Thành công từ sự khác biệt

26/06/2014
(VBSP News) Cách làm của Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hồng Thao đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ban quản lý Tổ tiết kiệm phải biết quản lý về kinh tế, phải làm được và tiền của NHCSXH đổ vào mà không phát huy hiệu quả thì không ổn. Nếu được ông Trưởng thôn, Trưởng bản, Trưởng xóm làm thì càng tốt - theo quan điểm của ông Thao.
Ông Nguyễn Hồng Thao (ngoài cùng, bên trái) thăm mô hình trang trại của một hộ vay vốn

Ông Nguyễn Hồng Thao (ngoài cùng, bên trái) thăm mô hình trang trại của một hộ vay vốn

Phú Thọ là một trong những địa phương đã và đang làm tốt công tác giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 31,08% (năm 2005) xuống còn 14,1% (năm 2012) và năm 2013 chỉ còn 12,5%.

Đạt được kết quả trên, ngoài nguồn vốn đầu tư công cho giảm nghèo, không thể không nhắc tới kênh tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Phú Thọ mà người chèo lái chi nhánh là Giám đốc Nguyễn Hồng Thao - 1 trong số 85 cán bộ vừa được vinh danh điển hình tiên tiến ngành Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2013.

Khi Giám đốc đi… xin thêm việc

Tôi may mắn được đôi ba lần gặp gỡ, trao đổi với ông về hoạt động của NHCSXH ở tỉnh trung du miền núi Phú Thọ. Ở Giám đốc Nguyễn Hồng Thao toát lên sự giản dị, chân thành. Đi nhiều, miệng nói tay làm, ông là cả một kho kiến thức, kinh nghiệm về tín dụng chính sách.

Tôi không ngạc nhiên khi nhìn vào bảng thành tích trong hồ sơ cá nhân của ông. Nhưng tôi tự hỏi, với ai một ngày cũng chỉ 24 giờ, sao ông có thể làm được nhiều việc đến vậy.

Có thể nói rằng, sự nghiệp của ông dường như gắn chặt với ngành Ngân hàng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về giảng đường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Năm 1981 ông ra trường và về công tác tại Phòng Tín dụng thuộc NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phú.

4 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc NHNN huyện Thanh Sơn. Ngày nay, giữ cương vị lãnh đạo ở tuổi 33 là chuyện bình thường nhưng thời kỳ đó thì phải có những thành tích vượt bậc mới giữ cương vị quản lý ở tuổi tam thập như ông.

Sau một thời gian làm ở NHNN, ông Thao chính thức gắn bó với sự nghiệp tín dụng nông nghiệp, nông thôn khi chuyển sang làm Trưởng phòng Kế hoạch nguồn vốn, rồi lên Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Phú Thọ năm 1997.

Lửa thử vàng, năm 2003, khi NHCSXH được chính thức thành lập, ông nhận thử thách lớn: cầm lái con thuyền NHCSXH tỉnh Phú Thọ. “Khi được giao nhiệm vụ chuyển từ Agribank sang NHCSXH tỉnh Phú Thọ mình cũng trăn trở lắm.

Bởi, Agribank khi đó đang hoạt động ổn định, giờ mình chuyển sang một đơn vị mà dư nợ chỉ có 185 tỷ đồng thì không trăn trở sao được”, ông Nguyễn Hồng Thao tâm sự.

Ở cương vị mới, ông Thao nghiệm ra rằng, tín dụng nói chung thì có từ lâu rồi nhưng chính sách tín dụng ưu đãi vẫn còn mới mẻ. Do đó, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, ông đã cùng NHCSXH đẩy mạnh tiếp xúc, tiếp cận với người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể để họ biết nhiều về NHCSXH.

Ông cũng quan niệm rằng, với tín dụng chính sách thì đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng. “Có tiền nhưng địa phương phải ủng hộ, các tổ chức hội phải hợp tác với mình, các Tổ tiết kiệm và vay vốn phải mạnh, thì đồng vốn mới phát huy hiệu quả tốt và ngân hàng mới quản lý được vốn cho vay”, ông Thao nói.

Và điều mà ông Thao trăn trở nhất lúc đó là làm sao giải ngân được nhiều, hiệu quả, để cái đói cái nghèo không còn bám riết người dân - những người mà hàng ngày, hàng giờ ông cùng cán bộ tín dụng gặp gỡ, trò chuyện, thấu hiểu những khó khăn, khổ cực của họ. Chính vì thế những năm sau đó kế hoạch NHCSXH Trung ương giao bao nhiêu thì chi nhánh đều hoàn thành để lúc nào có cơ hội thì xin thêm chỉ tiêu.

Thậm chí tranh thủ một vài chi nhánh không giải ngân được thì ông xin vốn về Phú Thọ. “Để đạt được con số dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng như hiện nay và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có những năm tăng trưởng tín dụng của chi nhánh lên tới 30 - 40%”, ông Thao cho biết.

Cách nào hiệu quả thì làm!

Một mặt tăng nhanh dư nợ, mặt khác, NHCSXH tỉnh Phú Thọ tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể. Tuy nhiên, nếu như ở nhiều tỉnh, thành khác chi nhánh NHCSXH buộc phải ký hợp đồng ủy thác với tất cả 4 hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) nhưng ông Nguyễn Hồng Thao đã có cách làm hơi khác là tổ chức hội nào mạnh thì ông mới ký ủy thác, tổ chức nào hoạt động còn kém thì chưa ký.

“Có những xã, NHCSXH chỉ ký ủy thác với 2 hoặc 3 tổ chức hội. Một số xã ở vùng sâu, vùng xa chúng tôi chỉ ký với 1 tổ chức hội, trong đó chủ yếu là hợp tác với Hội Phụ nữ và Hội Nông dân. Vì bản thân tổ chức hội yếu thì khó có thể quản lý, sử dụng hiệu quả đồng vốn”, ông Nguyễn Hồng Thao chia sẻ.

Với cách làm được xem là chẳng giống ai, ông Nguyễn Hồng Thao từng bị chính quyền nhiều xã, phường “phê bình”, tại sao có tới 4 tổ chức hội nhưng ông chỉ ký với 1 hoặc 2. Song ông vẫn kiên quyết giữ chính kiến của mình là chỉ ký hợp đồng với các tổ chức hội hoạt động hiệu quả. Không chỉ “bảo thủ” trong việc ký hợp đồng cho vay ủy thác, khi thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn ông cũng có cách làm khác người. Nếu như ở nhiều nơi, Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo các tổ chức hội, các tổ viên của các đoàn thể thì ông cương quyết thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn hành chính. Ông Nguyễn Hồng Thao lập luận: khi thành lập các tổ theo địa giới hành chính (thôn, xóm), thì những người trong một tổ sẽ ở gần nhau, như vậy sau này sẽ rất thuận tiện trong sinh hoạt giữa các thành viên vay vốn và ngân hàng cũng dễ quản lý.

Vì vậy, từ lâu, việc thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH tỉnh Phú Thọ được xây dựng trên nguyên tắc: Một là, thành viên của tổ phải đủ đông, để sinh hoạt có chất lượng hấp dẫn. Hai là, dư nợ ở tổ phải đủ để Tổ trưởng có mức hoa hồng, khích lệ họ làm việc. Ông Thao cũng chỉ đạo cán bộ tín dụng phải truyền đạt, đẩy mạnh hướng dẫn các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Mỗi khi địa phương có công việc, họp hành, giao ban thì ngân hàng tranh thủ lồng ghép để hướng dẫn các đối tượng chính sách thủ tục vay vốn, hay tranh thủ giải ngân thu nợ, thu lãi. Như vậy, đòi hỏi cán bộ ngân hàng luôn phải bám sát thực tế. Không những thế, mô hình hoạt động hiệu quả của NHCSXH đã khiến một số chi nhánh cử cán bộ về tìm hiểu.

Và họ đã rất ngạc nhiên khi các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ghi chép sổ sách một cách bài bản. Nhiều người đã thắc mắc: Không biết NHCSXH tỉnh Phú Thọ có bí quyết gì mà cán bộ xã, cán bộ thôn, Tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn biết một cách thông thạo quy trình nghiệp vụ ngân hàng như vậy.

Theo quan điểm của ông Thao, Ban quản lý Tổ tiết kiệm phải biết quản lý về kinh tế, phải làm được và tiền của NHCSXH đổ vào mà không phát huy hiệu quả thì không ổn. Nếu được ông Trưởng thôn, trưởng bản, trưởng xóm làm thì càng tốt. Thậm chí ông Thao từng bị cấp trên hồi đó phê bình là nếu giao cho Trưởng thôn làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ dẫn tới chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì bình xét sao minh bạch được.

Nhưng ông Thao có cái lý của mình: Tổ trưởng là do dân người ta tín nhiệm và xã người ta công nhận rồi. Ông Thao tiết lộ, ở Phú Thọ hiện nay có khoảng 4.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ đảm bảo 3 đủ: đủ thành viên, đủ dư nợ, đủ năng lực quản lý và quan trọng là Tổ trưởng luôn phải làm được việc.

Vướng đâu gỡ đó, lại toàn làm theo cách chẳng giống ai. Nhưng nói về thành công của mình, ông Thao chỉ túm lại ở hai bước: Bước đầu tiên là tăng dư nợ, bước hai là củng cố bộ máy, nhân lực của ngân hàng, của địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn. “Có vốn rồi mà bộ máy không tốt thì sinh ra xâm tiêu, thất thoát, nợ quá hạn cao. Nhưng hai bước đi đó, khi kết hợp với nhau thì nó mạnh lắm”, ông Thao kết luận.

Nghiêm Quang Cảnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác