Đồng vốn nặng nghĩa tình

24/07/2017
(VBSP News) Tháng 7, theo chân cán bộ NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh thăm những gia đình CCB, cựu Thanh niên xung phong (TNXP) vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, chúng tôi được nghe những câu chuyện về người lính thời bình vươn lên trên trận tuyến mới. Câu chuyện vượt khó, chiến thắng mình trên mặt trận không tiếng súng của họ luôn có sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự giúp đỡ của tổ chức hội, đoàn thể và sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.
Các cán bộ NHCSXH nghe cựu TNXP Trương Thị Oanh kể về những ngày mở đường cho xe ra tiền tuyến

Các cán bộ NHCSXH nghe cựu TNXP Trương Thị Oanh kể về những ngày mở đường cho xe ra tiền tuyến

Cựu TNXP Trương Thị Oanh ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh tạo ấn tượng đặc biệt chúng tôi bởi sự mạnh mẽ, tháo vát, cứ như là tuổi tác không làm mất đi khí phách của những người một thời đạp bằng đá núi, mở đường cho những chuyến xe băng lửa đạn chở nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Tham gia TNXP từ năm ở các đơn vị thuộc Đoàn 559, suốt 9 năm ròng, bà Oanh đã cùng đồng đội bám trụ trên những tuyến lửa đường Trường Sơn từ Quảng Trị đến tận Quy Nhơn (Bình Định). Trở về quê hương khi đã gần 30 tuổi, chẳng còn tìm được người nâng khăn sửa túi, bà Oanh xin nuôi một bé gái, đặt tên là Trương Thị Hương.

Cựu TNXP Trương Thị Oanh tranh thủ thời gian rảnh bện chổi bán để trả tiền lãi hàng tháng cho Nhà nước

Cựu TNXP Trương Thị Oanh tranh thủ thời gian rảnh bện chổi bán để trả tiền lãi hàng tháng cho Nhà nước

Cuộc mưu sinh của người phụ nữ lỡ thì dẫu muôn vàn khó khăn nhưng cựu TNXP ấy luôn cố gắng xoay xở nuôi con nên người, rồi gả chồng cho con ở huyện lân cận. Còn lại một mình, bà quyết định xin vay vốn hộ nghèo của NHCSXH để nuôi trâu với dự tính sẽ sắm được chiếc xe máy để tiện sang thăm cháu ngoại ở cách đó vài chục cây số. Tháng 7/2015, với 50 triệu đồng vốn thuộc chương trình hộ nghèo, bà Oanh xây chuồng trại kiên cố và mua 2 con trâu về chăn thả. Bà vui vẻ chia sẻ: “Dù mấy năm nay chăn nuôi không thuận lợi vì giá cả đi xuống nhưng đàn trâu của gia đình tôi đã có 4 con. Chăm cho mấy con nghé lớn chút nữa, tôi sẽ bán bớt để trả nợ NHCSXH khi đến hạn. Còn lại tiếp tục nhân đàn để tạo nguồn tích lũy”.

Nhanh nhẹn, tháo vát, chịu thương chịu khó, hàng tháng bà Oanh còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm thêm nghề bện chổi để xoay xở đồng tiền lãi. “Chưa bao giờ bà Oanh chậm trả lãi cho ngân hàng. Đây cũng là điểm chung của các cựu TNXP, CCB vay vốn ưu đãi”, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 5 Trương Quốc Đức cho biết. Ông Đức chia sẻ thêm: “Bản thân tôi là Chi hội trưởng Hội CCB, vì vậy tôi thường xuyên theo dõi, giúp đỡ các gia đình CCB, cựu TNXP. Không chỉ giúp họ tiếp cận vốn ưu đãi, Chi hội CCB còn thường xuyên động viên, giúp đỡ về mọi mặt để những người trở về từ chiến trường có cuộc sống ổn định”.

Theo Giám đốc NHCSXH thị xã Hồng Lĩnh, Trần Thị Bích Hà: Từ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn của tất cả các tổ chức đoàn thể, trên địa bàn thị xã có hàng chục hộ là cựu TNXP, CCB được vay vốn. Riêng Hội CCB hiện đang quản lý 15 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 15 tỷ đồng. “Chúng tôi thường nhắc cán bộ và các tổ chức hội nhận ủy thác, đối với những người có công với cách mạng, nếu họ đúng đối tượng và có nhu cầu vay vốn thì hết sức tạo điều kiện; phải đồng hành với họ bằng cả trách nhiệm và tình cảm của thế hệ trẻ hôm nay”, Giám đốc Trần Thị Bích Hà cho biết.

Mô hình sản xuất nước mắm của vợ chồng CCB Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Tiến Hải

Mô hình sản xuất nước mắm của vợ chồng CCB Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Tiến Hải

Ở xã vùng biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà, chúng tôi được nghe câu chuyện tình thật đẹp của vợ chồng CCB Nguyễn Thị Hòa (1954), Nguyễn Tiến Hải (1951). Họ yêu nhau từ thời còn học sinh, mang theo lời hẹn ước mỗi người xông pha ở những chiến trường mưa bom bão đạn. Bà là bộ đội Trung đoàn 16 - Đoàn 559, còn ông tham gia chiến trường miền Nam rồi mãi theo các trận đánh ở tận Lào, Campuchia. May mắn là dù nhiều lần bị thương, cả hai đều được trở về và nên duyên chồng vợ. Ông ra khơi bám biển với nghề truyền thống, bà làm công nhân dệt len một thời gian thì trở về làm nghề chế biến hải sản.

Bà Hòa tâm sự: “Còn may mắn được sống trong hòa bình, rồi sinh con, sinh cháu, vợ chồng tôi càng thương nhớ đồng đội và động viên nhau cố gắng lao động sản xuất để không hổ danh người lính”. Vốn có nghề truyền thống lại được đồng vốn NHCSXH tiếp sức, ông bà dần phát triển quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ mô hình chế biến nhỏ, ông bà dần phát triển sản xuất lên quy mô lớn với hàng trăm lít nước mắm và hàng chục tấn hải sản các loại, doanh thu mỗi tháng đạt trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm theo thời vụ cho hàng chục lao động.

Xưởng sản xuất mộc dân dụng của CCB Trần Hải Đường được mở rộng từ vốn vay ưu đãi

Xưởng sản xuất mộc dân dụng của CCB Trần Hải Đường được mở rộng từ vốn vay ưu đãi

Chủ tịch Hội CCB xã Thạch Kim, Dương Đình Hóa cho biết, Hội đang quản lý 4 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 5,8 tỷ đồng; nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,035%. Ở địa bàn kinh tế biển phát triển khá sôi động này, các cựu TNXP đều có tư duy làm ăn nhạy bén. Sau khi xuất ngũ, họ đều SXKD hiệu quả, mức sống của CCB phần lớn đều khá giả. Trong số 365 hội viên chỉ có 2 hộ nghèo là đối tượng ốm đau lâu dài, nhiễm chất độc đioxin.

Dừng chân ở xưởng sản xuất mộc dân dụng của CCB Trần Hải Đường ở Tổ dân phố số 8, thị trấn Thạch Hà, trước mắt chúng tôi là một xưởng sản xuất khá rộng với gần 10 công nhân đang chăm chú trên từng sản phẩm. Ông Đường là bộ đội, còn vợ ông - bà Nguyến Thị Tâm là dân công hỏa tuyến. Chuyển ngành, ông bà công tác ở địa phương một thời gian rồi nghỉ hưu, thành lập cơ sở sản xuất vừa để tăng thu nhập, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. “Ở thị trấn, các chương trình tín dụng ưu đãi ít hơn, tôi chỉ vay được 20 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm. Mặc dù số tiền vay không lớn nhưng đã giúp gia đình tôi sắm sửa thêm các loại máy móc để mở rộng sản xuất”, CCB Trần Hải Đường cho biết.

Trong số các lao động làm việc ở cơ sở sản xuất mộc dân dụng này, có những người đã gắn bó công việc nhiều năm trời. Anh Trần Đình Bá ở huyện Hương Sơn đến xin học nghề rồi ở lại làm việc đã 5 năm nay cho biết: “Công việc ở đây ổn định, mức lương khá tốt cùng với môi trường làm việc nghiêm túc, tính kỷ luật cao nhưng cũng hết sức tình cảm, ấm cúng, vì vậy tôi đã lấy vợ, sinh con và chọn thị trấn Thạch Hà làm quê hương thứ hai”.

Chuyến hành trình cùng cán bộ NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đến với các hộ vay vốn là CCB, cựu TNXP, ai cũng vui mừng đón chào những người bạn ngân hàng thân thiết, gắn bó từ rất lâu rồi. Chuyện đồng vốn tín dụng đang sinh sôi, rồi chuyện chiến trường gian khổ ngày nào cứ thế râm ran bên những ấm nước chè đậm đà tình quê. Và tôi biết, bằng tấm lòng tri ân và trách nhiệm của thế hệ hôm nay, những cán bộ NHCSXH cùng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội nhận ủy thác đang nỗ lực làm bền chặt thêm dòng vốn nặng nghĩa tình…

Bài và ảnh Mai Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác