Tín dụng chính sách đóng góp tích cực cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững

08/08/2017
(VBSP News) Đó là ý kiến đánh giá chung của các Nhà khoa học, các giảng viên đến từ Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí Ngân hàng sau chương trình trao đổi, khảo sát và tìm hiểu thực tế hoạt động của NHCSXH vào những ngày đầu tháng 8 này. Đoàn khảo sát gồm 19 thành viên do PGS.TS. Trương Quốc Cường - Viện Phó Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng - Học viện Ngân hàng làm Trưởng đoàn. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Tú đã tiếp và dự buổi trao đổi với đoàn.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn khảo sát với NHCSXH tại Hội sở chính NHCSXH

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn khảo sát với NHCSXH tại Hội sở chính NHCSXH

Chương trình khảo sát thực tế hoạt động của NHCSXH nhằm giúp các Nhà khoa học nắm bắt được tình hình và kết quả hoạt động của NHCSXH sau 15 năm thành lập. Chương trình này là một trong những nội dung triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017 - 2022 giữa NHCSXH và Học viện Ngân hàng.

Ngày đầu tiên, tại Hội sở chính NHCSXH, đoàn khảo sát đã được nghe giới thiệu tổng quan về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động đặc thù riêng của NHCSXH và kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH 15 năm qua.

Tiếp đó, đoàn đi khảo sát thực tế tại NHCSXH TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về mô hình tổ chức, mạng lưới hoạt động, kết quả nhận nguồn vốn uỷ thác địa phương, kết quả cho vay và chất lượng tín dụng chính sách, sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn thành phố. Tại đây các Nhà khoa học đã có những trao đổi, thảo luận với Ban lãnh đạo NHCSXH TP Hà Nội về kết quả hoạt động và đóng góp của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Báo cáo với đoàn công tác về kết quả hoạt động của đơn vị từ 2003 đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 6.146 tỷ đồng, tăng 16 lần so với thời điểm mới thành lập (đầu năm 2003), bình quân mỗi năm tăng 23%. Trong đó ngân sách địa phương ủy thác sang để cho vay gần 2.000 tỷ đồng thể hiện vai trò trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Điều đặc biệt, việc tăng trưởng nguồn vốn trên địa bàn Thủ đô theo hướng chuyển dịch cơ cấu, đẩy mạnh nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương để nâng cao tự chủ về tài chính là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững của NHCSXH.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gần 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn từ NHCSXH góp phần giúp 220 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 460 nghìn lao động, giúp trên 140 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng cải tạo gần 430 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo. Bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ và nguồn vốn, Hà Nội cũng là đơn vị thường xuyên nâng cao chất lượng tín dụng, nợ quá hạn duy trì dưới 0,1%. Nhiều NHCSXH cấp huyện không có nợ quá hạn.

Đoàn khảo sát đã đến thăm và làm việc với chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội

Đoàn khảo sát đã đến thăm và làm việc với chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội

Trong các ngày làm việc tiếp theo, Đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, NHCSXH huyện Quảng Xương và Điểm giao dịch xã Quảng Phong (Quảng Xương). Qua khảo sát thực tế, các Nhà khoa học đã có cái nhìn rõ hơn về đặc thù hoạt động của NHCSXH, đó là mạng lưới các Điểm giao dịch tới tận xã/phường/thị trấn; hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại thôn, bản; các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và sự tham gia của chính quyền địa phương trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá chung của các Nhà khoa học, điểm mạnh của mô hình tổ chức hoạt động hiện nay của NHCSXH đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội phục vụ giảm nghèo. Mô hình này cũng đảm bảo tính chiến lược lâu dài, quyết định sự phát triển bền vững, có hiệu quả các hoạt động của NHCSXH. Cơ cấu mô hình tổ chức gồm 3 cấp với sự phối hợp của 4 tổ chức hội, đoàn thể đã giảm được nhiều lao động trong bộ máy tác nghiệp, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiết kiệm tối đa chi phí và nhân lực của toàn xã hội. Đây là một mô hình quản lý mới, một kênh dẫn vốn tin cậy chuyên trách phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mô hình kiểu này đã ngăn chặn được tệ tham nhũng, cửa quyền, sử dụng vốn sai mục đích của cả bên cho vay và bên sử dụng vốn vay. Mô hình tổ chức hoạt động của NHCSXH rất đặc thù, khác biệt với tất cả các Ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng như với các mô hình Ngân hàng Chính sách khác trên thế giới. NHCSXH đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, là sợi dây gắn kết tổ chức hội, đoàn thể chính quyền địa phương với người nghèo giúp họ có vốn để làm ăn và phát triển kinh tế.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lễ Hữu Quyền báo cáo kết quả hoạt động của NHCSXH tỉnh gần 15 năm qua

Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lễ Hữu Quyền báo cáo kết quả hoạt động của NHCSXH tỉnh gần 15 năm qua 

Gần 15 năm hoạt động, với nhiệm vụ chính trị được giao là tập trung mọi nguồn lực để triển khai đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 78/2002/NQ-CP của Chính phủ đến tận tay, đúng đối tượng thụ hưởng một cách an toàn, hiệu quả nhất. Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đạt trên 8 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh được tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi mà các hộ gia đình khó tiếp cận với nguồn vốn của các Ngân hàng thương mại, từ đó giúp hộ gia đình có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, SXKD… làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 442 nghìn lượt hộ, giúp trên 275 nghìn hộ nghèo có sự cải thiện về đời sống, mạnh dạn vay vốn đầu tư SXKD, tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường, góp phần đưa 118 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 19,5 nghìn lao động, giúp 284 nghìn HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập, xây dựng 348 nghìn công trình NS&VSMTNT, xây dựng gần 33 nghìn căn nhà cho người nghèo…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Cường nêu lên một số ý kiến trao đổi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Cường nêu lên một số ý kiến trao đổi

Hoạt động hiệu quả của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 11%, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện 30a giảm bình quân 4% - 5%/năm, từ 33,9% (năm 2015) xuống còn 29,13% (năm 2016).

Trao đổi về hiệu quả hoạt động của NHCSXH tại tỉnh Thanh Hóa, PGS.TS. Trương Quốc Cường - Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng thuộc Học viện Ngân hàng cho biết: Hoạt động của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa là hết sức hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy của hộ nghèo, đồng bào DTTS, đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hiệu quả, có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể, gắn bó với người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức hội, đoàn thể thành lập…

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hà phát biểu trao đổi tại buổi làm việc ở Điểm giao dịch xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hà phát biểu trao đổi tại buổi làm việc ở Điểm giao dịch xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương

Tại buổi làm việc với NHCSXH huyện Quảng Xương, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Trần Thế Lưu nhấn mạnh: Năm 2017, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện, vì vậy UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn nhằm nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống mức thấp nhất. 

Đoàn khảo sát tìm hiểu Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương,

Đoàn khảo sát tìm hiểu Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương

Tại Điểm giao dịch xã Quảng Phong (Quảng Xương) đoàn khảo sát đã nghe báo cáo đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Xã Quảng Phong có tới 16 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ vốn vay tại NHCSXH là trên 10 tỷ đồng.

Qua nghe báo cáo của Chủ tịch UBND xã, của các hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và tìm hiểu quy trình tiếp cận vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các thành viên trong Đoàn khảo sát đánh giá cao vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã và hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, cánh tay nối dài của NHCSXH.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hà - Chủ nhiệm Bộ môn ngân hàng, Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, cho vay ưu đãi để mang lại thành công bao giờ cũng phải đặt yếu tố gần gũi người dân, bám sát cơ sở lên hàng đầu, NHCSXH đã thực hiện tốt việc gần dân, bám dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các đối tượng vay vốn, chính vì vậy đây là mô hình rất đặc thù, riêng có của NHCSXH. Theo Tiến sĩ Nguyễn Phú Hà, việc sinh hoạt của từng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã trở thành kênh tuyên truyền đến từng hộ dân chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Chính sự gắn kết mang tính cộng đồng ở các tổ đã tạo cơ hội để các tổ viên giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng vốn vay, tạo thành một phong trào thi đua giữa các hộ nghèo.

Cùng chung ý kiến nhận xét với Tiến sĩ Nguyễn Phú Hà, các thành viên trong Đoàn khảo sát đều đánh giá tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều hộ gia đình, giúp họ cải thiện cuộc sống, đó thực sự là một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo. Việc triển khai chính sách này là mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các hội, đoàn thể và người nghèo và các đối tượng chính sách, là một giải pháp hữu hiệu giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Thông qua thực hiện chương trình đã động viên sự tham gia của toàn xã hội và giúp đỡ người nghèo như là trách nhiệm và quyền lợi của mình từ đó hoạt động của NHCSXH đã thực sự xã hội hoá. Cụ thể, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách do các cấp chính quyền phân bổ cho từng địa phương và được chuyển tải đến hộ vay thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản. Các hộ tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay vốn mà còn được tương trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, được chuyển giao KHKT, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng đồng vốn hiệu quả, tăng thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới, ổn định xã hội. Hoạt động hiệu quả của NHCSXH đã tạo điều kiện cho các chương trình tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, qua đó đóng góp tích cực cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. 

 

“Trong 15 năm hoạt động, tín dụng chính sách đã giúp trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 3,3 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng 9,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho các hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng Sông Cửu Long. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước. 

Hoạt động hiệu quả của NHCSXH đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm từ 26% (năm 2003) xuống còn dưới 5% (năm 2015) và 10% (2016 - áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều). Dù bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các chương trình cho người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện và tăng cường để việc thoát nghèo của người dân thực sự bền vững.” 

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác