TP Hồ Chí Minh sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tín dụng chính sách

31/01/2017
(VBSP News) Sau 02 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên thành phố mang tên Bác đã có những chuyển biến vượt bậc.
Đến hết năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã chuyển 921 tỷ đồng ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn

Đến hết năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã chuyển 921 tỷ đồng ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn

Câu chuyện chủ động tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách đặc thù từ ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn mà NHCSXH TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, được xem là điểm sáng trong quá trình đưa Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Cuối năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia dành một phần ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội. Ngay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2015 đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí Quốc gia, do vậy việc triển khai yêu cầu này gần như là một việc làm bắt buộc và cấp bách.

Để triển khai nhanh chóng Chỉ thị 40, cuối tháng 3/2015 Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 1204-CV/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp thành phố đến các quận, huyện đưa tín dụng chính sách vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy và cơ quan, đơn vị. Tiếp đó, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản 4068/KH-UBND cụ thể hóa kế hoạch và lộ trình triển khai văn bản số 1204-CV/TU của Thành ủy, đồng thời phân công nhiệm vụ đến từng đơn vị Sở, ngành, địa phương nhằm tổ chức thực hiện chủ trương tạo lập nguồn vốn chính sách đặc thù trên địa bàn.

Ngay khi cấp ủy, chính quyền địa phương có những văn bản chỉ đạo trên, NHCSXH TP Hồ Chí Minh đã tích cực vào cuộc để tổ chức thực hiện. Một mặt, NHCSXH thành phố thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng tập thể, cá nhân, từng đơn vị cấp huyện trực thuộc để quán triệt tinh thần “đồng tâm, đồng lực”, đồng thời thực hiện nhanh chóng các giải pháp đã đề ra nhằm sớm tạo lập, bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách thành phố và các quận, huyện. Mặt khác, NHCSXH thành phố phối hợp chặt chẽ với các Sở: Tài chính, KH&ĐT, Tư pháp, LĐTB-XH, TT&TT và các ngành có liên quan đốc thúc, triển khai thực hiện lộ trình chuyển giao nguồn vốn từ ngân sách thành phố ủy thác sang NHCSXH để kịp thời cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo Giám đốc NHCSXH TP Hồ Chí Minh, Trần Văn Tiên, sau 02 năm triển khai đồng loạt với nhiều giải pháp như vậy, việc tạo lập nguồn vốn từ ngân sách của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.

Về phía Sở Tài chính, hiện nay việc rà soát nguồn vốn từ các quỹ sử dụng ngân sách của thành phố để ủy thác sang NHCSXH cơ bản đã được thực hiện hoàn chỉnh. Sở KH&ĐT cũng đã ghi kế hoạch bổ sung vốn hàng năm cho chương trình giải quyết việc làm địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng trên địa bàn. 24/24 quận, huyện của thành phố cũng đã ủng hộ nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH. Trong khi đó, Sở LĐTB-XH cũng đã rà soát nguồn vốn vay cho Quỹ xóa đói giảm nghèo của thành phố và các quận, huyện để chuyển giao, ủy thác sang NHCSXH quản lý, cho vay theo phương thức thống nhất. Các Sở, ngành liên quan, MTTQ đều có chương trình công tác phối hợp với NHCSXH để thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố.

Nhờ sự phối hợp tích cực của các Sở, ngành cùng với việc chỉ đạo xuyên suốt liên tục chính quyền các cấp, sự kiên trì nỗ lực của NHCSXH, tính đến hết năm 2016 nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt 915 tỷ đồng (tăng gần 600 tỷ đồng trước khi thực hiện Chỉ thị 40). Điều quan trọng là chính quyền các cấp đã xác định việc dành nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH là việc làm thường xuyên, liên tục để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020.

Những kiến nghị “sát sườn” từ thực tế

Theo báo cáo, kết thúc năm 2016 tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH TP Hồ Chí Minh đạt 2.764 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương chuyển về để cho vay là 1.245 tỷ đồng, vốn huy động tại địa phương 598 tỷ đồng, nguồn vốn nhận uỷ thác tại địa phương là 921 tỷ đồng, với 168 nghìn khách hàng đang vay.

Nguồn vốn chính sách đã giúp cho nhiều hộ dân ở các huyện ngoại thành của thành phố có điều kiện mở rộng diện tích trồng hoa

Nguồn vốn chính sách đã giúp cho nhiều hộ dân ở các huyện ngoại thành của thành phố có điều kiện mở rộng diện tích trồng hoa

Trong năm 2016, mặc dù chi nhánh đã thu hồi và chuyển về Trung ương khoảng 240 tỷ đồng nguồn vốn của Trung ương cho vay hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố trước đây. Tuy nhiên, dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vẫn tăng trưởng ở mức tích cực so với bình quân tăng trưởng của hệ thống. Đến hết năm 2016, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của chi nhánh đạt trên 2.760 tỷ đồng, tăng khoảng 400 tỷ đồng so với đầu năm (tương đương 16%). Trong đó, riêng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm khoảng 35% tổng dư nợ.

Đánh giá về việc chủ động triển khai nhiệm vụ để tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH TP Hồ Chí Minh trong hai năm qua, ông Nguyễn Văn Xê - Thường trực Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Những kết quả cụ thể trong việc chuyển giao, ủy thác nguồn vốn từ ngân sách thành phố, quận, huyện sang NHCSXH cho thấy thành phố là một trong những địa phương trong cả nước đi đầu đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Xê, khi ủy thác nguồn vốn địa phương sang NHCSXH cho vay, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương nên công việc tiếp nhận vốn được tiến hành nhanh chóng, khoa học. Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khi giao dịch vay vốn với NHCSXH đều cảm nhận được sự chuyên nghiệp, thao tác giải quyết thủ tục hồ sơ nhanh chóng, kịp thời đáp ứng được nhu cầu cần vốn làm ăn của người dân. Bên cạnh đó, việc ủy thác vốn qua NHCSXH cũng giúp cho Ban giảm nghèo bền vững ở các quận, huyện, xã, phương giảm bớt khối lượng công việc, từ đó có điều kiện tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, chăm lo người nghèo tại địa phương được tốt hơn.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được khi thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn, Giám đốc Trần Văn Tiên thông tin: “Trong năm 2017 và các năm tới mục tiêu xuyên suốt của đơn vị là phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, quận, huyện để tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển giao, ủy thác các nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH thực hiện cho vay; đồng thời tập trung củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, phát huy hiệu quả hoạt động của NHCSXH tại các Điểm giao dịch xã, phường”.

Bên cạnh đó, một số chương trình cho vay của NHCSXH như: HSSV, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… cần được NHCSXH nghiên cứu tính toán lại để nâng cao hiệu quả tiếp cận và sử dụng vốn của các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ. Vì hiện nay số lượng HSSV mồ côi của các tỉnh vay vốn trực tiếp tại địa bàn TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ khá lớn, rất nhiều trường hợp sau khi vay vốn, tốt nghiệp ra trường không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc không còn cư trú tại địa bàn nên rất khó để xác định được thông tin.

Đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, theo quy định chương trình, chi nhánh chỉ thực hiện cho vay tại 56 xã thuộc 5 huyện ngoại thành, không thực hiện cho vay tại các thị trấn và các phường còn sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường ở các địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, địa bàn cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cần được xem xét, bổ sung thêm các thị trấn (thuộc huyện) và các phường (thuộc quận) còn sản xuất nông nghiệp để góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) NHCSXH TP Hồ Chí Minh sẽ phải thu hồi và chuyển về Trung ương trên 800 tỷ đồng. Riêng các năm 2016 và 2017, đơn vị phải thu hồi và chuyển về khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn đã cho vay hộ nghèo theo tiêu chí thành phố trước đây. Mặc dù thành phố đã quan tâm bố trí nguồn vốn để bù đắp, nhưng do nguồn lực có hạn nên hết năm 2016 còn khoảng 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố (khoảng 50.000 hộ) chưa được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi. Để tháo gỡ khó khăn này, NHCSXH TP Hồ Chí Minh kiến nghị từ năm 2017, NHCSXH Việt Nam xem xét bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tương ứng với số vốn thu hồi từ chương trình cho vay hộ nghèo để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo thành phố tự tạo việc làm, phát triển SXKD và thoát nghèo bền vững.

Thạch Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác