Khi già làng Hùng Văn Xứng làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn

23/02/2015
(VBSP News) NHCSXH đã khẳng định được vị thế trong công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp vào thành công của ngân hàng có vai trò rất lớn của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Họ được xem như những “cánh tay nối dài” của NHCSXH tại cơ sở, là “cầu nối” giúp ngân hàng chuyển tải đồng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Già làng kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hùng Văn Xứng (ngoài cùng) thăm gia đình tổ viên sử dụng vốn vay

Già làng kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hùng Văn Xứng (ngoài cùng) thăm gia đình tổ viên sử dụng vốn vay

Tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có rất nhiều Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu về công tác cho vay và quản lý vốn, trong số đó có ông Hùng Văn Xứng - Một già làng của đồng bào dân tộc Châu Ro, tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú.

Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý có tất cả 52 tổ viên với tổng dư nợ 510 triệu đồng. Điều tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với chúng tôi về hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Xứng làm Tổ trưởng là trong tổ không có nợ quá hạn, tất cả hộ vay đều có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi, trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn cho ngân hàng.

Gia đình bà Đào Thị Bộc ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú là hộ nghèo, tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2009 và được vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để chăn nuôi dê, sau 3 năm chăm sóc, từ 4 con dê ban đầu đàn dê của bà đã phát triển lên 10 con. Năm 2012, bà lại tiếp tục được vay 15 triệu đồng để mở rộng quy mô đàn dê và mua thêm bò giống, đến nay thì trong chuồng đã có 2 bò mẹ, 1 bò con, đàn dê 15 con. Gia đình bà đã thoát nghèo và đang tích cực hoàn trả vốn vay cho ngân hàng, nhận xét về người Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hùng Văn Xứng, bà Bộc cho biết: “Có được người cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn như ông Xứng chúng tôi hoàn toàn yên tâm, ông là người nhiệt tình, có uy tín. Nhờ sự định hướng của ông nên gia đình tôi đầu tư vốn vay ưu đãi có hiệu quả, mang lại thu nhập và bước đầu ổn định cuộc sống”.

Cùng chung nhận xét với bà Bộc, ông Trần Hữu Phú ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú cho biết thêm, nhờ có sự giúp đỡ của Tổ trưởng Hùng Văn Xứng nên nhiều tổ viên trong tổ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Không những giúp đỡ trong cách làm ăn, ông Xứng còn thường xuyên động viên, giúp đỡ nhiều tổ viên không may bị ốm đau, bệnh tật vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, chính vì vậy ông luôn được các thành viên trong tổ kính trọng và yêu quý.

Khi được hỏi về kinh nghiệm trong công tác quản lý và giúp người dân sử dụng vốn vay hiệu quả, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hùng Văn Xứng khiêm tốn cho chúng tôi biết: Để hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt chất lượng tốt thì trước hết thực hiện chặt chẽ việc bình xét cho vay bởi theo kinh nghiệm mà ông đúc kết được sau 15 năm cộng tác với ngân hàng thì việc bình xét cho vay chặt chẽ bao nhiêu, việc thu hồi nợ sẽ thuận lợi bấy nhiêu. Thứ hai, là thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay đặc biệt, là đối với các hộ mới giải ngân. Giới thiệu cho hộ vay tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, dạy nghề, được tổ chức tại địa phương để bà con biết cách phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, nâng cao tay nghề và đúc kết, tích lũy kinh nghiệm sản xuất. Kết hợp việc tổ chức các buổi lễ, hội của đồng bào dân tộc với việc sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền về nghĩa vụ của người vay vốn như trả lãi và gửi tiền tiết kiệm hàng tháng, trả nợ gốc theo phân kỳ, sử dụng vốn đúng mục đích để bà con hiểu và chấp hành đúng. Song song với việc hỗ trợ vốn vay từ NHCSXH thì phải tranh thủ thêm sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để người nghèo có thêm nguồn lực, có thể thoát nghèo một cách nhanh chóng và bền vững.  

Kinh nghiệm và thành công là như vậy, tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, ông vẫn còn trăn trở cho cuộc sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc Châu Ro. Ông cho biết: “Xuân Phú là một trong 7 xã của huyện Xuân Lộc được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2013 do đó yếu tố môi trường rất được coi trọng. Tuy nhiên, ở trong ấp có nhiều hộ vay do điều kiện đất ở chật hẹp nên không thể thiết kế chuồng trại hợp vệ sinh. Vì vậy, việc chăn nuôi của một số hộ vay đã ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh. Vì vậy, chúng tôi đề xuất với chính quyền xã là đối với các hộ có đủ đất để xây chuồng trại thì sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện để họ thiết kế chuồng làm sao đảm bảo vừa tận dụng được phân để bón cho cây trồng vừa không ô nhiễm môi trường. Đối với các hộ không có đủ đất để xây chuồng hợp vệ sinh thì chúng tôi sẽ khuyến khích họ hợp tác trong việc cùng thuê đất và tổ chức chăn nuôi chung nhằm khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh mức cho vay chương trình tín dụng NS&VSMTNT, hiện nay mức vay 6 triệu đồng/1 công trình vẫn chưa đủ để người dân xây dựng, nhiều hộ dân trong ấp muốn xây dựng công trình NS&VSMTNT đều phải vay mượn thêm từ bên ngoài. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Đăng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện cho bà con vừa mở rộng quy mô sản xuất vừa cải thiện được môi trường sống”.

Hy vọng rằng việc giải quyết được vấn đề này thì việc sản xuất, chăn nuôi của bà con hộ nghèo ở ấp Bình Hòa nói riêng, xã Xuân Phú nói chung sẽ ngày càng được ổn định và phát triển, đời sống và môi trường sống của người dân được nâng cao góp phần để địa phương giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.

Bài và ảnh Ngô Mạnh Chính

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác