Thêm nghề để ngư dân vượt khó

09/03/2017
(VBSP News) Sau sự cố ô nhiễm môi trường năm 2016, người dân vùng ven biển ở Hà Tĩnh đã sớm kịp thời được tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ NHCSXH để chuyển nghề, hoặc làm thêm nghề để tạo thu nhập...

Ông Nguyễn Đình Đông ở thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên ngoài đi biển còn có thêm nghề chăn nuôi gia cầm nhờ vốn vay NHCSXH

Ông Nguyễn Đình Đông ở thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên ngoài đi biển còn có thêm nghề chăn nuôi gia cầm nhờ vốn vay NHCSXH

Có thêm nghề, tăng thu nhập

Sáng đi biển chiều lại về chăm đàn gia cầm gần 1.000 con (gồm 450 con ngan, gần 500 con gà), công việc của ông Nguyễn Đình Đông ở thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên cứ liên tục. Dù bận bịu, nhưng ông Đông không giấu nổi niềm vui: “Có thêm nghề tăng thu nhập vui lắm chú à. Cách đây mấy tháng, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, ngư dân chúng tôi khó sống bởi đánh cá về phải bán rẻ, thậm chí không bán được… Nay vừa đi biển được, vừa có thể chăn nuôi”.

Ông Đông cho biết thêm: “Nhà tôi làm nghề biển, nhưng chủ yếu đánh bắt gần bờ. Sau sự cố môi trường, đi biển khó khăn hơn. Trong khi đang rối chưa biết làm gì để có thu nhập thì được NHCSXH về khảo sát cho vay 50 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn này tôi mua ngan và gà thả nuôi…”. Thời gian trong và sau Tết Nguyên đán vừa rồi, ông Đông xuất bán hết ngan, gà, trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng.

Ồng Trần Văn Thuận - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa tâm sự: “Sau sự cố môi trường biển ngư dân gặp khó khăn. Nhưng rất may, 35 gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo đều được vay vốn NHCSXH phát triển chăn nuôi, mức vay từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Giờ đây ngư dân ngoài đi biển còn chăn nuôi bò, ngan, gà và lợn, đời sống ổn định hơn…”.

Sát tình hình, hỗ trợ kịp thời

Ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Huyện Cẩm Xuyên có 6 xã vùng biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Ngư dân gặp khó khăn vì giá hải sản xuống thấp. Đặc biệt, tại 5 xã thuộc vùng bãi ngang, cán bộ ngân hàng đã trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến, đề xuất và hướng dẫn bà con lập hồ sơ vay vốn để chuyển đổi ngành nghề từ đi biển sang chăn nuôi bò, lợn và gia cầm…”. Cũng theo ông Đức, 11 chương trình tín dụng ưu đãi cho vay trên địa bàn đang có tổng dư nợ 413 tỷ đồng với 18.108 hộ vay. Chương trình cho vay hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất với 114 tỷ đồng; hộ cận nghèo 73 tỷ đồng và hộ mới thoát nghèo là 25 tỷ đồng.

1114445 

Theo ông Lưu Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, qua khảo sát tại Hà Tĩnh có 1.251 khách hàng gián tiếp bị ảnh hưởng với số tiền cho vay hơn 35 tỷ đồng. Để kịp thời hỗ trợ hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách bị ảnh hưởng, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã trình Trung ương bố trí nguồn vốn bổ sung cho các đối tượng này với tổng số tiền 150 tỷ đồng. NHCSXH phối hợp các hội, đoàn thể, cơ quan chuyên môn tư vấn, định hướng cho bà con vùng ven biển, bãi ngang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi ngành nghề.

Cùng với các cấp, ngành địa phương, NHCSXH cũng triển khai lồng ghép với các chương trình, dự án, kể cả số tiền nhận bồi thường sự cố môi trường biển vào việc đầu tư mua sắm ngư cụ, tàu thuyền lớn tiếp tục ra khơi.

Bài và ảnh Hữu Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác