Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ quý III/2022
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Hầu A Lềnh - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các đồng chí Ủy viên HĐQT, thành viên Ban chuyên gia tư vấn HĐQT, các Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, Kế toán trưởng, Giám đốc các Ban CMNV tại Hội sở chính, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm CNTT và Sở giao dịch.
Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH nhấn mạnh: Trong 9 tháng qua, NHCSXH đã chủ động bám sát Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị của NHNN; Nghị quyết HĐQT NHCSXH và đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, triển khai các phương án thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến 30/9/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ước đạt 289.585 tỷ đồng, tăng 33.181 tỷ đồng (+13,0%) so với năm 2021, trong đó vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 28.939 tỷ đồng, tăng 4.237 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 274.580 tỷ đồng, tăng 26.611 tỷ đồng (+10,7%) so với năm 2021 với trên 6.432 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao ước đạt 231.375 tỷ đồng, tăng 21.500 tỷ đồng (+10,2%) so với cuối năm 2021.
Đến 30/9/2022, tổng doanh số cho vay toàn hệ thống ước đạt 76.215 tỷ đồng, tăng 14.982 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, với trên 1.780 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Trong 9 tháng qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ, tạo việc làm cho trên 660 nghìn lao động, giúp trên 4,9 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 17 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho hơn 82 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho trên 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng khoảng 1.140 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh…
Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,68%/tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,24%.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2022, Chủ tịch HĐQT yêu cầu hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn mới. Tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, đặc biệt là giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Tăng cường công tác tham mưu nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, chủ động, tích cực hoàn thành huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được giao. Tiếp tục chỉ đạo công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, theo đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách, đặc biệt là kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của NHCSXH.
PV
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Đà Nẵng hỗ trợ hơn 199,5 nghìn hộ thoát nghèo
- » Quảng Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách gắn với mục tiêu giảm nghèo
- » Thừa Thiên - Huế: Tín dụng chính sách là trụ đỡ giảm nghèo
- » Kon Tum tổng kết 20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Vốn tín dụng chính sách phát huy vai trò “bệ đỡ” cho hộ nghèo Bến Tre
- » Hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk
- » Tỉnh Ninh Bình có trên 547.870 lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách
- » Tuyên Quang huy động các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách
- » Long An thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội 20 năm qua