Xuân reo trên đất Cố đô

27/01/2017
(VBSP News) Về Cố đô Hoa Lư giữa những giọt nắng Xuân đầu tiên tráng bạc trên những cánh đồng vào mùa cày ải, in màu xanh của núi đồi vào giữa mênh mông sông nước Tràng An, lại thấy thêm ấm áp khi trong những nếp nhà của người nghèo và các đối tượng chính sách, một cuộc sống no đủ đang ùa về theo dòng vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh Ninh Bình.
Nguồn vốn tín dụng đã giúp hộ cận nghèo Đào Thị Thắm ở thôn Văn Hà II, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) chuyển đổi thành công mô hình từ lúa sang nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả cao

Nguồn vốn tín dụng đã giúp hộ cận nghèo Đào Thị Thắm ở thôn Văn Hà II, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) chuyển đổi thành công mô hình từ lúa sang nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả cao

Có ai đó ví von Ninh Bình là một “Miền Bắc thu nhỏ” không ngoa. Vị thế hội tụ đủ 3 địa hình từ vùng đồi núi bán sơn địa, đến đồng bằng ven biển, đồng chiêm trũng, mang đến cho Ninh Bình những điều kiện tự nhiên phong phú, những danh thắng nổi tiếng. Song để có thể biến những tiềm năng ấy trở thành điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh 5 - 10 năm trước không dễ. Địa hình đồi núi, bán sơn địa hay đồng chiêm trũng, nếu chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống một năm hai vụ lúa, đủ cái ăn cái mặc cũng còn khó. Tích luỹ dân cư thấp khó vươn tới những giấc mơ xa xôi như làm dịch vụ, phát triển du lịch. Chính vì vậy, công việc của cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH tỉnh Ninh Bình không chỉ là “chạy” cho đủ chỉ tiêu mà cần phải lồng ghép được dòng vốn tín dụng với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ các nhu cầu thiết thực của người dân để thực sự trở thành một bệ đỡ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Nhất là trong bối cảnh cả tỉnh đang sục sôi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng tới sản xuất hàng hoá, xây dựng phong trào nông thôn mới.

“Trong bối cảnh ấy, cải cách thủ tục hành chính là một trong những nền tảng đưa vốn tín dụng đến với người dân một cách nhanh nhất”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình, Lã Thị Hồng Yến tâm huyết. Trên nền tảng các cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH Việt Nam, chi nhánh đã triển khai quy trình tiếp cận tín dụng công khai minh bạch, đơn giản, gọn nhẹ tới các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hộ vay vốn được cấp giấy tờ, như Sổ vay vốn, các loại giấy tờ mẫu biểu liên quan đến dịch vụ mà không mất đồng phí nào. Thủ tục đơn giản dễ khai dễ viết nhưng vẫn đảm bảo yếu tố pháp lý. Các Tổ giao dịch tới 145 xã, phường, thị trấn thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm tại nhà, ủy thác cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn góp phần giảm chi phí cho người dân cũng như phòng tránh những rủi ro không cần thiết trong việc đi lại. Không chỉ có các buổi giao dịch cố định, với các buổi giao dịch tăng phiên theo chỉ đạo của Trung ương chi nhánh vẫn đảm bảo quy định giải ngân của NHCSXH, không vì phát sinh mà làm ẩu.

Quy trình làm việc khoa học cũng trở thành một trong những điểm tựa để đơn vị nâng cao hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách. Điều này có thể nhìn thấy rõ từ việc rút ngắn thời gian giao dịch từ ngày 4 đến ngày 20 của tháng.Với cách bố trí này, những ngày đầu tháng, chi nhánh có thời gian kiểm tra lại và chuẩn bị cho kế hoạch giải ngân tháng sau. Còn từ ngày 20 đến cuối tháng, chi nhánh và các Phòng giao dịch cấp huyện thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra, cũng như triển khai thực hiện các công việc Trung ương giao, xem lại công việc để từ đó rút kinh nghiệm có biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, trong các cuộc giao ban hàng tháng, các Chủ tịch xã đều tham dự đầy đủ trừ trường hợp bất khả kháng. Mô hình này đã góp phần tăng chất lượng các chương trình tín dụng và lồng ghép được vào chính sách phát triển kinh tế của từng xã, huyện, tỉnh.

So với những năm trước, cán bộ chi nhánh đã thực sự đổi mới về phong cách làm việc. Tâm huyết và tình yêu ngành, yêu nghề đã được thể hệ bằng sự tận tụy trách nhiệm sâu sát với cơ sở để nắm được nhu cầu của địa phương, từ đó, triển khai đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, đồng thời tham mưu kịp thời cho HĐQT. “Chỉ nói ngay như việc các nhân viên hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn một lần không được, thì hướng dẫn nhiều lần, hướng dẫn đi không được thì hướng dẫn lại.Các cán bộ phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu kể cả cán bộ trẻ”, Giám đốc Lã Thị Hồng Yến chia sẻ. Cùng với việc gắn kết chặt chẽ với các tổ chức hội và áp dụng công nghệ, năng suất lao động của chi nhánh đã được nâng cao góp phần, rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng và tiết kiệm chi phí cho ngân hàng.

Hơn 14 năm qua, 10 chương trình tín dụng chính sách được chi nhánh thực hiện trên địa bàn đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cho đến người dân vay làm nhà ở, xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động,… đã đem đến những động lực mới cho người dân không chỉ bước qua cái nghèo mà đang hướng đến một cuộc sống ấm no lâu bền.

Như bà Nguyễn Thị Nhiên ở thôn Văn Hà 1, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn. Đã hơn chục năm trôi qua, nhưng bà vẫn nguyên cái cảm giác nghèn nghẹn khi nhớ lại cái thời đi vay nặng lãi cho con ăn học. Gia sản nhà nông, chẳng có gì đáng để cầm cố, nên con đường vay vốn chỉ có ở khu vực phi chính thức, lãi suất 30%/năm. Lãi suất cao là thế, song hai vợ chồng cắn răng vay hơn 4 năm ròng nuôi con đầu rồi con thứ 2 đi học đại học. Bởi ở cái vùng đất chiêm trũng quanh năm trông vào 2 vụ lúa này, cứ nghĩ đến mình, cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn nghèo nên ông bà vẫn quyết tâm cho con ăn học để đổi đời. Thế nên việc tiếp cận được vốn cho vay HSSV của NHCSXH tỉnh Ninh Bình năm 2007 khi cô con gái thứ bước vào năm học thứ 3 với ông bà đúng là mừng rơi lệ. Không chỉ gánh nặng học phí cho con vơi bớt, bà còn được vay vốn giảm nghèo phát triển kinh tế.Liền năm sau đó, cậu út lại được tiếp bước vào đại học cũng nhờ vốn vay NHCSXH. Con gái lớn đi làm đỡ gánh nặng kinh tế, cùng sự tần tảo chăm chỉ gia đình bà đã bước qua hộ nghèo năm 2013. Đây cũng chính là thời điểm NHCSXH triển khai tín dụng cho vay hộ cận nghèo.Năm 2015, gia đình vừa bước qua hộ cận nghèo lại được tiếp ứng ngay nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo với 50 triệu đồng. Dòng vốn ngân hàng nâng đỡ kinh tế gia đình trong suốt gần 10 năm qua, tuy chưa đủ để gia đình trở nên khá giả, nhưng cũng đã có một gia tài nho nhỏ với 2 còn bò, 2 con lợn nái mỗi năm cho 4 lứa lợn con. Hơn 40 triệu đồng vay HSSV cũng đã trả được gần hết nợ, chỉ còn 2 triệu đồng. Các con bà đã có việc làm ổn định phụ giúp cha mẹ cũng như góp phần xây dựng mảnh đất quê hương.

Nhờ vốn cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Gia Viễn, ông Đinh Văn Tá ở thôn Văn Hà II, xã Gia Phương đã dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình nuôi thủy sản và bò sinh sản trên diện tích 3,5ha từ năm 2008, đến nay, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng và giải quyết cho hàng chục người dân địa phương có việc làm thường xuyên

Nhờ vốn cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Gia Viễn, ông Đinh Văn Tá ở thôn Văn Hà II, xã Gia Phương đã dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình nuôi thủy sản và bò sinh sản trên diện tích 3,5ha từ năm 2008, đến nay, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng và giải quyết cho hàng chục người dân địa phương có việc làm thường xuyên

Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình, Lã Thị Hồng Yến cho biết thêm, tính đến hết năm 2016, 10 chương trình tín dụng mà đơn vị đang triển khai đã hoàn thành 100% kế hoạch với tổng dư nợ đạt 1.919 tỷ đồng. Đặc biệt, sau nhiều năm thực thi hiệu quả chính sách tín dụng giảm nghèo, Ninh Bình đang dồn lực cho hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững.“Bởi dù đã bước qua đói nghèo, nhưng những hộ đó vẫn có nhu cầu SXKD ổn định cuộc sống. Hơn thế, kinh tế các hộ này vẫn còn mong manh chỉ một thiên tai, hay bệnh tật có thể tái nghèo, nên ngoài vốn cho các chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nguồn vốn dư thu từ các chương trình tín dụng HSSV cũng được chi nhánh ưu tiên cho đối tượng này”, Giám đốc Hồng Yến cho biết.

Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ bằng định lượng khi số hộ vay vốn những năm trước từ hơn 100.000 hộ, đến năm 2016 còn 98.000 hộ và nay là 96.000 hộ. Dư nợ tăng lên trong khi số hộ vay giảm biểu hiện hộ thoát nghèo và những hộ nghèo mới vay được nâng mức cho vay. Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã tăng từ 20 lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu đồng/hộ.

Hiệu ứng lan toả từ những dòng vốn chính sách đa dạng đang góp công đưa Ninh Bình tiến nhanh hơn trên con đường nông thôn mới. Bí thư Đảng uỷ xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Đinh Văn Hoan chia sẻ những kế hoạch phát triển kinh tế địa phương mà xã đang triển khai. Từ mô hình sản xuất truyền thống thuần canh cây lúa nước, xã đang chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản và cây có giá trị gia tăng cao. Dòng vốn chính sách, bám sát vào mô hình này đã góp phần giúp nhiều người dân trong xã chuyển đổi cây trồng vật nuôi tạo thành phong trào phát triển kinh tế, hướng tới những vùng chuyên canh cho giá trị kinh tế cao. Tính đến hết năm 2016 có gần 700 hộ vay còn dư nợ trên 11,1 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 1,6 tỷ đồng với 61 hộ, cho vay hộ cận nghèo 67 hộ với dư nợ 1,6 tỷ đồng. 100 hộ dân đã được tiếp cận vốn tín dụng HSSV để chắp cánh cho những ước mơ đến trường cũng như tương lai  tươi sáng cho con em mình. 448 hộ đã được tiếp cận dòng vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ trên 7,4 tỷ đồng. Dòng vốn chính sách cho bà con vay làm các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần đưa xã đạt một trong những tiêu chí quan trọng của nông thôn mới đó là tiêu chí đạt chuẩn về môi trường. Đây cũng là những điểm tựa để xã bước nhanh hơn trên con đường nông thôn mới.

Danh sách một nửa các xã trong tỉnh đã đạt tiêu chí nông thôn mới, ở đâu cũng có dấu ấn của NHCSXH, và mới đây nhất huyện Hoa Lư đã trở thành huyện dầu tiên của tỉnh Ninh Bình đạt danh hiệu nông thôn mới.

Nhìn về kế hoạch năm 2017 cũng như những năm tiếp theo của đơn vị, Giám đốc Lã Thị Hồng Yến đặt nhiều kỳ vọng từ việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định 401/QĐ-TTg về việc tăng cương sự chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bởi nếu theo thông tri số 129/UBND-VP5 của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện Chỉ thị số 40 mỗi năm, ngân sách tỉnh sẽ dành 5 tỷ đồng và ngân sách mỗi huyện là 500 triệu đồng cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm. Cùng với dòng vốn chính sách mỗi năm một tăng, tương lai của các hộ nghèo, đối tượng chính sách sẽ rộng mở khi thêm đòn bẩy vốn mở rộng sản xuất hàng hoá. Và mỗi Xuân qua, những hộ nghèo và các đối tượng chính sách sẽ không chỉ giảm dần về số lượng và còn tăng về chất lượng sống từ kinh tế, điều kiện sống đến tri thức.

Bài và ảnh Hải Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác