Niềm tin thoát nghèo

11/02/2016
(VBSP News) Một mùa xuân mới lại về trên đất nước Việt Nam thân yêu. Người người, nhà nhà cũng đang nhộn nhịp vui xuân, đón tết. Tại TP. Cần Thơ không khí như vui hơn khi có hàng nghìn hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi đã thoát nghèo bền vững.
Nhiều hộ cận nghèo tại TP. Cần Thơ được vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi cá tra Ảnh: Trần Việt

Nhiều hộ cận nghèo tại TP. Cần Thơ được vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi cá tra
                                                                                                                                                  Ảnh: Trần Việt

Từ thực tế tại các địa phương cho thấy, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo thời gian qua đã tạo được hiệu quả thiết thực, gắn liền với đời sống dân sinh. Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Sáu, ngụ thị trấn Thới Lai, mới thấy rõ được hiệu quả của vốn vay ưu đãi. Trước đây, gia đình bà Sáu vô cùng khó khăn, nhà chỉ có nửa sào đất ruộng, mà vợ chồng bà phải lo cái ăn cái mặc cho 7 người con. Việc mưu sinh của gia đình quanh năm chỉ nhờ vào việc đi làm thuê, tới mùa gặt thì cả nhà đi cắt lúa mướn khắp các cánh đồng ở huyện. Rồi đột ngột, chồng bà Sáu bị bệnh hiểm nghèo, không làm được công việc nặng nhọc, từ đó gia cảnh càng thiếu thốn hơn, con cái phải dở dang việc học. Vào năm 2007, bà Sáu được bình xét vay vốn hộ nghèo, từ số tiền 30 triệu đồng vay bà Sáu đã đầu tư chăn nuôi lợn và trồng rau màu, nuôi thêm vịt để bán kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình bà đã ổn định hơn, bà Sáu được xét thoát nghèo, tuy nhiên cuộc sống của bà vẫn còn nhiều khó khăn, năm 2014 bà được tiếp tục vay vốn chương trình hộ cận nghèo. Bà Sáu, cho biết: “Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất vất vả. Nhờ chính quyền, hội, đoàn thể các cấp xem xét, tôi được vay vốn của NHCSXH huyện Thới Lai để nuôi lợn thịt. Sau mỗi đợt bán lợn, gia đình lấy tiền trả nợ ngân hàng rồi tiếp tục vay mới. Đến nay, cuộc sống gia đình ổn định hơn”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Thới Lai, Nguyễn Thị Kiều Oanh khẳng định: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hội viên là hộ cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình. Chương trình này không chỉ hộ vay vốn phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm, bởi địa phương có thêm cơ sở cho việc giảm nghèo bền vững hơn. Trước đây chưa có chính sách cho vay hộ cận nghèo, nhiều hộ nghèo sau khi đã thoát nghèo nhưng không bền vững, chỉ cần gặp rủi ro về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo. Do đó, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo”.

Sau 2 năm cho vay vốn đối với hộ cận nghèo, đến nay dư nợ chương trình hộ cận nghèo tại TP. Cần Thơ đạt gần 611 tỷ đồng với 46.029 hộ còn dư nợ. Có được những kết quả tích cực đó là do ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, chi nhánh đã chủ động tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hội, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn, Tổ tiết kiệm và vay vốn về đối tượng, quy trình, thủ tục, thời hạn cho vay… Các hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn sẽ được bình xét công khai tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn và lập danh sách gửi về Ban giảm nghèo của xã thông qua sự quản lý, giám sát của các hội, đoàn thể. Việc phê duyệt hồ sơ, danh sách các hộ vay vốn được công khai, dân chủ. Nhờ đó, tất cả các hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều đã tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách nhanh nhất. Quy trình giải ngân thực hiện trực tiếp tại các Điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn dưới sự giám sát chặt chẽ của UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. Đồng thời, NHCSXH còn thường xuyên phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn các tổ chức hội, đoàn thể để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch tại xã và tổ chức các lớp tập huấn; các hội, đoàn thể, Ban giảm nghèo xã và các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn tích cực kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc trả nợ, trả lãi khi đến hạn; kịp thời bình xét cho những hộ đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình”.

Có thể khẳng định việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo đã mang lại hiệu ứng tích cực. Năm mới 2016 hứa hẹn nhiều thành tích mới, NHCSXH TP. Cần Thơ tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp trong việc định hướng cho hộ cận nghèo cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với từng địa phương, từng hộ gia đình. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới thật sự giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Yến Huynh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác