Quảng Bình tăng nguồn vốn chính sách giảm nghèo bền vững

23/06/2017
(VBSP News) Là một trong những tỉnh nghèo của khu vực miền Trung, năm qua lại phải đối mặt với sự cố ô nhiễm môi trường biển và thiên tai lũ lụt, nhưng Quảng Bình vẫn kiên cường như thời kỳ đánh giặc, vượt qua khó khăn, thử thách, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngànhh tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo và thu được nhiều kết quả bước đầu quan trọng.

Tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo ở huyện nghèo Minh Hóa có điều kiện phát triển kinh tế đồi rừng

Tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo ở huyện nghèo Minh Hóa có điều kiện phát triển kinh tế đồi rừng

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền, đặt biệt ở các xã biên giới, ven biển, vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ hướng tới người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ tạo việc làm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường, các mô hình kinh tế được xây dựng, phát triển. Người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận thuận tiện hơn nhiều chính sách, dự án đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước trong đó có các chương trình tín dụng ưu đãi.

Tại Hội nghị tổng kết chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 1 của tỉnh Quảng Bình mới đây, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang đánh giá: “Cùng với các cấp, các ngành, NHCSXH đã bám sát định hướng của ngành, Nghị quyết của địa phương, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập được nguồn vốn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước góp phần thiết thực cải thiện đời sống nhân dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 2% trong năm 2016”.

Theo báo cáo, tính đến nay tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Quảng Bình đạt gần 2.700 tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,12% tổng dư nợ. Nổi bật là công tác huy động vốn 5 tháng qua đạt xấp xỉ 170 tỷ đồng, trong đó huy động tiền gửi tiết kiệm từ tổ chức cá nhân được 93,3 tỷ đồng, huy động tiền gửi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn gần 70 tỷ đồng; cùng với đó, vốn nhận uỷ thác từ ngân sách địa phương cũng tăng thêm 5 tỷ đồng để tập trung cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng tại khó khăn, xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Với thuận lợi có mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH tại tất cả các xã, phường, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã và đang tích cực đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách

Với thuận lợi có mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH tại tất cả các xã, phường, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã và đang tích cực đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách

Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm. Nguồn vốn thực sự phát huy được tác dụng trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo, dựng xây cuộc sống mới. Cùng với đó, hoạt động tín dụng ưu đãi còn lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm ở nông thôn và xuất hiện những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao như nuôi trâu bò sinh sản, trồng rừng nguyên liệu giấy ở Minh Hóa, Tuyên Hóa, các trang trại chăn nuôi trồng trọt tổng hợp ở Bố Trạch, Quảng Trạch, mô hình lúa cá, trồng rau sạch theo công nghệ VIET GAP ở Quảng Bình, Lệ Thủy…

Đáng kể đến việc phối hợp giữa NHCSXH với Hội Phụ nữ huyện Minh Hóa thời gian qua đã chuyển tải kịp thời trên 115 tỷ đồng đến 4.900 hộ nghèo và đồng bào DTTS tại 19 xã, thị trấn. Với việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết hợp tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn, nhiều hội viên phụ nữ đã chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm đầu tư chuyển đổi hình thức SXKD, trồng trọt các loại cây có giá trị kinh tế cao như vườn tràm, vườn cao su, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm như gà, dê, trâu bò vỗ béo, lợn nái, lợn rừng, xây dựng mô hình thâm canh cây ăn quả, rau an toàn… cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Kim Bảng được Hội Phụ nữ xã Minh Hóa tín chấp, cho vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và cùng với số vốn nhỏ dành dụm của gia đình, chị Dung đã mở rộng chăn nuôi bò thành đàn 20 con, để hàng năm thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng, các con được học hành đến nơi đến chốn, nhà cửa khang trang và thoát hẳn diện nghèo.

Tại huyện Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Bẩy, chủ trang trại chăn nuôi ở thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh đã sử dụng toàn bộ 50 triệu đồng vốn chính sách để áp dụng kỹ thuật nuôi hươu và cá bè trên sông Nhật Lệ. Sau thời gian nuôi, 5 con hươu và 2 bè cá đã cho thu hoạch gần 10kg lộc nhung và trên 4 tấn cá nước ngọt. Thương lái vào tận nhà mua với giá cao, trừ chi phí anh Bẩy thu lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm. Tiết kiệm trong chi tiêu, sau 3 năm làm ăn hiệu quả, hiện nay gia đình ảnh Bẩy trở thành hộ khá giả, đạt danh hiệu nông dân kinh doanh sản xuất giỏi cấp huyện.

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, NHCSXH tỉnh Quảng Bình tiếp tục tranh thủ tối đa việc bổ sung nguồn vốn từ Trung ương; huy động mọi nguồn lực tại chỗ, tập trung ưu tiên cho vay các vùng miền núi dân tộc, bãi ngang ven biển, các xã xây dựng nông thôn mới; lồng ghép nguồn vốn chính sách đầu tư và các chương trình dự án khác, trong đó chú trọng đầu tư cho những thôn, bản còn nhiều khó khăn, thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo chuyển đổi sản xuất hợp lý, góp phần xây dựng Quảng Bình ngày càng đổi mới và phát triển.

Bài và ảnh Xuân Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác