Vốn chính sách “kéo” nghề về vùng nắng lửa
Ở xã “đặc biệt”
“Nếu nói Ia H’Drai là huyện “đặc biệt” nhất nước thì cũng có thể nói Ia Dal là một xã gần như vậy…” - Chủ tịch UBND xã Ia Dal Ngụy Đình Phúc nói và cho hay, cả xã chỉ có 894 hộ nhưng diện tích chiếm gần 218km2 với 47km đường biên. “Chỉ từ đầu thôn đến cuối thôn, đi bộ cũng đã mất cả buổi… Chúng tôi có ít dân, nhưng tới 20 dân tộc. Hầu hết bà con đều từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào làm công nhân. Tiếng là công nhân nhưng đến đất mới lập nghiệp đã hơn 10 năm, hơn 74% vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo…”.
Về huyện Ia H’Drai lần này, Giám đốc NHCSXH huyện Sa Thầy Lê Ái nói sẽ đưa chúng tôi tới xã “đặc biệt”, hóa ra sự “đặc biệt” ấy là như vậy. Làm công nhân mà nghèo, sự thể là cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản, việc ít, thu nhập tháng chỉ 3 - 4 triệu đồng. Công nhân chỉ tận dụng đầu thừa đuôi thẹo ở đầu lô cao su, bìa rừng trồng ít lúa, sắn theo mùa vụ…
Anh Hà Văn Tình là công nhân cao su, từ xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) vào lập nghiệp được 6 năm nay. Hỏi làm ăn ra sao, anh lắc đầu: “Chẳng dư được đồng nào, còn không đủ sống nữa là khác”. Chỉ vào 5 con bò đang thả bên vườn cao su, tôi đùa: “Bò cả đàn thế kia, sao bảo không dư đồng nào?”. Anh cười ngượng nghịu: “Vừa mới được NHCSXH cho vay tiền mua gây đàn đó”…
Bắt qua chuyện sao bà con không vay vốn để phát triển chăn nuôi, ông Phúc như chợt nhớ ra: “Ấy đấy, mấy năm trước dân chúng tôi cũng biết điều kiện ở đây thì chỉ phát triển chăn nuôi, nhưng mà vốn đâu. Từ năm 2015 may có NHCSXH, chúng tôi mới có chút vốn để mở mang sinh kế…”.
Mở đường cho cả huyện
Huyện Ia HDrai có tổng diện tích trên 980km2 với 11.664 người, bình quân hơn 0,08km2 mới có 1 người dân. Đất rộng, người thưa nhưng gần 55% số dân vẫn nghèo… Dân nghèo trước hết vẫn là do bà con thiếu vốn làm ăn.
Hiểu rõ tình cảnh này, NHCSXH đã dành cho Ia H’Drai nguồn vốn vay thích đáng; đồng thời hướng người dân chọn nghề chăn nuôi làm khâu đột phá giảm nghèo. Định hướng của ngân hàng đã được bà con tiếp nhận và hưởng ứng.
Ông Lê Ái cho biết, triển khai tín dụng chính sách từ tháng 7/2014 đến nay đã có 1.230/2.700 hộ được vay vốn với tổng dư nợ trên 57 tỷ đồng; trong đó 70% số vốn được bà con đầu tư vào chăn nuôi bò.
Định hướng của ngân hàng đã chứng minh được tính đúng đắn. Từ điểm xuất phát số “không”, nay huyện đã có khoảng 2.000 con bò… Đặc biệt, ở xã Ia Tơi, hộ ông Đinh Văn Dũng, ông Đinh Văn Phê đã khá lên từ nghề chăn nuôi bò. “Có thể nói NHCSXH huyện Sa Thầy không chỉ mở đường mà còn kiến tạo nghề chăn nuôi cho huyện Ia H’Drai. Đó cũng là giải pháp gián tiếp giúp huyện bảo vệ rừng. Thật khó mà hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu người dân vì sinh kế bức bách mà phải phá rừng…”, ông Pờ Lý Hải - Phó Chủ tịch huyện Ia H’Drai đánh giá.
Mấy năm trước dân chúng tôi cũng biết điều kiện ở đây thì chỉ phát triển chăn nuôi, nhưng mà vốn đâu?. Từ năm 2015 may có NHCSXH, chúng tôi mới có chút vốn để mở mang sinh kế…”, ông Ngụy Đình Phúc. |
Bài và ảnh Ngọc Tấn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Giúp thương binh, bệnh binh vượt lên thương tật, làm giàu
- » CCB có thu nhập tiền tỷ nhờ cải tạo đồng hoang
- » Tín dụng ưu đãi tiếp sức cho hộ nghèo
- » Đồng vốn nặng tình đồng đội
- » Tín dụng chính sách góp phần tích cực thực hiện tiêu chí “không đói nghèo”
- » Đồng bào ở Krông Ana thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Người nghèo vùng DTTS và miền núi được vay tối đa 50 triệu đồng
- » Phụ nữ xã Võ Ninh thoát nghèo từ vốn ưu đãi
- » Diện mạo mới trên vùng cao Đakrông