“Ngân hàng tại xã” của người nghèo

14/02/2017
(VBSP News) Đúng ngày hẹn, cán bộ NHCSXH lại có mặt tại những Điểm giao dịch ở các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
NHCSXH tỉnh Cao Bằng cho bà con vay vốn ưu đãi tại Điểm giao dịch xã  Ảnh: TTXVN

NHCSXH tỉnh Cao Bằng cho bà con vay vốn ưu đãi tại Điểm giao dịch xã
                                                                                                             Ảnh: TTXVN

Hiện nay, NHCSXH tỉnh Cao Bằng đang có hệ thống giao dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Để hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng họp giao ban phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được những chính sách mới, những việc đã và chưa làm được trong thời gian qua, kế hoạch trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho người dân. NHCSXH phối hợp với cấp ủy, chính quyền bố trí địa điểm để phục vụ cho công tác giải ngân, thu nợ, nộp lãi và họp giao ban với các hội, đoàn thể thuận tiện, an toàn cho ngân hàng và người vay; công bố chi tiết, công khai toàn bộ số dư nợ của người vay cũng như chính sách, chế độ, chủ trương mới về các chương trình tín dụng chính sách,…

Vào ngày giao dịch cố định hằng tháng, thực hiện kiểm tra, đối chiếu sổ sách từng người vay về các khoản tiền vay, dư nợ… Tỷ lệ thu nợ, thu lãi năm 2016 đạt trên 90%; riêng việc đối chiếu trực tiếp với các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ở các huyện có đông đồng bào DTTS như Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình đạt 100%. Hoạt động giao dịch tại xã góp phần tiết kiệm chi phí, hướng dẫn vay vốn nhanh chóng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ xã họp để giải quyết những tồn tại, rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra những giải pháp thực hiện phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giảm nghèo xã, các tổ chức đoàn thể cũng như giúp người dân sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

Đã thành thông lệ, ngày 19 hằng tháng, các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, người nghèo và các đối tượng chính sách tại xã Dân Chủ, huyện Hòa An tập trung về UBND xã để nộp tiền gốc, gửi tiết kiệm… cho NHCSXH. Ngay tại trụ sở UBND xã, những thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng được công khai, niêm yết rõ ràng. Sau khi nghe các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội, đoàn thể báo cáo về tình hình vay và trả vốn vay của từng hộ gia đình, cán bộ ngân hàng thông báo nguồn vốn vay của từng xóm, trên cơ sở đó, từng xóm tiếp tục bình xét hộ nghèo để cho vay đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

Anh Ngô Văn Sình, người dân tộc Mông ở xóm Khuổi Bốc, xã Dân Chủ chia sẻ: Nguồn vốn vay ưu đãi được giải ngân tại các Điểm giao dịch xã, thủ tục vay đơn giản, thuận tiện, chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí trong quá trình đi lại. Tại Điểm giao dịch xã, bà con còn nắm bắt được những thông tin về mức vay, lãi suất cho vay, quy trình thủ tục vay vốn, các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước… Để quản lý, giám sát tốt vốn vay từ những chương trình, ngay từ đầu năm, Đoàn Thanh niên xã đã triển khai công tác quản lý vốn vay của NHCSXH xuống các xóm và Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thường xuyên họp bình xét đối tượng vay mới cho các thành viên còn khó khăn trong tổ và đôn đốc thu vốn gốc, lãi suất đến hạn đạt 100%.

Nhờ những phiên giao dịch lưu động của NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được vay vốn phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình anh Nông Văn Kim ở xóm Lũng Phô, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang trước đây rất khó khăn, từ nguồn vốn vay, anh đầu tư phát triển chăn nuôi dê, lợn, trâu, mỗi năm lãi hơn 20 triệu đồng và đã trả xong nợ ngân hàng. Năm 2016, gia đình anh được NHCSXH huyện hướng dẫn làm thủ tục vay 25 triệu đồng để làm nhà ở.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Cao Bằng, Đinh Mai Phong cho biết: Thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam về việc mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch xã, đến nay, chi nhánh đã thành lập được 198 Điểm giao dịch xã tại 198 xã, phường, thị trấn và 2.522 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngân hàng bố trí thời gian giao dịch cụ thể cho 198 Điểm giao dịch từ ngày 3 đến ngày 27 hằng tháng. Thời gian qua, Điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã hoạt động rất hiệu quả.

Việc thực hiện tốt các hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở là nhằm phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.           

Thu Dung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác