Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Hưng Yên
Đến thăm một số mô hình chuyển đổi ruộng trũng, vườn tạp sang trồng cây ăn quả ở xóm Cao Xá, phường Nam Sơn, TP Hưng Yên, trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nam Sơn cho biết: Trước đây xóm Cao Xá là một trong những vùng quê nghèo của địa phương. Mọi thu nhập của người dân nơi đây chỉ trông chờ vào cây ngô và hàng ngày bắt cá ven sông Hồng. Từ khi có chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của thành phố, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và NHCSXH, Hội Phụ nữ phường Nam Sơn đã thành lập được 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chuyển tải trên 4 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, chăm lo việc học hành cho con cái. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn ưu đãi, hầu hết các hộ gia đình ngoài bãi giữa sông Hồng đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp và những thửa ruộng trồng ngô, lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây cảnh, hoa tươi, cung ứng cho thị trường vào dịp cuối năm, mang lại thu nhập ổn định.
Gia đình anh Vũ Văn Toản - một trong 10 hộ điển hình tiên tiến về làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững của phường Nam Sơn cho chúng tôi biết: Cách đây 4 năm, được chính quyền địa phương giúp đỡ cho thuê lại khu đất sình lầy, hoang hóa, vợ chồng tôi đã đầu tư công sức đào mương thoát úng, chở đất phù sa lấp đầy khu ruộng trũng và sử dụng toàn bộ số tiền vay được từ NHCSXH mua giống, phân bón đầu tư phát triển kinh tế vườn cây ăn quả. Khi cây cam, bưởi còn nhỏ, chúng tôi đã trồng xen các loại rau để tận dụng, khai thác tiềm năng đất, tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị đất canh tác, đồng thời cũng hạn chế cỏ dại mọc, còn che đỡ sương lạnh giá rét, giúp cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay là năm thứ tư gia đình chuyển đổi thành công hơn 1ha đất sang trồng cây ăn quả, bao gồm 200 cây cam Vinh, 1.000 cây cam canh, 200 cây cam muộn, ngoài ra còn 100 gốc táo, 150 gốc bưởi, dự kiến thu nhập vài trăm triệu đồng, cao 4 lần so với năm 2014, vụ thu hoạch đầu tiên của nghề làm vườn. Hiện nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định và cải thiện hơn trước rất nhiều.
Rời gia đình anh Vũ Văn Toản, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lã Ngọc Chiến những năm trước còn là một trong những hộ nghèo nhất vùng bãi giữa sông Hồng này. Dù có quỹ đất rộng nhưng vì thiếu vốn, gia đình ông loay hoay với những giống cây ngắn ngày và mảnh vườn tạp nên cuộc sống vẫn luẩn quẩn nhọc nhằn túng bấn. Năm 2013, được sự giúp đỡ vận động của chính quyền, Hội Nông dân phường Nam Sơn, ông Chiến đã sử dụng vốn ưu đãi cải tạo đất, học hỏi, kỹ thuât trồng mới 2 mẫu nhãn đường phèn, 4 sào cà chua giống Thái Lan theo tiêu chuẩn VietGap. Qua 3 năm lao động cần cù, đến nay khu vườn trồng các loại cây giống lai của nhà ông cho thu hoạch gần 300 triệu đồng, không chỉ sớm hoàn trả nợ, lãi đầy đủ với NHCSXH, ông Chiến còn sắm sửa thêm nhiều vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt, mở rộng sản xuất của gia đình.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Xuân: Cùng với vùng đất ngoại ô thành phố, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều làng quê dọc triền đê sông Hồng được xem là những nơi gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có khí hậu mát mẻ, nguồn đất phù sa màu mỡ, phù hợp với các loại cây ăn quả đặc sản. Để khai thác thế mạnh những vùng đất này và phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời, động viên, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; bên cạnh đó, NHCSXH các huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các chương trình dự án với chương trình tín dụng chính sách nhằm giúp các hộ gia đình vươn lên trong sản xuất, tăng thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững, làm giàu nhanh bằng chính sức lao động và tiềm năng đất đai của mình.
Bài và ảnh Nguyễn Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Cần câu cơm” hiệu quả của dân nghèo vùng cao
- » Tín dụng chính sách giúp làng nghề phát triển
- » Cần “cú hích” về vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
- » Đồng hành cùng phụ nữ vượt khó, làm giàu
- » Đồng vốn nghĩa tình cho đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang
- » Đồng hành xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên
- » Thêm đồng vốn, thêm nghề
- » Hộ nghèo hết bán lúa non
- » Người nghèo ở Sóc Trăng vay vốn phát triển kinh tế gia đình
- » Phát huy tính ưu việt huy động tiết kiệm trong dân cư