Đồng vốn đã “nở hoa”

19/01/2017
(VBSP News) Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thời gian qua đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm nghèo bền vững cho hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Anh Hà Văn Chuyển đang vận hành chiếc máy tuốt lúa vừa mới mua

Anh Hà Văn Chuyển đang vận hành chiếc máy tuốt lúa vừa mới mua

Chiêm Hóa là huyện miền núi còn khó khăn, chủ yếu là đồng bào DTTS nghèo, dân trí chưa cao. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành cùng sự hỗ trợ kịp thời từ NHCSXH, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo nơi đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Chúng tôi đến gia đình anh Hà Văn Chuyển, người dân tộc Tày ở thôn An Phú, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa. Sinh năm 1967 trong một gia đình nghèo, đông con. Khi lập gia đình, cuộc sống đã khó lại càng khó hơn bởi đất canh tác ít, cả gia đình có 6 khẩu nhưng lại trông chờ vào 600m² ruộng và những ngày làm công nhật cho các trang trại trong vùng.

Đang trong tình trạng “ăn bữa nay, lo bữa mai” thì anh Chuyển biết tin NHCSXH cho các hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi. Qua các đợt đăng ký, năm 2012 gia đình anh Chuyển được bình xét cho vay 15 triệu đồng. Nghĩ “con trâu là đầu cơ nghiệp” anh dùng số tiền vay được mua ngay 1 con trâu về để cày kéo, sản xuất. Vài năm sau, trâu béo khoẻ, anh bán và mua trâu sinh sản về nuôi. Số tiền còn thừa anh cải tạo lại ao sau nhà để thả cá.

Năm 2014, gia đình anh Hà Văn Chuyển thoát hẳn nghèo, sắm được cả công nông. Trước là để phục vụ gia đình sau là làm dịch vụ cho bà con trong xóm. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, sau khi được vay vốn, sử dụng đúng mục đích, cuộc sống từ đó dần ổn định và khá giả. Năm 2015, anh chị trả hết nợ, mua thêm được máy cày, máy tuốt lúa và nhiều vật dụng cho gia đình. Nếu NHCSXH không đồng hành, chắc cuộc sống còn khó khăn bộn bề.

Bà Trần Thị Đạt - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Phú cho biết: Từ khi có nguồn vốn vay ưu đãi, bà con khá hơn nhiều. Chúng tôi mong NHCSXH tiếp tục bố trí nguồn vốn nhiều hơn nữa để bà con được vay.

Khi đồng vốn được sử dụng hợp lý, “nở hoa” thì không chỉ thoát nghèo mà ước mơ làm giàu hoàn toàn có thể hiện thực hóa. Đó là câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Xuân Thành ở thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh.

Là người gốc Thanh Hóa nhưng do cuộc sống khó khăn, năm 2010 cùng vợ quyết định rời lên Tuyên Quang làm kinh tế. Bắt đầu một cuộc sống mới trên một mảnh đất mới, vợ chồng anh gặp muôn vàn khó khăn. Với số vốn ít ỏi, anh chị dựng tạm căn nhà che mưa che nắng.

Hai năm sau đó, anh chị được biết đến NHCSXH chuyên cho người nghèo vay vốn. Sau khi được vay 20 triệu đồng về nuôi gà, lợn. Những lợi nhuận đầu tiên từ chăn nuôi anh Thành dùng để mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh bánh kẹo. Tự nhận mình là một người có bản lĩnh, kiên trì, anh Thành nói: “Nhà nước cho vay vốn, mình phải nghiên cứu lựa chọn cái nào thuận lợi, phát triển nhanh, thu nhập cao thì mình làm. Bản thân anh không ngại thử các giống cây trồng vật nuôi để tìm ra loại con, cây giống phù hợp với điều kiện đất đai của mình”.

Nhờ có tư duy tốt cùng với cần cù, chịu khó, chỉ hơn 2 năm, anh Thành đã thoát nghèo và hoàn trả cho ngân hàng trước thời hạn. Sau khi thoát nghèo, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng vốn ưu đãi để mở rộng thêm cửa hàng và thử những giống vật nuôi mới. Hiện nay tổng giá trị hàng hóa và vật dụng của cửa hàng lên đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thành cũng đang nuôi thử nghiệm dê và hơn 20 con ba ba.

Giám đốc NHCSXH huyện Chiêm Hóa, Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, đến hết năm 2016 đã có 22.096 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 384 tỷ đồng. Chính sự quan tâm cũng như phối kết hợp giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với đội ngũ cán bộ NHCSXH đã giúp đồng vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo, tạo cơ hội đổi đời cho họ làm giàu chính đáng ngay trên chính đồng đất quê hương mình.

Bài và ảnh Thu Huyền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác