Mang tiện ích đến với người dân
Không phải đi xa nữa để gửi tiết kiệm
Trước kia, anh Đinh Văn Hà ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà phải đi mấy chục cây số mới đến được ngân hàng tại trung tâm huyện lỵ để gửi tiền tiết kiệm nên gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, bây giờ anh Hà chỉ cần đi từ nhà đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại UBND xã Sơn Ba chưa đầy 1km là đã có thể gửi được tiền tiết kiệm. “Nhờ bán keo và trâu nên tôi cũng để dành được ít tiền, nhưng khổ nỗi để mỗi lần đi gửi phải mất cả buổi và mất tiền xăng xe, chi phí đi lại. Hơn nữa cầm tiền đi xa cũng sợ mất lắm, còn để ở nhà thì sẽ tiêu hết. Vậy nên khi nghe NHCSXH có dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm tại xã tôi thấy rất vui, an tâm”, anh Hà chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng với anh Hà, ông Hồ Văn Gié ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà cho biết: “Nơi tôi ở cách xa trung tâm huyện và xa cả các Ngân hàng thương mại nữa, có tiền cũng không đi gửi được đâu. Thế nên, nhà nào bán keo có tiền thì giấu vào ống tre thôi, nhưng sau đó lại lôi ra uống rượu, tiêu pha hết nên chẳng còn đồng nào. Nếu ngân hàng về tận xã để bà con gửi tiết kiệm thì tốt biết mấy”.
Còn đối với những người dân ở vùng đồng bằng thì việc thực hiện chương trình gửi tiết kiệm tại xã cũng mang lại nhiều tiện ích.Hơn nữa mục tiêu của NHCSXH là tạo cho người dân ý thức tiết kiệm. Do đó, người dân nào dù gửi ít hay nhiều, ngân hàng cũng đều nhận, thậm chí có hộ có món nhỏ 500 - 700 nghìn đồng đều gửi tiết kiệm mà lãi suất lại được hưởng như các Ngân hàng thương mại. Đây là một điểm mới ưu việt chỉ có ở NHCSXH. Bởi muốn gửi tiết kiệm tại các Ngân hàng thương mại khác, người dân phải có tối thiểu 1 triệu đồng, nhưng do tâm lý của người dân thì ít khi nào đi đến tận ngân hàng chỉ để gửi với số tiền ít ỏi. Thế nhưng, chẳng mấy ai tự tiết kiệm khi để ở nhà số tiền trên.Cứ như thế, thói quen tiết kiệm của người dân không có, trừ những người có số tiền lớn trong một lúc.
Tạo ý thức tiết kiệm cho người dân
Theo báo cáo, sau 03 tháng triển khai, đến đầu Xuân năm mới Đinh Dậu này NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã huy động được hơn 38 tỷ đồng của bà con nhân dân tại gần 184 xã, phường. Trong đó, NHCSXH huyện Bình Sơn có số dư tiền gửi tiết kiệm cao nhất tới 10 tỷ đồng.
Một trong những quan tâm của người dân khi tham gia gửi tiết kiệm là lãi suất cũng như uy tín và thái độ phục vụ của ngân hàng nào tốt hơn thì gửi. Do đó, với nhiều tính ưu việt như phục vụ tận xã, tiết kiệm được thời gian, chi phí, không giới hạn số tiền gửi, mức lãi suất ngang bằng với các Ngân hàng thương mại… của NHCSXH đã giúp người dân an tâm để gửi.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Võ Thị Lan ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn nói: “Tôi có một khoản tiền khoảng vài chục triệu đồng lâu nay chỉ gửi vào tài khoản của một Ngân hàng thương mại chứ không gửi tiết kiệm. Vừa rồi tôi thấy trên loa truyền thanh xã tuyên truyền NHCSXH có nhận tiền gửi của bà con tại xã nên tôi quyết định đi rút ngay về để gửi, không phải đi lại nhiều mà lãi suất ngang nhau như các Ngân hàng thương mại, nên tôi cảm thấy rất an tâm, không phải tốn kém đi lại nhiều”.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi, Trần Duy Cường cho biết: “Trước kia NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi vẫn triển khai sản phẩm dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tuy nhiên, chương trình này chỉ có những người nghèo và những hộ có dư nợ tại NHCSXH chứ chưa phổ biến đến bà con nhân dân khác.Vì vậy, việc triển khai nhận tiền gửi tiết kiệm tại xã, phường lần này của NHCSXH là một phương thức mới mang lại nhiều thuận lợi cho người dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm ở các vùng nông thôn”.
Đối với người dân ở các xã miền núi xa xôi, các vùng nông thôn nằm ở cách xa ngân hàng, điều kiện đi lại khó khăn thì hình thức gửi tiết kiệm tại xã là một phương thức hợp lý, mang lại nhiều tiện ích nhằm phục vụ tận nơi nhu cầu của người dân. Qua đó, tạo cho người dân có ý thức tiết kiệm từ những đồng tiền nhỏ nhất.
Bài và ảnh Nguyễn Thị Hiền
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Góp gió thành bão”
- » Làng nghề rộn rã đón Xuân
- » TP Hồ Chí Minh sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tín dụng chính sách
- » Hướng đến những mùa Xuân không còn nghèo khó
- » Lâm Đồng giảm nghèo từ tín dụng chính sách
- » Vốn chính sách “chắp cánh” ước mơ trên vùng núi
- » Xuân ấm no từ đồng vốn nhân văn
- » Luồng gió sinh kế mới trên vùng biển Quảng Trị
- » Đem Xuân ấm cho hộ nghèo vùng cao xứ Nghệ
- » Mùa Xuân trên quê hương “Đệ nhất danh trà”