“Ðại gia” buôn Phôc
Hết cảnh gian khó
Vượt qua đoạn đường gập ghềnh đầy ổ voi, ổ gà, buôn Phôc dần hiện ra trước mắt chúng tôi với những hàng rào hoa dã quỳ vàng rực, những vườn ca cao xanh mát mắt. Cùng đi, anh Y Săn Ayun - Trưởng phòng Khuyến nông huyện Lắk cho biết: “Trước đây đồng bào buôn Phôc chỉ quen trồng lúa, khoai mì (sắn) nên chỉ đủ ăn, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Từ khi huyện triển khai dự án trồng ca cao thí điểm (năm 2007), đến nay những hộ trồng ca cao đều có cuộc sống khấm khá, trong đó chị Hbim Bkrông là thí dụ điển hình”.
Anh Y Săn Ayun dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà sàn bằng gỗ rộng thênh thang, bao quanh là vườn ca cao trái sai lúc lỉu, xen lẫn những cây điều cao vút. Chị Hbim Bkrông, 45 tuổi cho biết: “Tôi trồng ca cao từ năm 2007, với 150 cây. Ðến năm 2010, tôi mua thêm 750 cây trồng trên 1ha đất. Hiện nay, 400 cây đã cho trái ổn định, năng suất bình quân 3kg hạt khô/cây”.
Mặc dù ca cao đã được trồng thí điểm ở Tây Nguyên cả chục năm, nhưng với chị Hbim và bà con người M’Nông ở buôn Phôc, đây vẫn là cây trồng mới. Chị Hbim nói: “Mấy chục năm quen trồng lúa, bắp, chỉ vài tháng là có ăn, lúc chuyển sang cây ca cao, tôi lo lắm, sợ cả nhà chết đói vì không có gạo ăn. May nhờ có anh Y Săn và cán bộ khuyến nông khích lệ, đến tận vườn hướng dẫn trồng xen ngô, đậu vào vườn ca cao, lấy ngắn nuôi dài nên tôi rất tin tưởng vào quyết định của mình”.
Năm 2009, vườn ca cao nhà chị Hbim bắt đầu cho trái. Cả năm đó chị thu được bốn tạ hạt, bán cho Công ty TNHH Cargill Việt Nam được 24 triệu đồng. Lần đầu tiên cầm món tiền lớn trong tay, chị trả hết các khoản nợ nần, đánh liều mua máy bơm, ống dẫn nước và mua thêm mấy trăm cây ca cao giống trồng xen trong vườn điều đã già cỗi. “Hồi đó có khoảng 40 hộ cùng tham gia dự án với tôi, nhưng một số người bỏ cuộc vì nghi ngờ hiệu quả kinh tế của cây ca cao, bỏ bê không chăm sóc khiến cây bị nhiễm sâu bệnh và chết dần. Ðất ở buôn Phôc bạc màu lắm, nếu cứ trồng bắp, lúa thì suốt đời không thể thoát nghèo, chỉ có cây ca cao là phù hợp”, chị Hbim kể.
Theo đánh giá của anh Y Thiêm Quan, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lắc, những hộ duy trì diện tích ca cao ở buôn Phôc đến thời điểm này đều gặt hái thành công, vườn cây được chăm sóc tốt, năng suất cao. Các hộ đã thành lập câu lạc bộ trồng ca cao, do chị Hbim phụ trách.
Chị Hbim vui vẻ nói thêm: “Từ khi ca cao cho trái, cuộc sống gia đình tôi thay đổi hẳn. Do ca cao cho thu hoạch liên tục nên lúc nào trong túi cũng có 2 - 3 triệu đồng để chi tiêu. Với giá bán 57.000 - 60.000 đồng/kg hạt ca cao như hiện nay, ước tính tôi thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm”.
“Nhờ cây ca cao mà có tiền, làm nhiều việc lớn như gả chồng cho con gái lớn, nuôi cha mẹ già, “tậu” thêm năm sào đất, sửa ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói trị giá trên 50 triệu đồng”, chị Hbim nói.
“Ðại gia” không giàu “lỏi”
Với mức thu nhập như trên, chị Hbim không phải là hộ giàu nhất buôn, nhưng bà con ở đây vẫn gọi vui chị là “đại gia”, bởi ngoài làm giàu cho mình, chị còn đứng ra thu mua hạt ca cao cho bà con, không lấy lãi. Ðồng thời, chị cũng là tập huấn viên của dự án ca cao bền vững và là đại lý cung ứng giống cây che bóng cho bà con. “Tôi thu mua để góp phần giúp bà con tiêu thụ thuận lợi, yên tâm gắn bó với cây ca cao, ngoài ra tôi còn bán phân bón trả chậm cho họ. Bù lại, tôi được đi đây đi đó, được tham gia nhiều hội thảo, hội nghị để nâng cao trình độ. Ðến nay, buôn Phôc có 80/177 hộ trồng ca cao, nhưng nhiều hộ vẫn còn khó khăn nên tôi muốn giúp họ thoát nghèo như mình”, chị Hbim tâm sự.
Năm nay, chị Hbim đang lên kế hoạch phát triển câu lạc bộ thành Hợp tác xã ca cao để tập hợp nông dân sản xuất theo hướng bền vững, từ đó giúp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, cũng như tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nói đến việc vay vốn, anh Y Săn tiết lộ: “Chị Hbim hiện cũng là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn, với 54 thành viên. Năm 2012, chị được NHCSXH địa phương tặng Giấy khen vì có thành tích giúp bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi, không để xảy ra nợ quá hạn”. Năm 2013, tổ của chị Hbim có 10 hộ được vay vốn NHCSXH, bình quân mức vay 15 - 20 triệu đồng/hộ, năm 2014 có thêm 8 hộ được vay vốn, chủ yếu bà con vay để mua bò sinh sản và đến nay, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có thu nhập ổn định hơn trước.
Bài và ảnh Minh Huệ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người nghèo vui một, bà Lan vui mười
- » Hết mình vì hội viên
- » Bền bỉ đưa nguồn vốn ưu đãi đến vùng đất biển
- » Khởi nghiệp từ vốn vay ưu đãi
- » Chị Ánh là tấm gương sáng để chị em ở địa phương noi theo
- » Chị Tổ trưởng giúp nhiều hộ thoát nghèo
- » Từ vốn nhỏ, tạo dựng cơ nghiệp lớn
- » Thành công từ sự khác biệt
- » Những “cán bộ” tín dụng cơ sở mẫn cán
- » Có một Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn dẫn đầu về quản lý nguồn vốn ưu đãi