Đồng hành cùng phụ nữ vượt khó, làm giàu

02/03/2017
(VBSP News) “Có thể ví nguồn vốn tín dụng chính sách đến với gia đình tôi như một nguồn mạch đặc biệt; nuôi dưỡng và biến những ước mong về cuộc sống vơi bớt khó khăn của gia đình tôi trở thành hiện thực”. Chia sẻ ấn tượng trên của chị Nguyễn Thị Vượng ở thôn Tân Hùng, xã Hùng An cũng là tình cảm chung của rất nhiều phụ nữ khác trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang), khi họ được tiếp thêm lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách để vươn lên phát triển kinh tế hộ một cách hiệu quả.
Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Vượng ở xã Hùng An mở rộng quy mô chăn nuôi

Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Vượng ở xã Hùng An mở rộng quy mô chăn nuôi

 

Hình ảnh ngôi nhà tạm của chị Vượng những năm trước giờ được thay thế bằng nhà xây kiên cố, cuộc sống khó khăn của một hộ cận nghèo như gia đình chị nay cũng chuyển gam màu tươi sáng, bởi việc phát triển chăn nuôi hàng trăm con lợn thịt, lợn giống/năm đã tạo thu nhập khá cho gia đình chị. Ngoài đầu tư quy mô chuồng nuôi khang trang, chị còn chủ động nuôi thêm 5 lợn nái và 1 lợn đực giống ngoại để tự nhân đàn. Việc làm này không chỉ giúp chị tiết kiệm chi phí giống mà còn tạo tầm vóc, thể trạng vật nuôi to, khỏe hơn so với giống lợn địa phương. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế thuận lợi đã từng bước giúp gia đình chị mở được đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại giống cây trồng phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi, trồng trọt của nhiều hộ dân trong và ngoài xã… Chia sẻ về kết quả trên, chị Vượng bộc bạch: Trong lúc khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, năm 2011, tôi được NHCSXH huyện Bắc Quang giải ngân nguồn vốn vay 30 triệu đồng. Theo năm tháng, thành quả lao động đã giúp tôi tích vốn để nâng cao chất lượng cuộc sống và vượt qua khó khăn chồng mất, khi chỉ còn một mình nuôi hai con gái theo học chuyên nghiệp; giờ đây hai con tôi đã có việc làm tại các cơ quan Nhà nước, tôi mừng lắm! Nếu như câu chuyện phát triển kinh tế gia đình, nuôi con trưởng thành của chị Vượng khiến nhiều người xúc động thì câu chuyện vượt khó, làm giàu của chị Vũ Thị Tâm ở thôn Khuổi Nhe, xã Vĩnh Hảo đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư nơi gia đình chị cư trú. Từ một hộ có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, gia đình chị đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện Bắc Quang để phát triển chăn nuôi “đầu cơ nghiệp”. Theo năm tháng, từ một trâu nái, từng bước giúp gia đình chị nhân đàn, tăng thu nhập. Năm 2014, chị tiếp tục vay vốn NHCSXH huyện để đầu tư thâm canh, sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Cũng chính thời điểm này, Công ty TNHH Trà Hoàng Long, xã Hùng An - Bắc Quang thực hiện chương trình liên kết với các hộ trồng chè của xã Hùng An, Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Tuy để phát triển vùng nguyên liệu sạch phục vụ nhu cầu chè xuất khẩu. Nắm bắt cơ hội trên, chị Tâm đã liên kết với Công ty, điều này không chỉ giúp sản phẩm chè búp tươi của gia đình chị có đầu ra và giá bán ổn định mà gia đình chị còn được Công ty hỗ trợ phân bón hữu cơ chuyên dùng, cung cấp miễn phí thuốc bảo vệ thực vật sinh học để khống chế sâu, bệnh hại chè…

Nhận thấy giá trị bền vững từ mối liên kết: Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học và Doanh nghiệp; chị Tâm đã vận động các hộ dân trồng chè trong thôn tham gia liên kết với Công ty TNHH Trà Hoàng Long. Tuy nhiên, việc vận động ban đầu của chị thất bại vì nhiều người e ngại việc làm này thiếu hiệu quả. Song, khi thực tế chứng minh hiệu quả kinh tế từ sự tiên phong của chị, 100% hộ dân trồng chè của thôn Khuổi Nhe đã tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, khi sản xuất chè đúng quy trình VietGap, đáp ứng yêu cầu sản phẩm của doanh nghiệp thì chỉ với 1kg chè búp tươi, các hộ dân đã có nguồn thu từ 7 nghìn đến 20 nghìn đồng (phụ thuộc kỹ thuật hái, yêu cầu số lượng tôm, lá chè). Không những góp phần quan trọng hình thành vùng chè trên 40ha sản xuất theo quy trình VietGap có sự liên kết với doanh nghiệp, chị Tâm còn đảm nhiệm việc thu mua chè cho người dân trong vùng liên kết, nhằm tạo thuận lợi nhất cho việc đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Vào vụ chè, bình quân mỗi ngày, gia đình chị giúp các hộ trồng chè tiêu thụ từ 5 - 7 tấn chè búp tươi…

Giờ đây, việc phát triển kinh tế thuận lợi đã giúp gia đình chị Tâm từ hộ còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế vươn lên trở thành hộ giàu của xã. Nhưng “bí quyết” làm giàu của chị thật giản dị: “Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH rất ưu đãi. Biết tận dụng điều này để nắm bắt cơ hội, sử dụng hiệu quả nguồn vốn thúc đẩy sản xuất, nhất định sẽ thành công”.

Bài và ảnh Thu Hương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác