Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều

25/01/2017
(VBSP News) Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017. Và để triển khai nhiệm vụ này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, với kết quả đạt được trong năm 2016, NHCSXH đã chuẩn bị mọi nguồn lực để phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hiệu quả nhất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, thảo luận các giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, thảo luận các giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 2016 còn 8,5%

Năm 2016 vừa đi qua mang theo những kết quả tích cực, sự kỳ vọng mới cho nền kinh tế - xã hội đất nước. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Nhìn lại năm qua có thể thấy, mặc dù nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và người dân, chúng ta đã vượt qua những khó khăn và thu được nhiều kết quả tích cực.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 10 kết quả nổi bật của năm 2016 như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; Tăng trưởng kinh tế khá với GDP tăng 6,21%, CPI tăng 4,74%; Dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; Thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra; Tổng đầu tư toàn xã hội 33% GDP; Xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD.

Bên cạnh những chỉ số vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%. Tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu tiên đạt trên 81%… Trong công tác an sinh xã hội, lĩnh vực giảm nghèo có sự đóng góp tích cực từ nguồn vốn của NHCSXH. Năm 2016, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ và các Bộ, ngành đã quan tâm, tìm các giải pháp tạo lập nguồn lực tài chính để NHCSXH cho vay người nghèo và các đối tuợng chính sách trên toàn quốc, đặc biệt tập trung vốn cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao (vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/12/2016 đạt 157.372 tỷ đồng, tăng 14.844 tỷ đồng so với thực hiện cuối năm 2015, với trên 6.784 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 140.928 tỷ đồng, tăng 12.813 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.

Việc nâng cao chất lượng tín dụng luôn được NHCSXH quan tâm, coi trọng. Nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,75% tổng dư nợ.

NHCSXH cũng đã tích cực tham mưu Ban, Bộ ngành; chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, Tỉnh ủy/Thành ủy, UBND của 63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế hoạch triên khai của Thủ tướng Chính phủ xuống cấp cơ sở.

Cần tạo lập nguồn vốn ổn định để cho vay các chương trình tín dụng chính sách

Về nhiệm vụ năm 2017, chỉ tạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: các ngành, các cấp phải nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%; đi liền với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính,… không theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá; phải thực hiện tăng trưởng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp; thúc đẩy ứng dụng khoa học, kỹ thuật; phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo các biện pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mọi mặt của người dân. Trong đó phải thực hiện tốt chính sách người có công, phấn đấu mức sống của gia đình người có công bằng hoặc hơn mức bình quân trên địa bàn; thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết số 23/2016/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cũng đặt ra một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phải thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị quyết số 76/2013/QH13 và các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội.

Đồng tình với các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2017, tỉnh Thanh Hóa cũng chọn giảm nghèo nhanh và bền vững là 1 trong 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5% trở lên. Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo, tỉnh đang tập trung chỉ đạo điều tra, khảo sát, phân tích nguyên nhân nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đến từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH sớm hoàn thiện để chuyển giao phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về hộ nghèo cho các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tăng thêm vốn cho NHCSXH để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người nghèo, người dân vùng khó khăn đầu tư SXKD…

Trên cơ sở nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ, NHCSXH đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách năm 2017. Theo đó, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi dự kiến tập trung chủ yếu cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách; ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới; xã , thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các vùng khó khăn thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và triển khai cho vay các đối tượng chính sách theo các chính sách tín dụng mới ban hành.

Đồng thời, NHCSXH đẩy mạnh tham mưu cho các Ban, Bộ ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bám sát mục tiêu, giải pháp của Chính phủ trong năm 2017 về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách về bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, NHCSXH phấn đấu triển khai hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng các chương trình tín dụng chính sách.

Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng cơ chế tạo lập nguồn vốn theo hướng ổn định và bền vững, NHCSXH đề nghị các Bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí cấp bổ sung vốn điều lệ hàng năm cho NHCSXH theo quy định tại Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp cận với các dự án vay vốn ODA có mục tiêu dự án liên quan tới các chương trình tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH đang thực hiện như: giảm nghèo, bảo vệ môi trường, tài chính vi mô… để tạo lập nguồn vốn lãi suất thấp, ổn định lâu dài.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác