Huyện Đoàn Văn Bàn làm tốt công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi
Theo đó, tổng dư nợ đến nay do huyện Đoàn quản lý đạt trên 53 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu là nguồn vốn vay hộ nghèo 28,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 1 tỷ đồng, HSSV 7 tỷ đồng… Các hình thức vay khác như cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, NS&VSMTNT, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn do Đoàn Thanh niên thực hiện uỷ thác với NHCSXH huyện Văn Bàn cũng đang phát huy tốt, hiệu quả.
Để nguồn vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Huyện Đoàn Văn Bàn đã chỉ đạo các xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các đoàn viên, các hộ vay vốn. Đồng thời tích cực tuyên truyền định hướng phát triển sản xuất cho các đoàn viên, thanh niên thuộc diện hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nên đến nay tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ 0,08% tổng dư nợ.
Thông qua nguồn vốn vay uỷ thác cũng như sự giúp đỡ của tổ chức đoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn Văn Bàn đã đầu tư có hiệu quả vào phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Hà Văn Liêm ở xã Hoà Mạc đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH thông qua chi đoàn xây dựng mô hình kinh tế trang trại VAC tổng hợp, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh Liêm còn hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư giống, vốn giúp cho các hộ dân xung quanh nuôi lợn mường, nhím, để cùng thoát nghèo.
Còn anh Bàn Hữu Phây, một đoàn viên ở xã Dần Thày, huyện Văn Bàn cũng đã thoát nghèo, làm ăn khá giả từ nguồn vốn ưu đãi. Là gia đình thuộc hộ nghèo, năm 2011 anh Phây vay 30 triệu để xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc trồng cây thảo quả. Với quyết tâm làm giàu và nhờ nguồn vốn chính sách làm động lực, anh Phây đã chăm sóc, chu đáo cho 3 con bò sinh sản và 2ha cây thảo quả. Từ một thanh niên nghèo, anh đã vươn lên làm giàu và trở thành gương sáng về tinh thần vượt khó, lập thân, lập nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay dành cho đoàn viên thanh niên.
Theo thống kê của huyện Đoàn Văn Bàn, các nguồn vốn dành cho thanh niên đều được tập trung vào phát triển ngành nghề mũi nhọn của địa phương như chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, trồng thảo quả… Nhiều dự án đã được huyện Đoàn phối hợp với các ban, ngành trong huyện triển khai giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, cụ thể là dự án nuôi bò sinh sản chăm sóc cây ngô lai, đậu tương đông, cải tạo đồi chè sạch… Mặt khác, huyện đoàn cũng phối hợp với NHCSXH tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt vai trò uỷ thác vay vốn, tiến hành giải ngân cho các dự án phát triển kinh tế, để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên xóa nghèo bền vững, làm giàu nhanh ngay trên quê hương miền núi.
Bài và ảnh Nghiêm Quang Cảnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo Vĩnh Long
- » Trao đồng vốn cần đi kèm kiến thức
- » Góp phần đưa đồng vốn đến tận tay đối tượng chính sách
- » 4.000 hộ nghèo ở Phú Yên mong nhà tránh lũ
- » Bình Định đổi thay diện mạo sau Nghị quyết 30a
- » Chuyện “cao và thấp” ở huyện Cẩm Khê
- » Cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Gỡ khó cho người trồng dược liệu
- » Giúp hội viên vươn lên làm giàu
- » Hiện đại hóa tin học như “chiếc chìa khóa vạn năng”