Giảm nghèo nhờ tín dụng chính sách
Thay đổi nhận thức
Đã bước sang tuổi 44 nhưng hơn 40 năm qua, chị Bùi Thị Thoại, người dân tộc Mường ở thôn Đồng Chay, xã Vân Hòa, Ba Vì (Hà Nội) chưa một lần rời địa phương quá 10km. Ấy vậy mà khi đến thăm ngôi nhà ngói ba gian với khu bếp, khu cất giữ thức ăn cho bò sữa, khu chuồng trại chăn nuôi… được quy hoạch khoa học, vệ sinh chúng tôi cứ ngỡ mình đang thăm nhà của một Tiến sỹ nông học nào đấy.
Chị Thoại kể, còn nhỏ, chị chỉ đi từ nhà đến trường; đến khi đi lấy chồng cũng vẫn trong “tọa độ” xã Vân Hòa. Giờ, toàn bộ cơ ngơi của gia đình có được cũng nhờ đất và người Vân Hòa, đặc biệt là các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Ba Vì. Năm 2005, khi cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn nhất, cái nghèo luôn rình rập thì cũng là lúc chị Thoại được Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vân Hòa giới thiệu tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Ba Vì. “Cầm 5 triệu đồng - một tài sản chưa bao giờ chúng tôi có thì nỗi lo khác ập đến. Làm gì đây với số tiền này?”, chị Thoại nhớ lại.
“Vẫn là nhờ các cán bộ tín dụng đã bày cách cho gia đình mua một con bò sinh sản. Và cứ thế, bò lớn dần, sinh sôi thành đàn bò sữa gần chục con. Bố mẹ cháu bán dần để trả nợ ngân hàng và trang trải các chi phí khác, chỉ giữ lại 4 con như các cô thấy” - con trai lớn của chị Thoại, hiện đang là sinh viên năm cuối của Học viện Hành chính Quốc gia tiếp lời.
Năm 2008, gia đình chị Thoại thoát nghèo. 5 năm sau, chị mạnh dạn vay 52 triệu đồng từ chương trình tín dụng HSSV. Từ nguồn vốn này, hai người con của chị, một đang chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, một bước vào năm thứ 3 Học viện Ngân hàng. Hiện, cuộc sống gia đình đã có của ăn, của để. “Và, sau tất cả những thăng trầm cuộc sống, điều tôi nhận thấy, không gì tốt hơn bằng chính mình làm chủ cuộc đời mình. Tôi cảm ơn những cán bộ tín dụng của NHCSXH, các chị trong Hội Phụ nữ xã đã giúp tôi nhận ra chân lý ấy”, chị Thoại xúc động nói.
Chia sẻ thêm về hoạt động của NHCSXH tại địa phương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vân Hòa Đào Thị Thoan cho hay, song song với việc “dẫn” vốn tín dụng ưu đãi về với từng thôn bản, cán bộ NHCSXH huyện còn phối hợp với chính quyền cơ sở cùng hướng dẫn bà con. Mỗi lần giải ngân là mỗi lần chuyển giao KHKT. Từ việc nhỏ đến việc lớn, cán bộ đều cầm tay chỉ việc, giúp bà con thay đổi thói quen và hình thành ý thức có làm, có ăn, có vay, có trả. “Chúng tôi gọi đó là cuộc đại cách mạng thay đổi nhận thức”, bà Thoan nói.
Chính sách cần mang tính đột phá
Toàn huyện Ba Vì hiện có 28 vạn người thuộc 18 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường và Dao chiếm phần đông dân số, tập trung tại 7 xã. Gần 15 năm qua, cùng với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các điểm du lịch sinh thái, tâm linh… của chính quyền địa phương, NHCSXH đã “thổi luồng gió mới”, giúp đồng bào DTTS vùng bán sơn địa Ba Vì thay da đổi thịt bằng những khoản vay vi mô, kịp thời, thiết thực và đậm chất nhân văn.
Tuy nhiên, là người trong cuộc, Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì Hoàng Thị Hạnh cho rằng, Ba Vì là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với mặt bằng chung của thành phố. Do đó, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu do mất đất sản xuất… còn rất lớn, nguồn vốn hiện nay chưa đáp ứng được. Trên thực tế, các hộ thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn Hà Nội đang được vay vốn từ 10 chương trình tín dụng chính của NHCSXH thành phố. Nhìn chung, mức cho vay tối đa quy định tại một số chương trình còn thấp, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Do đó, theo bà Hạnh, các chính sách này cần mang tính đột phá về mức vay; tăng thời hạn cho vay; nguồn vốn tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để hộ dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế trong tương lai như nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao KHKT, có định hướng, thị trường tiêu thụ sản phẩm… để giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong 15 năm qua, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Ba Vì đạt 1.230 tỷ đồng với 87.500 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến nay đạt hơn 425 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/năm. Từ nguồn vốn này đã có 12 nghìn lượt hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 9.500 nghìn lao động; trên 18 nghìn HSSV khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng trên 800 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Bài và ảnh Thái Bình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » CCB “đánh bại” đói nghèo
- » Hưng Yên đổi mới phương thức đầu tư tín dụng chính sách
- » Vay vốn 30 triệu đồng, 5 năm sau lãi cả đàn bò
- » Kênh tín dụng giúp CCB làm giàu
- » Vượt lên chính mình từ đồng vốn chính sách
- » Không có vốn vay, chúng tôi khó thoát được nghèo
- » Hiệu quả từ đồng vốn vay
- » Tín dụng chính sách đóng góp tích cực cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững
- » Gần 180.000 hộ thoát nghèo nhờ vốn chính sách tại Cần Thơ
- » Đoàn Thanh niên nhận ủy thác vốn vay ưu đãi của NHCSXH trên 20.000 tỷ đồng