Kênh tín dụng giúp CCB làm giàu

10/08/2017
(VBSP News) Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, Hội CCB huyện Kim Bảng đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo. Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Chung - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Kim Bảng với nhóm phóng viên chúng tôi trong chuyến công tác thực tế tại Hà Nam vừa qua.

Ông Trần Văn Chung - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Kim Bảng (áo trắng) kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của hội viên

Ông Trần Văn Chung - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Kim Bảng (áo trắng) kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của hội viên

Phóng viên: Thưa ông, Hội CCB là một trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH trên địa bàn huyện Kim Bảng, đến nay hội đạt được những kết quả như thế nào?

Trả lời:Tính đến tháng 7/2017, tổng dư nợ ủy thác thông qua Hội CCB đạt hơn 32,5 tỷ đồngvới hơn 2.000 hội viên vay vốn. Một số chương trình có dư nợ cho vay lớn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và giải quyết việc làm…

Hội chúng tôi đang quản lý 43 Ttiết kiệm và vay vốn. Nói đến độ an toàn của đồng vốn vay, theo tôi được biết, tính đến nay NHCSXH huyện Kim Bảng có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất tỉnh Hà Nam 0,068%, trong khi đó nợ quá hạn của hội CCB chỉ ở mức 0,025%, con số cụ thể là 79 triệu đồng. Có những đơn vị như hội CCB thị trấn Ba Sao, dư nợ trên 3,4 tỷ đồng, trên 100 hội viên vay vốn, không có nợ quá hạn. Thực hiện chủ trương của Nhà nước về giảm nghèo, mấy năm nay hội thực hiện phong trào: “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, vốn vay chính sách là động lực giúp các CCB tiếp tục cống hiến trên mặt trận kinh tế thời bình.

Phóng viên: Trong số gần 6.000 CCB, ở Kim Bảng có nhiều thương binh kinh doanh sản xuất giỏi, lập nghiệp từ vốn vay chính sách?

Trả lời:Kim Bảng là một huyện nghèo, chính quyền đang tìm cách phá thế thuần nông, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với mở mang ngành nghề, được tỉnh giúp đỡ huyện đang quy hoạch vùng du lịch sinh thái ở các xã miền núi - nơi trước đây nhiều người đã có ý tưởng đắp đập, xây hồ, tạo dựng vùng “Hạ Long cạn”. Theo quy hoạch, rất nhiều hộ vùng bán sơn địa mất đất. Được vay vốn từ NHCSXH họ “đón đầu” chuyển nghề, bằng cách nuôi trồng cây, con đặc sản phục vụ khách du lịch trong tương lai gần.

CCB Đặng Đình Đôn sử dụng vốn vay chính sách phát triển mô hình trồng nấm

CCB Đặng Đình Đôn sử dụng vốn vay chính sách phát triển mô hình trồng nấm

CCB Đặng Đình Đôn ở Tổ dân phố số 6, thị trấn Ba Sao là một ví dụ. Năm 2016, ông Đôn vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo đầu tư trồng nấm. Năm 2017, ông vay tiếp 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để làm nhà khung sắt, mở rộng quy mô trồng nấm. Hiện nay, ông có 1.008m2 trồng nấm với hơn 5.000 bịch, chia thành 2 khu, chủ yếu nấm sò và mộc nhĩ, thu 50 - 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 4 con lợn nái, 2 lợn mán, 2 con bò sinh sản, 70 con ngan, gần 100 con gà mang lại nguồn thu hơn 50 triệu đồng/năm.

Hay như ông Phan Duy Hưng, thương binh hạng ¾ ở xóm 9, xã Thụy Lôi, nhờ nguồn vay từ chương trình giải quyết việc làm, ông mở rộng quy mô, chăn nuôi đa dạng hơn. Hiện, mô hình chăn nuôi của ông có 300 gà Ai Cập - chuyên đẻ trứng, 200 gà thịt, 300 con ngan, 16 con lợn sề, 18 con lợn thịt. Ngoài ra, còn có ao cá, với các loại trắm, chép, trôi…mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi cá của thương binh Phan Duy Hưng

Mô hình nuôi cá của thương binh Phan Duy Hưng

Xin được nói thêm, ngoài sản xuất giỏi, trước đây ông Hưng đã từng giữ chức Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi 2 khóa liên tục. Năm nay ông đã 64 tuổi, tuổi già nhưng chí không già, ông vẫn là hội viên CCB tích cực của xã và huyện. Xã Thụy Lôi đang có dư nợ tại NHCSXH 15,4 tỷ đồng; trong đó dư nợ của Hội CCB 3,1 tỷ đồng (70/200 hội viên CCB được vay vốn).    

Đàn gà Ai Cập 300 con giúp gia đình ông Hưng ổn định kinh tế

Đàn gà Ai Cập 300 con giúp gia đình ông Hưng ổn định kinh tế

Phóng viên: Qua thực tế của hai CCB ở thị trấn Ba Sao và xã Thụy Lôi, ông có thể rút ra kinh nghiệm gì để thời gian tới tín dụng chính sách an toàn hơn, hiệu quả hơn trên quê hương Kim Bảng?

Trả lời: Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, Hội CCB huyện thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn bằng nhiều hình thức như: kiểm tra định kỳ, đột xuất, tăng cường trách nhiệm của cán bộ cơ sở, triển khai các nội dung công tác ủy thác và chương trình vay vốn tín dụng chính sách, qua đó phát hiện kịp thời những trường hợp vay sai đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích… để chấn chỉnh, ngăn ngừa kịp thời.

Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, Hội CCB huyện còn tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn của hội viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Do làm ăn kinh tế có hiệu quả nên các hội viên CCB được vay vốn đều trả lãi, gốc đúng kỳ hạn. Nhiều năm nay không có hội viên nào sử dụng vốn sai mục đích, không phát sinh nợ quá hạn. Bên cạnh đó, Hội CCB huyện Kim Bảng còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên về kỹ thuật sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào công tác quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả đúng mục đích.

Mặt khác, Hội CCB huyện nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, xem đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình thực hiện công tác ủy thác vay vốn tín dụng chính sách, thường xuyên kiểm tra giám sát, đảm bảo chế độ thông tin báo cáo, đáp ứng yêu cầu phát triển công tác tín dụng chính sách thời kỳ mới.

Thời gian tới hội chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng dạy nghề, phát triển dịch vụ để ruộng đất bị thu hẹp, nhưng đồng vốn vay NHCSXH sinh sôi, tăng thêm thu nhập cho hội viên…!

Phóng viên: Xin cm ơn ông!

Hồ Khánh Thiện thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác