Chắp cánh cho giấc mơ khởi nghiệp của thanh niên

16/02/2017
(VBSP News) Một mùa Xuân mới lại về trên khắp nẻo đường quê hương của Tổ quốc. Người người hân hoan đón chào Xuân mới với nhiều niềm tin và hy vọng tươi mới. Tại Phú Yên không khí Xuân còn vui hơn khi hàng trăm thanh niên trên địa bàn được vay vốn ưu đãi có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều thanh niên thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tự tin vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Chủ nhân của hơn 100 lồng tôm hùm ở Vũng Mắm, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu (Phú Yên) tự hào với thành quả lao động của mình là những con tôm hùm tươi rói, phát triển tốt

Chủ nhân của hơn 100 lồng tôm hùm ở Vũng Mắm, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu (Phú Yên) tự hào với thành quả lao động của mình là những con tôm hùm tươi rói, phát triển tốt

Mới đây, tại diễn đàn thanh niên khởi nghiệp có chủ đề “Tôi khởi nghiệp - Khởi nghiệp bắt đầu từ đâu?” do Tỉnh đoàn và Hội LHTN Phú Yên tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Phan Đình Phùng đề nghị các cấp bộ Đoàn, hội, doanh nhân trẻ toàn tỉnh trong thời gian tới tăng cường tuyên truyền, cổ vũ doanh nhân trẻ và thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức trong quá trình hội nhập quốc tế; tạo điều kiện để thanh niên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh bằng cách hỗ trợ nhau về cây, con giống, vốn, khoa học kỹ thuật và cả thông tin thị trường,…

Có vốn, có điều kiện làm ăn

Hiện là chủ nhân của hơn 100 lồng nuôi tôm hùm ở Vũng Mắm, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu. Nhưng để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Võ Văn Thạch, sinh năm 1986 đã phải trải qua một quá trình gây dựng không kém phần vất vả.

Anh Thạch cho biết: “Là một người con của vùng biển Sông Cầu, lớn lên cùng sóng nước nên tôi luôn trăn trở làm sao để có thể làm giàu từ chính vùng đất quê hương. Sẵn gia đình có nghề nuôi tôm hùm lâu đời nên tôi nảy sinh ý định nuôi tôm để phát triển kinh tế. Nhà nghèo, luôn phải chạy ăn từng bữa, đến năm 2008, được Đoàn Thanh niên giới thiệu, hướng dẫn, tôi đã làm hồ sơ đề nghị NHCSXH TX Sông Cầu cho vay được 15 triệu đồng”. Với số vốn này, cộng với một ít vốn tự có, chàng thanh niên này mạnh dạn đầu tư nuôi 200 con tôm hùm. Vụ đầu tiên lãi ròng 120 triệu đồng. Những năm tiếp theo, anh cũng trúng lớn nên vừa có tiền trả gốc, lãi cho ngân hàng và có tiền đầu tư nuôi tiếp. Riêng vụ tôm năm 2015, anh Thạch thu lãi gần 1 tỷ đồng và trở thành tỷ phú trẻ của vùng đất Vũng Mắm.

Với số lồng nuôi hơn 100, anh thuê thêm 3 lao động địa phương để giúp chăm sóc, quản lý tôm hùm với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh Thạch còn cho nhiều thanh niên địa phương mượn tôm hùm giống nuôi, đến khi xuất bán anh mới thu hồi vốn. “Tôi xuất thân từ gian khó nên thấu hiểu hoàn cảnh của những thanh niên muốn lập nghiệp mà thiếu vốn. Do đó, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có chí làm ăn hoặc hướng dẫn họ vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế như tôi từng làm trước kia”, Võ Văn Thạch tâm sự.

Cũng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, lập gia đình năm 2008, anh Bùi Xuân Niềm, sinh năm1983 ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh vất vả làm nhiều nghề vậy mà cái ăn cũng không đủ. Nhiều lần tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức, anh biết đến kênh vay vốn chính sách của NHCSXH thông qua Đoàn Thanh niên. Được các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, gia đình anh được vay 20 triệu đồng. Suy nghĩ tính toán kỹ, anh Niềm đầu tư ngay vào trồng mía.

