Diện mạo mới trên vùng cao Đakrông

26/06/2017
(VBSP News) Năm 2017, huyện Đakrông vừa tròn 2 thập niên thành lập và hoạt động. Vùng núi cao nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, có cửa khẩu quốc tế Na Lày thông sang nước bạn Lào và 30 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, tiêu biểu như chiến khu cách mạng Ba Lòng, Cổng trời vượt đỉnh Trường Sơn, rừng già nguyên sinh Đakrông... nhưng do “sinh sau đẻ muộn”, điểm xuất phát thấp, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào DTTS đông nên Đakrông vẫn là một trong những vùng miền nghèo khó, là huyện duy nhất của tỉnh thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Người nghèo ở xã Mò Ó, huyện Đakrông nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch

Người nghèo ở xã Mò Ó, huyện Đakrông nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch

Trước thực trạng đó, huyện Đakrông đã đề ra chương trình giảm nghèo bền vững với những nhóm giải pháp khá cụ thể, trong đó nhóm giải pháp về nguồn lực do NHCSXH làm chủ lực, tập trung huy động tạo mọi nguồn lực tài chính, đẩy mạnh lồng ghép với nguồn lực các chương trình dự án 135, định canh, định cư, xây dựng nông thôn mới… đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vươn lên vượt khó, dựng xây cuộc sống mới.

Có thể nói, việc huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững ở vùng cao biên giới Đakrông đã được huyện uỷ, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành của tỉnh như LĐTBXH, NN&PTNT và NHCSXH đẩy mạnh công tác, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nguồn lực giúp người nghèo và gia đình đồng bào DTTS phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả cao. Từ nguồn vốn chính sách, nhiều gương sản xuất giỏi làm giàu xuất hiện, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn huyện từ 70% ở thời điểm năm 2008, đến nay giảm xuống còn 25,9%; các phong tục tập quán lạc hậu du canh, du cư, phát, đốt trĩa mất dần.

Gia đình anh Hồ Ai Can ở thôn Pa Loang, xã Hướng Hiệp vay vốn chính sách về nuôi dê

Gia đình anh Hồ Ai Can ở thôn Pa Loang, xã Hướng Hiệp vay vốn chính sách về nuôi dê

“Nhờ sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, người Vân Kiều chúng tôi vay được vốn ưu đãi dễ dàng và ứng dụng cả kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống ấm no hơn so với trước rất nhiều lần và không còn cảnh vất vả, thiếu thốn nữa”, ông Hà Văn Lên ở thôn Khe Ngà, xã Đakrông tâm sự.

Theo Bí thư Huyện uỷ huyện Đakrông Lý Kiều Vân, điều đáng ghi nhận trong chương trình giảm nghèo bền vững trên toàn địa bàn vùng cao Đakrông chính là nỗ lực tham gia của NHCSXH. Đây là một trong những động lực giúp huyện biên giới thành công trên hành trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay 14/14 xã, thị trấn của huyện đều có Điểm giao dịch của NHCSXH hoạt động thường xuyên, giúp trên 90% hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, bình quân mỗi hộ vay trên 25 triệu đồng, nâng tổng dư nợ lên trên 200 tỷ đồng. Một trong những vấn đề được huyện quan tâm là cùng với các chương trình tín dụng hộ nghèo, cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn là tập trung nguồn vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm và xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ,qua đó tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động trên vành đai biên giới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Pa Cô, Vân Kiều.

Chủ tịch UBND xã Mò Ó Hồ Văn Do cho biết: “Bà con ở 5 thôn, bản trong xã vay vốn của NHCSXH ngày càng nhiều, nhờ vậy mà tỷ lệ hộ khá, hộ được dùng nước sạch tăng nhanh. Đó là kết quả từ sự đầu tư của nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành”.

Chủ tịch Hồ Văn Do còn dẫn chứng cụ thể, hiện cả xã Mò Ó có 975 hộ, trong đó hộ dân tộc Vân Kiều chiếm 90% đã sử dụng 12,8 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH huyện Đakrông đầu tư trồng, chăm sóc rừng keo, tràm, nuôi bò laisind, cải tạo đất đồi thành ruộng lúa nước, bắp lai. Tiêu biểu như gia đình chị Hồ Thị Thương người Vân Kiều ở thôn Xa Nai được vay tới 3 lần vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để trồng rừng, nuôi bò nhốt chuồng, thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Cũng tại bên dẫy Trường Sơn, gia đình chị Hồ Đức Quang, người dân tộc Pa Cô ở bản Phú Thiềng, xã Mò Ó sử dụng 50 triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, bao gồm 5 con bò sinh sản, 2 hồ nuôi cá rộng 1000m2, 4ha thông nhựa, keo lá tràm. Từ sự năng động sản xuất cộng với đồng vốn chính sách làm đòn bẩy, vợ chồng anh chị trở lên giàu có, được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng.

Tuy nhiên bên cạnh những mô hình từ nguồn lực đầu tư mang lại hiệu quả thì cũng còn không ít mô hình ở vùng cao Đakrông chưa đáp ứng được kỳ vọng của chương trình giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, việc lồng ghép nguồn lực các chương trình, dự án khác với nguồn vốn tín dụng chính sách còn thiếu đồng bộ, một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thời gian tới là huyện Đakrông sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, công nghệ kỹ thuật, tài nguyên đất đai; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và đẩy mạnh việc cho người nghèo vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh.

Với những mục tiêu, giải pháp đã và đang triển khai, thực hiện, hy vọng công cuộc giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao biên giới Đakrông sẽ mang lại kết quả khả quan hơn.

Bài và ảnh Xuân Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác