Vay một đồng vốn, làm ra ba đồng lời
Vay một đồng, lãi gấp ba
Nghe thì có vẻ hơi khó tin, nhưng đó là chuyện có thật của gia đình chị Giàng Thị Chu ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. Chị Chu cho hay, cách đây mấy năm, chị và gia đình chưa dám vay vốn ưu đãi của NHCSXH mặc dù cán bộ Hội Nông dân thường xuyên vận động, tuyên truyền. “Mình biết cái bụng mọi người đều tốt, nhưng nhà mình nghèo sợ vay vể không biết làm gì thì xấu hổ. Nhưng cán bộ Hội Nông dân và cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn bày cách cho nuôi bò sinh sản, vậy là mình mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để làm theo hướng dẫn”.
Từ 30 triệu đồng, gia đình chị Chu phát triển, nhân đàn bò sinh sản. Cuối năm 2015, gia đình chị bán bớt bò, thu về gần 100 triệu đồng. “Giờ có cách làm ăn, vốn gốc của ngân hàng cũng trả hết rồi, yên tâm không du canh, du cư nữa…’’, chị Chu thổ lộ.
Xã Dế Xu Phình có 100% hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, cán bộ hội, đoàn thể và cán bộ NHCSXH huyện Mù Cang Chải hơn 10 năm qua đã kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào sử dụng vốn vay. Không chỉ thoát nghèo, vươn lên khá giả, nhiều hộ còn hào hứng ủng hộ các hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ông Hảng Ông Xay ở bản Phình Hồ phấn khởi khoe: “Được vay 38 triệu đồng từ 2 chương trình tín dụng ưu đãi, mình đầu tư nuôi bò sinh sản, dẫn mương lấy nước trồng rau màu, bình quân mỗi năm cũng có thu nhập 100 triệu đồng”.
Đối với các huyện vùng thấp của Yên Bái, đồng vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH cũng đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên, tự tin hơn khi xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Hồ Văn Thạch ở thôn 3, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên khoe: “Từ năm 2009 đến nay, nhà tôi được vay 2 lần vốn ưu đãi. Nhờ đó tôi đã gây dựng được đàn trâu 4 con và trồng 3ha quế”.
Tập trung giúp hộ nghèo vươn lên
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Trấn Yên, Trương Viết Tân một trong những yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền đối với vốn tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cũng phải hoạt động đều tay, phối hợp nhịp nhàng với NHCSXH trong việc giải ngân nguổn vốn; hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách cách sử dụng đồng vốn vay hiệu quả. “Thực tế cho thấy, ở hầu hết các địa phương có chất lượng tín dụng ưu đãi tốt là bởi ở đó việc hướng dẫn, tập huấn, dạy nghề cho nông dân có hiệu quả…”, ông Tân khẳng định.
Ông Hoàng Việt Hưng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, xác định nguồn tín dụng chính sách rất quan trọng trong sự nghiệp giảm nghèo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc nên những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc triển khai thực hiện các chương trình cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
“Thông qua việc thực hiện chương trình ủy thác vốn chính sách, đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể, nhất là cán bộ trực tiếp thực hiện các nội dung, công việc có liên quan đến vốn đã thực sự trưởng thành, nâng cao được năng lực công tác. Tham gia thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp các cấp hội có thêm điều kiện, nguồn lực để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực… NHCSXH thì tiết giảm được chi phí, tăng hiệu quả, chất lượng giám sát, kiểm tra”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái bày tỏ.
Phương Đông thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp Nam Sách giảm nghèo bền vững
- » Chuyện làm giàu của bà con vùng cao Bá Thước
- » Tri Lễ nỗ lực thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách nơi địa đầu Tổ quốc
- » Nam Đông thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng
- » Giấc mơ làm chủ trang trại đã thành sự thực
- » Lâm Đồng giảm nghèo từ tín dụng chính sách
- » Phủ màu xanh no ấm trên xã Yên Nhân
- » Tiếp sức cho hộ nghèo Trạm Tấu
- » Chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi