Bền bỉ đưa nguồn vốn ưu đãi đến vùng đất biển

26/08/2014
(VBSP News) Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Giám đốc NHCSXH huyện Giao Thủy Lưu Đình Hưng đã “cầm lái” vững vàng, bền bỉ đưa con tàu chở đồng vốn chính sách đến từng hộ nghèo của miền đất biển này để đầu tư khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao cuộc sống, góp phần đổi thay diện mạo xóm làng.
Lưu Đình Hưng (phải) đi thực tế

Lưu Đình Hưng (phải) đi thực tế

Đã 10 năm có lẻ, từ khi còn là nhân viên kế toán, đến nay đang giữ cương vị Giám đốc NHCSXH huyện, anh Lưu Đình Hưng đã cùng với những cán bộ tín dụng trẻ tuổi không quản ngại khó khăn, thử thách, luôn tận tâm thực hiện phương châm “3 cùng”: Cùng bám cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay thuận lợi, đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Công việc của cán bộ NHCSXH thường xuyên tiếp xúc với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vì vậy, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, bản thân Hưng và đồng đội đã rèn luyện cho mình tác phong, phương pháp giao tiếp với người dân, không có hành vi khiếm nhã, gây khó với khách hàng khi vay vốn, cũng như trả nợ, nộp lãi. “Dù vất vả, nhưng chúng tôi luôn gắng sức, đưa vốn ưu đãi kịp thời đến với người nghèo là niềm vui của người cán bộ NHCSXH rồi”, anh Hưng vui vẻ nói.

Để triển khai có kết quả các chương trình cho vay, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của miền đất biển từ 14,7% (năm 2008) xuống 5,9% (năm 2013), anh đã chủ động xây dựng phương án phù hợp với thực tế ở địa phương, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các thôn, phối hợp với Trưởng thôn tham gia họp bình xét hộ được vay vốn, giám sát, kiểm tra hộ vay, phê duyệt danh sách hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn theo đúng quy định.

Chúng tôi cùng Giám đốc Lưu Đình Hưng về xã Giao Long, một xã ven biển thăm mô hình nuôi thuỷ sản của gia đình ông Nguyễn Ngọc Khảm ở xóm 1, khi những lứa tôm thẻ chân trắng đang thời kỳ thu hoạch. Ông Khảm cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ trực tiếp của anh Hưng đây, gia đình tôi đã 2 lần được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, lần đầu là năm 2009, gia đình được vay 20 triệu đồng để nuôi cá vược. Sau hai năm được mùa, tôi đã trả hết nợ và được vay tiếp 100 triệu lần thứ hai vốn chương trình giải quyết việc làm, đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ vậy, mô hình sản xuất của gia đình tôi năm 2013 thu lãi 600 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng”.

Rời trang trại nuôi tôm của ông Khảm, niềm vui như nhân lên khi chúng tôi cùng với những cán bộ NHCSXH đến thăm những hộ đã thoát nghèo, làm ăn khấm khá nhờ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm, ẩn sau niềm vui đó là bóng dáng của những cán bộ ngân hàng đang hàng ngày tận tụy chuyển tải vốn chính sách đến với người nghèo. Nói như anh Nguyễn Văn Thất, là 1 trong 20 hộ tiên phong ở xã Giao Tân trong việc sử dụng vốn vay của Chương trình giải quyết việc làm thoát nghèo bền vững, mở rộng quy mô xưởng cơ khí nông cụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi: “Tự mình không đủ sức làm nên cơ nghiệp, mà phải có sự tận tâm giúp đỡ của Giám đốc Lưu Đình Hưng và cán bộ NHCSXH huyện Giao Thủy đưa đồng vốn ưu đãi đến với người nghèo miền biển, biến “giấc mộng làm giàu” của chúng tôi thành hiện thực”.

Bài và ảnh Uyên Khanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác