn quy định các nhóm đối tượng khác được tiếp cận vốn chính sách để mua, thuê mua nhà ở xã hội, bao gồm: Người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại Luật nhà ở; HSSV các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở.
Cần “bắt tay vào việc” để chính sách không bị ngắt quãng
Khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay.
Nhìn nhận về quy định này, ông Hoàng Thịnh - một chuyên gia về quản lý xây dựng cho rằng, nếu NHCSXH và các cơ quan hữu trách không triển khai sớm thực hiện Nghị định này thì khi thời hạn thực hiện gói 30 nghìn tỷ kết thúc, khách hàng mất một thời gian chuyển tiếp chờ đủ điều kiện để vay vốn qua NHCSXH. “Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, nếu ngay khi đó khách hàng gửi tiết kiệm tại NHCSXH thì sớm nhất tới tháng 12/2016 họ mới có đủ điều kiện về thời gian gửi tiết kiệm để làm thủ tục vay. Đó là chưa kể nhóm khách hàng thu nhập thấp còn phải xoay xở gửi đủ mức gửi theo quy định của bên cho vay”, ông Thịnh nói.
Phương thức cho vay được thực hiện như thế nào cũng là mối quan tâm của anh Xuân, chị Huyền và nhiều “khách hàng tiềm năng” khác của NHCSXH. “Hiện nay, NHCSXH vẫn đang thực hiện cho vay các chương trình nhà ở theo quy trình thực hiện với sự tham gia của các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tuy nhiên, khi cho vay mua nhà ở xã hội, NHCSXH sẽ cho vay như thế nào? NHCSXH sẽ quy định cụ thể hồ sơ thủ tục ra sao? Việc thế chấp tài sản bằng nhà ở hình thành trong tương lai có được chấp nhận ở NHCSXH hay không? Liệu NHCSXH có biện pháp hỗ trợ gì để người vay được vay ở mức vay cao nhất có thể?”, chị Nguyễn Huyền Trang (Phú Thọ) đặt hàng loạt câu hỏi.
Theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Lãi suất vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của HĐQT NHCSXH hoặc NHNN theo từng thời kỳ. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.
Một năm mới đã về với đất nước, song song với niềm vui đó là hy vọng cho người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách mong muốn được vay vốn ưu đãi để có điều kiện thuận lợi hơn tiếp cận nhà ở xã hội.
Bài và ảnh Nguyễn Bách
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Niềm tin thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt
- » Khi mùa xuân đến
- » Xuân ấm no của người nghèo
- » Kiến tạo sức bền cho nông thôn mới
- » Chuyện những người đi thắp lửa yêu thương
- » TRỌN VẸN 20 MÙA XUÂN VỚI NGƯỜI NGHÈO
- » Kết hợp giải ngân vốn và hướng dẫn nông dân cách làm ăn
- » Thơ: Anh cán bộ Ngân hàng