Anh Niềm cho biết: “Số vốn vay ban đầu không lớn nhưng lại là động lực để tôi mạnh dạn làm ăn. Hằng năm, sau khi thu hoạch, tôi dành hết số tiền bán mía để mua thêm đất và tiếp tục khai hoang. Đến nay, tôi đã có 30ha đất trồng mía, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư. Làm ăn hiệu quả tôi đã trả nợ, lãi đầy đủ cho ngân hàng”.

Ngoài anh Niềm, anh Thạch, nhiều năm nay, hàng nghìn thanh niên nghèo ở Phú Yên, nhờ vào nguồn vốn chính sách cộng với sức trẻ đã nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo, trở thành những thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình. Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên, Hồ Văn Thục cho biết, thông qua hệ thống Đoàn Thanh niên hiện có 161 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 5.000 thanh niên được vay vốn, dư nợ trên 106 tỷ đồng. So với các hội, đoàn thể khác, nguồn vốn ủy thác qua Đoàn Thanh niên chưa lớn nhưng đã giúp không ít thanh niên có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng chính là những nhân tố tích cực, là những gương khởi nghiệp từ gian khó, tiếp sức cho nhiều thanh niên khác tại địa phương vươn lên làm giàu chính đáng. “Hầu hết thanh niên vay vốn chính sách đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả nên việc trả nợ, lãi đúng thời gian cam kết. Tỷ lệ nợ quá hạn qua kênh Đoàn Thanh niên cũng ở mức thấp nhất so với các đoàn thể khác”, Giám đốc Hồ Văn Thục thông tin.

Thi đua lập thân, lập nghiệp

Theo Tỉnh đoàn Phú Yên, trước năm 2010, thanh niên ở các địa phương trong tỉnh rất khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nguyên nhân là do nhiều thanh niên ở chung hộ với cha mẹ và khi chủ hộ đã vay qua Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ hoặc Hội Nông dân thì thanh niên cùng hộ không được vay vốn. Để tháo gỡ những khó khăn này, nhiều cơ sở Đoàn, hội trong tỉnh đã linh động hướng dẫn thanh niên đã lập gia đình tách hộ khẩu ra riêng, đồng thời thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn và hướng dẫn thanh niên làm thủ tục vay tại NHCSXH. Từ đó, nhiều thanh niên có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư nuôi bò, nuôi tôm hùm, heo rừng, làm mắm, trồng mía… phát triển kinh tế, hướng đến làm giàu. Việc hỗ trợ vốn cho thanh niên làm ăn, khởi nghiệp cũng là một phần việc của Tỉnh đoàn Phú Yên trong việc đẩy mạnh  phong trào “Thanh niên Phú Yên thi đua lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng”.

Anh Bùi Thanh Toàn - Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên cho biết: “Để phong trào ngày càng mang lại hiệu quả, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, hội khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thanh niên kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn, hội cần chủ động xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án và thường xuyên tổ chức cho thanh niên tham quan các mô hình kinh tế để thanh niên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm áp dụng vào mô hình của mình một cách hiệu quả. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn yêu cầu các cơ sở đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý vốn ủy thác từ NHCSXH; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tiếp tục củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn…; đồng thời lồng ghép các chương trình tập huấn giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, góp phần khơi dậy tinh thần lập thân, lập nghiệp cho thanh niên, nhất là ở vùng nông thôn.

Tại buổi làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Khởi nghiệp chính là thước đo thành công của một Chính phủ kiến tạo. Người dân và lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao”. Đồng hành cùng thanh niên trên chặng đường lập nghiệp, NHCSXH sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ đoàn viên thanh niên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, ngân hàng và các cơ sở đoàn cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của thanh niên; động viên hộ vay làm ăn hiệu quả, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trả nợ đúng hạn, đầy đủ cho Nhà nước.

Bài và ảnh Việt An - Trung Hiếu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác