Tri Lễ nỗ lực thoát nghèo

30/12/2016
(VBSP News) Hơn 5 năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) luôn ở mức cao, nhất là tại các bản người Mông tình trạng di cư tự do dẫn đến cuộc sống không ổn định, đời sống kinh tế rất khó khăn. Hiện nay, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà bộ mặt của Tri Lễ đang dần thay đổi, đời sống của người dân ngày một cải thiện.

Hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo là cách thoát nghèo bền vững cho người dân Tri Lễ

Hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo là cách thoát nghèo bền vững cho người dân Tri Lễ

Tri Lễ nằm ở phía Tây Nam của huyện Quế Phong, có chiều dài đường biên 17km, giáp với hai bản Phả Đảnh và Phăn Thoong của nước bạn Lào. Với 1.851 hộ, hơn 9.500 người, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, nhưng Tri Lễ chiếm tới 11% diện tích tự nhiên của huyện. “Đất rộng, người thưa, núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Nơi đây đất không 3 thước bằng, trời không 3 ngày nắng, chỉ con bò Mông kéo được cái cày giúp người Mông thổ canh hốc đá”,Chủ tịch Hội Nông dân xã Vi Văn Hời giới thiệu về Tri Lễ.

Trước đây, đồng bào các dân tộc chỉ biết vào rừng săn bắn, sang Lào làm thuê…cuộc sống quanh năm nghèo. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, giảm nghèo, cuối năm 2010 Tri Lễ thí điểm trồng 2ha cây chanh leo tại 4 bản: Tà Pàn, Minh Châu, Yên Sơn và bản Xan. UBND huyện chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ kỹ thuật đến tận các thôn, bản “cầm tay, chỉ việc”, lồng ghép tiếng dân tộc Thái, Mông vào tài liệu tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc và bảo vệ 2ha (1.000 cây) chanh leo trồng năm đầu tiên. Kết quả cho thấy cây chanh leo phù hợp với đất đai, khí hậu, điều kiện sản xuất của bà con địa phương, không bị sâu bệnh và phát triển tốt, đạt năng suất cao, bình quân từ 3,5 đến 4,5 tấn/ha.

Từ thành công bước đầu của Tri Lễ, huyện Quế Phong chủ động mời Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghệ An (Nafoods) vào đầu tư, khép kín quá trình tạo giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Tỉnh Nghệ An khuyến khích phát triển trồng cây chanh leo, hỗ trợ hộ nghèo 100%, hộ cận nghèo 70% vốn mua cây giống; tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con vay vốn NHCSXH. Năm 2011, Tri Lễ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng chanh leo ra toàn xã, diện tích tăng dần qua các năm. Đến nay, toàn xã Tri Lễ đã trồng hơn 120ha, mỗi năm thu tới 300 tấn quả. Với giá bán 13 - 15 nghìn đồng/kg chanh quả, bình quân mỗi nhà ở xã Tri Lễ trồng 40 - 50 gốc thu nhập khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quế Phong, Đặng Hoài Nam, hầu hết các hộ trồng chanh leo ở xã Tri Lễ đều được vay vốn chính sách, sản xuất có hiệu quả. Từ nguồn vốn vay nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Điển hình như gia đình chị Vi Thị Duyên, người dân tộc Thái ở bản Yên Sơn trồng 1ha chanh leo kết hợp nuôi lợn, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cùng bản với chị Duyên, anh Vi Văn Sơn sử dụng 30 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Quế Phong xây dựng mô hình trồng chanh leo trên giàn kết hợp với trồng gừng, nuôi gà phía dưới giàn, năm qua thu lãi được số tiền 45 triệu đồng. “Chi phí cho một sào chanh leo gồm giống, cột làm giàn, phân bón khoảng 5 triệu đồng. Sau 8 tháng trồng, chanh leo cho thu hoạch tới 10 tấn. Với giá thị trường hiện nay thì thu nhập cao gấp 5- 6 lần so với trồng ngô, lúa”, anh Sơn chia sẻ.

Ngoài việc mở rộng diện tích trồng chanh leo, Tri Lễ đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây, con mới vào nuôi trồng để tăng năng suất, chất lượng. Tại 2 bản D1, D2, xã đã kết hợp với nhà máy đường trồng thử nghiệm 4,34ha trên diện tích vốn là đất đồi để hoang. Hiện nay, cây mía đang phát triển tốt, hứa hẹn là cây trồng giảm nghèo của đồng bào. Bên cạnh đó, xã chủ trương cho người dân tiến hành nuôi cá lồng trên các hồ đập và sông lớn. Ngoài những giống cá truyền thống như mè, chép, trắm thì người dân còn mạnh dạn đưa các giống cá đặc sản như cá lăng, cá bọp, cá tầm vào nuôi.

Những nỗ lực vượt khó, những mô hình chăn nuôi, trồng trọt chuyên canh phát triển bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi đã mang lại hiệu quả kinh tế trên vùng núi cao biên giới Tri Lễ nói riêng, Quế Phong nói chung, tạo tiền đề vững chắc cho sự chuyển động và hướng đi mới, giúp bà con vươn lên giảm nghèo bền vững, tự tin với nền kinh tế chung của tỉnh Nghệ An.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác