Về nơi một thời hoa lửa
Đã tròn 45 năm đã trôi qua kể từ mùa hè đỏ lửa năm 1972 ấy. Thành Cổ yên bình đang từng ngày đổi sắc thay da nghiêng mình bên dòng Thạch Hãn trong xanh, những công trình hạ tầng, những ngôi nhà ngày một đan dầy hơn trên mảnh đất này cùng kinh tế thị xã ngày một phát triển, đang phủ màu xanh mới và ấm áp trên nền một thị xã đã bị hàng trăm nghìn tấn đạn bom trút xuống, gần như san phẳng trong 81 ngày đêm ấy từ 28/6 đến 16/9/1972.
Song trong tim mỗi người dân Quảng Trị, cũng như người dân cả nước, luôn hướng về mảnh đất này để ngưỡng vọng tri ân những người chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.
Theo chân cán bộ NHCSXH trong dịp thường niên tri ân các Anh hùng Liệt sỹ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, tôi trở lại mảnh đất một thời hoa lửa.
Dù đã nhiều lần trở lại, song trong tôi luôn vẹn nguyên sự xúc động nghẹn ngào. 328 ngàn tấn bom đạn tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử đã khiến nơi đây “mỗi mét vuông đất là một mét vuông máu. Và đến nay vẫn có con số thống kê chính xác những người lính đã ngã xuống Thành cổ Quảng Trị và nằm lại trong lòng dòng sông Thạch Hãn. Đây cũng là hai nghĩa trang không có bia mộ trong hàng chục nghĩa trang ở tỉnh Quảng Trị.
Vẫn còn đó những bức ảnh, những hiện vật trong nhà Bảo tàng Thành Cổ, những khuôn mặt tuổi đôi mươi của 45 năm về trước. Những con người giữa bom đạn vẫn rạng rỡ nụ cười và khi ngã xuống “không hề mong ước được phong Anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm” nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết. Nhưng những câu chuyện hôm qua sẽ không bị lãng quên. Dòng máu của các anh đã hòa vào đất mẹ và viết tiếp bản trường ca gìn giữ và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng bởi vậy, Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị là một địa chỉ đỏ mà những người con của NHCSXH trở về mỗi dịp 27/7. Năm 2016, cùng với 395 suất quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Công đoàn NHCSXH đã tài trợ hơn 7 tỷ đồng tổ chức Trại sáng tác điêu khắc “Thành cổ Quảng Trị - Bất tử và hồi sinh”.
22 tác phẩm được lựa chọn, vừa mang tính khái quát, vừa mang tính hiện thực, thấm đẫm giá trị nhân văn, phản ánh sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất, hào hùng và sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong “Mùa hè đỏ lửa” ấy.
Và năm nay, một lần nữa NHCSXH phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang trọng tổ chức Đại lễ cầu siêu, Lễ thả hoa đăng và Lễ trao quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Thực hiện nghi lễ cầu siêu cho anh linh các Anh hùng Liệt sỹ luôn được an nhàn trong cõi Tịnh, nguyện cầu cho quốc thái dân an, mọi người được hưởng hòa bình an lạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành thời gian thăm và trao quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở mảnh đất Quảng Trị này. Run run nhận món quà tri ân của NHCSXH do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng, những giọt nước mắt lại trực trào nơi khóe mắt mẹ Văn Thị Tun, 92 tuổi ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.
Giờ mẹ đã lẫn, chẳng thể nhớ được nhiều những ký ức cũ. Nhưng trong lòng mẹ vẫn luôn nhớ người con trai cả và con trai thứ của mẹ đã lần lượt ra đi bảo vệ Tổ quốc không trở về. Nếu còn sống, anh cả cũng đã gần 70 tuổi. Cũng bởi vậy, lặn lội từ Hải Phú về Thành cổ, mẹ gắng ra Thành cổ để dự lễ cầu siêu và thắp nén hương cho các anh.
Còn với mẹ Nguyễn Thị Thí, 93 tuổi ở thôn Linh Triệu, huyện Triệu Phong, mẹ có 9 người con nhưng đến nay chỉ còn 3 anh. Chồng mẹ, em trai chồng và con mẹ đều hy sinh trong những ngày tháng lửa đạn của Quảng Trị. Khi ấy chồng mẹ mới 45 tuổi, và con trai đầu của mẹ ra đi khi vừa tròn tuổi đôi mươi. “Đau đớn lắm” nhưng mẹ vẫn gắng gượng nuôi các con trưởng thành, tiếp viện cho tiền tuyến mong ngày đất nước ca khúc khải hoàn.
Cũng bởi vậy, món quà mà Phó Thủ tướng tặng mẹ không chỉ là vật chất mà còn tràn đầy sự ấm áp yêu thương mà mẹ cảm nhận được từ Đảng, Chính phủ và NHCSXH đã dành cho mẹ. Những tấm chân tình ấy giúp mẹ vơi bớt những vết thương trong lòng vui vầy cùng con cháu, an hưởng cuộc sống tuổi già mà như mẹ bảo, “giờ còn 3 anh, nhớ chúng nó lắm nên lúc mẹ về quê ở với con út, lúc lên Thành cổ ở với anh thứ, cũng như có dịp thắp nhang cho các liệt sỹ đã nằm xuống nơi này”.
Một Quảng Trị thanh bình trong lòng mẹ Thí, mẹ Tun và ngày càng ấm no hơn như các anh mong chờ đang ngày càng rõ cùng những chiến lược phát triển kinh tế, sự hội tụ của các doanh nghiệp, ý thức quật cường của người dân Quảng Trị. Đặc biệt, dòng vốn chính sách đã thực sự trở thành động lực giúp những CCB phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho chính mình và quê hương.
Về xã Triệu Nguyên, huyện Đa Krông, chúng tôi tình cờ gặp CCB Đỗ Tấn Hùng ở thôn Nậm Na. Ông tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, đóng quân tại Bắc Thái 4 năm. Xuất ngũ năm 1984, ông không trở về mảnh đất quê hương Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) mà lên Đa Krông (Quảng Trị) lập nghiệp. Ông bảo Phong Điền chỉ có cát và biển, mà ông thì không biết đi biển nên lên đây khai hoang.
Song ở mảnh đất Triệu Nguyên này, cuộc sống cũng chẳng dễ dàng. Không có vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, lại trong vùng trũng quanh năm đối mặt với lũ lụt, ông kể những năm ấy cuộc sống của những người dân không có Nhà nước trợ giúp chẳng thể sống nổi. Cho đến năm 1995, gia đình ông mới không phải nhận đói mỗi năm 3 tháng mùa giáp hạt. Và cơ hội giúp ông đổi đời được thắp lên từ dòng vốn cho vay đối tượng chính sách của Ngân hàng Phục vụ người nghèo những năm trước và thêm lực bật khi NHCSXH ra đời.
Trải qua nhiều chu kỳ vay vốn từ 5 triệu đồng, 15 triệu đồng và đợt vay cuối cùng là 30 triệu đồng, giờ ông đã có trong tay 1ha trồng ngô và lúa, 5ha trồng tràm cùng 35 - 40 thùng ong mật. Bình quân mỗi năm ông thu được 100 triệu đồng. Thương hiệu “mật ong rừng lá ngàn” của ông đã có tiếng trong vùng. Mô hình nuôi ong của ông giờ đã trở thành một hình mẫu mà Hội CCB đang nhân rộng trong xã. Mới đây, ông lại trình bày cùng bà con trong xã một mô hình kinh tế hiệu quả khác đó là trồng cây tiêu.
Thăm gia đình CCB Nguyễn Dũng ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) càng thấm cái nghĩa tình của dòng vốn tín dụng. Hiện anh đang thờ 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng, bản thân anh, cũng tham gia đi nghĩa vụ từ năm 1979 đến 1982.
Trở về quê hương Vĩnh Linh, dù người dân nơi đây nổi tiếng chịu khó và sáng tạo nhưng tích luỹ không có nên việc phát triển sản xuất khó khăn. Vì vậy, từ khi tiếp cận được dòng vốn ngân hàng, anh từng bước gây dựng cho mình một gia sản 100 trụ tiêu, 3 con bò, 1000 con gà, chưa kể nguồn thu từ 70 con lợn mà anh kịp bán trước đợt giảm giá vừa qua.
Những điển hình như các anh đang trở thành mô hình để bà con học tập và nhân rộng. Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết, không có cách truyền thông nào hiệu quả bằng việc xây dựng những mẫu hình kinh tế hiệu quả, người dân sẽ tự học hỏi, nhân rộng. Và những người lính như anh Hùng đã từng bước qua đói nghèo từ đồng vốn tín dụng chính sách, tham gia công tác Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ càng góp phần lan toả hiệu ứng của dòng vốn trong đời sống.
Để rồi nhìn lại chặng đường đã qua, nguồn vốn tín dụng ngày một nhiều và lan toả rộng tới từng làng bản. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn Quảng Trị đạt 2.257 tỷ đồng, tăng 92 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay 5 tháng đầu năm đạt 313,5 tỷ đồng với 10.820 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chất lượng tín dụng tốt, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,34% tổng dư nợ, đang hứa hẹn những tương lai mới cho các đối tượng chính sách tỉnh Quảng Trị, góp phần ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế. Những vết thương chiến tranh mảnh đất này vì thế sẽ ngày một mờ dần cùng với màu xanh ngày một trải rộng từ các mô hình kinh tế hiệu quả. Lòng người dân Quảng Trị cũng ngày thêm ấm áp khi cuộc sống ngày một đủ đầy.
Ghi chép của Minh Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan của Bangladesh thăm và làm việc tại NHCSXH
- » Đồng vốn nặng nghĩa tình
- » Vốn chính sách “kéo” nghề về vùng nắng lửa
- » Giúp thương binh, bệnh binh vượt lên thương tật, làm giàu
- » CCB có thu nhập tiền tỷ nhờ cải tạo đồng hoang
- » Tín dụng ưu đãi tiếp sức cho hộ nghèo
- » Đồng vốn nặng tình đồng đội
- » Tín dụng chính sách góp phần tích cực thực hiện tiêu chí “không đói nghèo”
- » Đồng bào ở Krông Ana thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi