Chuyện làm giàu của bà con vùng cao Bá Thước

30/12/2016
(VBSP News) Từ khi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước được NHCSXH phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thực hiện cho vay ở Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND xã thì ước mơ thoát nghèo của các gia đình đồng bào dân tộc Thái, Mường, Tày... ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã trở thành hiện thực, giúp bà con củng cố lòng tin vào Đảng, Nhà nước và thêm gần gũi, yêu mến ngân hàng hơn.

Nhiều mô hình nuôi dê đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao tại huyện Bá Thước có sự góp sức của đồng vốn vay ưu đãi

Nhiều mô hình nuôi dê đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao tại huyện Bá Thước có sự góp sức của đồng vốn vay ưu đãi

Dẫn chúng tôi băng qua khu rừng luồng xanh ngắt, Chủ tịch UBND xã Điền Trung Tào Văn Lý cho biết: “Bộ mặt miền núi Điền Trung tươi sáng được như hôm nay là có sự đóng góp quan trọng của NHCSXH huyện Bá Thước. Xã chúng tôi nằm ở vị trí vừa cao, vừa xa của miền Tây Thanh Hóa, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78% đã được quan tâm giúp đỡ, nhất là được NHCSXH cử cán bộ tín dụng bám sát địa bàn mở Điểm giao dịch tại xã và xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển tải đồng vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách.

Ông Tào Văn Lý còn cho biết cụ thể, hiện tại toàn xã có 18 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 900 thành viên tham gia vay 15,8 tỷ đồng vốn ưu đãi. Trong các tổ đang hoạt động thì tổ của thôn Trúc do Hội Nông dân quản lý hiện có 48 tổ viên tham gia với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng đã đầu tư thâm canh 160ha rừng luồng, phát triển đàn dê, trâu bò sinh sản 211 con…

Được biết, trước đây bà con dân tộc nơi đây vừa có tâm lý ngại vay vốn chỉ vay của NHCSXH rất ít, dù biết đấy là vốn ưu đãi về lãi suất, nhưng bà con vẫn e ngại không dám vay vì vay được vốn rồi cũng không biết nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại thu nhập trên vùng núi cao quanh năm thiếu cả nước sinh hoạt, nói chi đến nước cho sản xuất nữa. Nắm bắt được tâm lý ấy, cán bộ NHCSXH đã cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng nhà động viên, hướng dẫn đồng bào cách thức sản xuất, tuyên truyền ý nghĩa của việc vay vốn chính sách. Từ đó, bà con hiểu ra, mạnh dạn vay vốn nhiều hơn và làm quen, đầu tư đúng hướng mang lại kết quả đáng mừng.

Tại xóm Trúc xã Điền Trung, chúng tôi gặp anh Trương Đăng Khoa, chàng trai người dân tộc Mường 25 tuổi, vừa được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm cho biết: hoàn cảnh gia đình trước kia nghèo lắm, bố là thương binh bị bệnh rối loạn tiền đình. Đang học dở dang lớp 9, anh Khoa phải bỏ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ kiếm ăn từng ngày. Năm 2013, anh được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH. Vợ chồng anh làm chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu, anh mua bò sinh sản về nuôi, đào ao thả cá. Năm sau, bán một con bê, hơn 10tạ cá trắm, trôi, mè, anh mua 1 con bò về vỗ béo và nuôi đàn gà đẻ trứng 158 con… Hiện nay, cơ ngơi của gia đình có 4 con bò, 300 con gà, 5 sào ao thả cá và 1ha đậu tương, ngô lai xanh tốt. Gia đình anh cùng 8 hộ người Mường trong xóm đã thoát hết nghèo nhờ sự trợ giúp đắc lực của đồng vốn vay ưu đãi. Bà con nơi đây rất chịu khó lao động và trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng cũng rất đầy đủ, đúng kỳ hạn.

Gần nhà anh Khoa, gia đình bà Hoàng Thị Trịnh cũng đã được tiếp cận với nguồn vốn chính sách cách đây 3 năm. “8 con bò của nhà tôi có được là nhờ vốn vay ưu đãi tiếp sức đấy. Đầu năm 2012 NHCSXH huyện cho vay 30 tiệu đồng, tôi đã mua 2 con bò cái về nuôi, đến nay đã thành 8 con rồi. Với giá bán hiện tại, gia đình tôi có của để dành gần 100 triệu đồng rồi. Cũng vừa trả hết nợ ngân hàng rồi. Ăn tết xong, gia đình sẽ vay vốn ưu đãi tiếp để phát triển đàn bò”, bà Trịnh phấn khởi nói.

Giám đốc NHCSXH huyện Bá Thước, Hồ Minh Hoàn cho biết thời gian tới NHCSXH tiếp tục đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn ưu đãi cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, song để nguồn vốn vay mang lại hiệu quả hơn nữa, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm để nhân dân khai thác thế mạnh về diện tích đất vườn đồi còn khá lớn trên địa bàn huyện miền núi biên giới.

Bài và ảnh Bùi Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác