Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt

10/02/2016
(VBSP News) Qua 3 mùa xuân thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên, người dân có trách nhiệm hơn với khoản vay, từ đó phát huy được hiệu quả nguồn vốn chính sách...
Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt

Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt

Cuối năm 2011, chất lượng tín dụng của NHCSXH tỉnh Trà Vinh còn nhiều yếu kém. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ cao, tới 3,87%; huy động tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thấp, nhiều tổ yếu kém, hoạt động không hiệu quả; lãi tồn đọng, nợ bị chiếm dụng và nợ không đủ điều kiện đổi Sổ vay vốn ở mức cao… tháng 6/2012, NHCSXH tỉnh Trà Vinh bắt đầu triển khai thực hiện Ðề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Giám đốc NHCSXH tỉnh Trà Vinh, Dương Huy Phong cho biết: “Trên cơ sở xác định rõ những hạn chế, yếu kém, các bên có liên quan, từ Ban đại diện HÐQT NHCSXH các cấp, hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ chi nhánh đều có kế hoạch, phương án khắc phục”. “Cái hay ở Trà Vinh là các giải pháp củng cố, nâng cao chất tín dụng chính sách có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên cơ sở đánh giá đặc điểm từng địa phương để xây dựng phương án riêng”, ông Phong cho biết thêm. Chẳng hạn, để củng cố, nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đơn vị chấm điểm đánh giá khả năng của Tổ trưởng. Qua thực tế, phần lớn các Tổ trưởng chưa nắm vững nghiệp vụ, ghi chép lưu trữ sai sót nhiều. Trước đây, Tổ tiết kiệm và vay vốn phân chia nhỏ lẻ, số lượng tổ viên ít, dư nợ thấp, năng lực quản lý tổ còn hạn chế, một số Tổ trưởng không tha thiết trong công tác quản lý, dẫn đến tình trạng tổ yếu kém nhiều, nợ quá hạn và lãi tồn đọng thường xuyên tăng… Từ những tồn tại, hạn chế đó, NHCSXH tỉnh Trà Vinh thực hiện sắp xếp tổ theo hướng liền canh liền cư, củng cố sáp nhập lại các tổ nhỏ lẻ, dư nợ thấp, kiện toàn lại Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức tập huấn hướng dẫn lại quy trình nghiệp vụ, tăng cường thông tin hai chiều, hướng dẫn phương pháp kiểm tra, giám sát và tương trợ giữa các thành viên trong tổ. Giải pháp này giúp việc họp tổ dễ dàng hơn, thu lãi và thu hồi vốn nhanh hơn so với trước. Bên cạnh đó, việc cử cán bộ, nhân viên đến từng xã thu lãi và thu hồi vốn định kỳ hàng tháng tại Điểm giao dịch xã cũng góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân.

Ngoài ra, đơn vị đã chủ động rà soát nợ vay của từng hộ và có giải pháp xử lý từng trường hợp cụ thể. Những khoản nợ tồn đọng, chi nhánh hướng dẫn các Phòng giao dịch trực thuộc phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát, phân tích, đánh giá khả năng trả nợ công khai, khách quan ở từng cấp. Các khoản nợ đến hạn được thông báo trước từ 2 đến 3 tháng cho hộ vay chuẩn bị trả nợ, đồng thời có biện pháp tổ chức đôn đốc hộ vay trả nợ. Chi nhánh đã in phiếu theo dõi (kể cả nợ đến hạn theo phân kỳ) để hộ vay đính vào Sổ vay vốn. Ðối với các khoản vay mới, cán bộ tín dụng phối hợp với hội, đoàn thể và Trưởng ấp kiểm soát chặt việc bình xét vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả,… Những giải pháp trên đã giúp Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả hơn. Ðến nay, chi nhánh có trên 1.993 tổ đạt chất lượng, tăng gần 14% so với cuối năm 2011. Huy động tiết kiệm tăng từ 18 tỷ đồng lên 63 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm còn 0,43%.

Người nghèo ở huyện Cầu Kè giao dịch với NHCSXH

Người nghèo ở huyện Cầu Kè giao dịch với NHCSXH

Ðánh giá hiệu quả sau khi thực hiện Đề án, Giám đốc Dương Huy Phong chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện Đề án, chi nhánh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp và văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH trong việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu của Đề án. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác đánh giá, phân tích chất lượng tín dụng, trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp thích hợp xử lý nợ xấu, nợ quá hạn một cách có hiệu quả. Tăng cường củng cố, kiện toàn, tập huấn nâng cao năng lực cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời lựa chọn những nơi làm tốt để nhân rộng điển hình tiên tiến. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Phát huy vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp nắm bắt tình hình hoạt động của chi nhánh, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động, qua đó đề xuất Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ngành liên quan có những biện pháp giải quyết tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để đến mùa xuân này, chất lượng tín dụng tại Trà Vinh đã có nhiều khởi sắc, vốn vay ưu đãi ngày càng phát huy hiệu quả giúp người dân mau chóng thoát nghèo.

Bài và ảnh Anh Thi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác