Mùa Xuân trên quê hương “Đệ nhất danh trà”
Ước mơ của người trồng chè
Thái Nguyên hiện có 21.127ha chè, trong đó diện tích chè cho thu hoạch là 17.376ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 111,88 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi 194.409 tấn, sản lượng chè chế biến các loại 41.307 tấn…
Có thể nói từ sau năm 2010, xác định chè là cây trồng chủ lực, Thái Nguyên đã có “cuộc cách mạng” về việc nâng cao năng suất, chất lượng sẩn phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Bằng các chính sách hỗ trợ nông dân của tỉnh, sự vào cuộc tích cực và hiệu quả của NHCSXH, từ năm 2006 đến hết năm 2012 bình quân mỗi năm nhân dân vùng chè trồng mới, trồng lại 1.000ha, chủ yếu các giống mới cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Theo đó, hàng chục mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã lần lượt ra đời ở nhiều địa phương. Việc đưa KHKT vào thâm canh và chuyển đổi cơ cấu giống chè (thay thế giống chè trung du truyền thống bằng các giống chè dâm cành), những năm qua đã làm tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, thu nhập từ 46 triệu đồng/ha năm 2008, lên gần 70 triệu đồng/ha năm 2015 và 2016.
Thái Nguyên có “tứ đại danh trà”, gồm vùng chè thành phố Thái Nguyên, vùng chè huyện Đại Từ, vùng chè huyện Đồng Hỷ và vùng chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Cận Tết “Con gà” trong chuyến công tác cùng NHCSXH, chúng tôi không có dịp đi hết “tứ đại danh trà”, mà chỉ đến được “đại danh trà” Đồng Hỷ. Về diện tích, vùng chè Đồng Hỷ đứng thứ 3 trong toàn tỉnh (trên 2.800ha), nhưng lại là nơi mở đầu cho phong trào sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP (2009). Huyện có 9 làng nghề chè tập trung tại các xã Minh Lập, Hòa Bình và thị trấn sông Cầu.
Đường vào thị trấn sông Cầu nên thơ với những đồi chè bát úp xanh ngút mắt. Cuối năm đang vào mùa thu hoạch, người dân tấp nập, khẩn trương hái chè, chở chè về các lò sao, sấy… kịp bán Tết. 70% số hộ ở đây gắn bó với cây chè từ những năm 1960. Đến nay, các hộ dân ở 11 xóm của thị trấn đều trồng chè, chế biến chè, với tổng diện tích đất trồng chè gần 500ha.Thị trấn Sông Cầu có nhiều triệu phú chè.Một trong số đó là ông Hoàng Xuân Thủy - hộ gia đình trồng chè hiệu quả nhất tại thị trấn Sông Cầu.
Ông Thủy năm nay 51 tuổi.“Nhà tôi hai đời làm chè. Trước đây, bố tôi là công nhân nông trường chè Sông Cầu, tôi tiếp quản “gia tài” kinh nghiệm của ông trên cơ sở áp dụng KHKT”, ông Thủy tâm sự. Qua lời tự bạch mộc mạc, chúng tôi được biết ông Thủy hiện có 2 đồi chè khoảng 5.000m2, trồng bằng phương pháp dâm cành, với 2 giống chè chất lượng cao, có hương thơm đặc biệt là Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên, nguyên liệu để chế biến chè xanh cao cấp.
Tiếp chúng tôi trong nhà, ngay bên cạnh xưởng chế biến, với 2 máy vò, 3 máy trộn, 1 máy hút chân không và một máy đóng gói. Ông Thủy khép kín dây chuyền từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, 1 ngày cho “ra lò” 100kg chè khô (500kg chè búp tươi). Doanh thu 25 - 30 triệu đồng/tháng. Chưa dừng lại, ông đang ước mơ có một dây chuyên sản xuất chè sạch “đạt chuẩn” với mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng; riêng hệ thống tưới phun cũng cần tới trên 20 triệu đồng…
“Năm 2013 gia đình tôi được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm. Vốn vay không nhiều - ông Thủy nói - nhưng tín dụng chính sách đã tiếp sức cho tôi giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; vào kỳ thu hoạch chè, thuê 7 - 10 lao động thời vụ, với giá tiền công 14.000 đồng/giờ”.
Ông Thủy mong muốn năm 2017 NHCSXH tăng vốn vay giải quyết việc làm cho nông dân thị trấn. Vì, mỗi năm có 8 lứa hái chè, lao động nhiều nơi đổ về đây tìm kiếm việc làm. Hầu hết họ là lao động nữ ở độ tuổi trung niên, không đủ điều kiện vào làm công nhân ở khu công nghiệp.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 5, Vũ Chí Long cũng được dịp “phân trần”: Năm 2016 tổ có dư nợ vốn vay từ NHCSXH là 340 triệu đồng, nhưng nhu cầu của bà con cần tới trên 600 triệu đồng để cải tạo vườn chè, thay giống cũ bằng giống mới. Đó là chưa nói tới hệ thống tưới tiêu, một nhu cầu bức thiết của trồng chè thâm canh. Xóm 5, mỗi năm bà con chuyển 9 - 10ha chè kém chất lượng sang trồng chè có chất lượng. Chè là loại cây công nghiệp dài ngày, sau 3 năm trồng mới cho thu hoạch. Người trồng chè mong muốn được vay vốn NHCSXH vì lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, còn vay vốn các NHTM bà con không “kham” nổi lãi suất.
Phía sau thị xã công nghiệp
Rời thị trấn Sông Cầu vấn vương hương chè, chúng tôi đến Phổ Yên - một thị xã trẻ nằm giữa vùng đất trung du và miền núi. Giám đốc NHCSXH huyện Phổ Yên, Đoàn Lệ Thủy cho biết: Phổ Yên là thị xã công nghiệp. Phía sau những nhà máy đồ sộ, với khoảng 50 nghìn công nhân của Công ty Sam Sung, có trên 150 hộ nông dân mất đất, khoảng 200ha. Nhu cầu vay vốn chương trình giải quyết việc làm rất lớn, trong khi mấy năm nay nguồn vốn cho vay chương trình này không có. Khó khăn, nhưng - bà Thủy báo tin vui, mới đây 62 hộ trong số này đã được NHCSXH huyện giải ngân vốn vay giải quyết việc làm. Số còn lại sẽ được tiếp tục cho vay trong năm 2017.
Thị xã Phổ Yên có 14 xã, 4 phường.Minh Đức - nơi chúng tôi đến, là một trong 7 xã miền núi khó khăn được hưởng lợi từ Chương trình 135. Chủ tịch UBND xã Minh Đức, Hoàng Mạnh Quân thông báo: Là xã thuần nông, hiện dư nợ NHCSXH gần 30 tỷ đồng. Không có nợ quá hạn. Bà con vay vốn chủ yếu để phát triển chăn nuôi, trồng chè. Trước đây, xã có trên 100ha chè, nay giữ lại 80ha trồng chè cành, đất trên cao trồng chè không hiệu quả chuyển sang trồng cây khác.
“Mấy năm nay, 70% lao động địa phương đi làm công nhân cho Công ty Sam Sung, số ở lại phát triển mạnh kinh tế trang trại trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn gà. Thị xã công nghiệp đang tạo ra sự phân công lao đọng mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết.
Xã có 9 trang trại với diện tích từ 5ha đến 30ha và nhiều gia trại. Vợ chồng anh Hoàng Văn Dũng và chị Cao Thị Hoa ở xóm Chằm 7A, tuổi đời chưa ngoài 30 nhưng quản lý một gia sản đáng kể, gồm 1ha trồng cây ăn quả với hàng trăm cây cam, bưởi, nhãn, táo, ổi… doanh thu gần 200 triệu đồng/năm; một trại chăn nuôi với 20 con lợn nái, 8 lợn đực quanh năm bán lợn giống, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.
“Vợ chồng anh Dũng từng “khởi nghiệp” từ số vốn “mồi” 20 triệu đồng chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đang tính chuyện sang năm mới nếu được vay vốn nhiều hơn sẽ mở rộng cơ sở chăn nuôi”, Giám đốc Đoàn Lệ Thủy cười vui trước thành quả và mong muốn của hộ vay.
Cam kết mùa Xuân
Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngày 05/2/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trích một phần ngân sách và nguồn vốn chuyển sang NHCSXH để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương. Theo đó UBND đề nghị mỗi năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố dành từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền ngân sách chuyển sang NHCSXH cùng cấp. Đối với doanh nghiệp có sử dụng đất nông nghiệp, dành một phần vốn để hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất có vốn vay, nhằm tạo điều kiện để người dần ổn định cuộc sống.
Đáp lời kêu gọi, đến hết năm 2016 tỉnh Thái Nguyên đã chuyển hơn 49 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH tỉnh để cho vay; hơn 6 tỷ đồng của doanh nghiệp trong toàn tỉnh ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay. Điển hình tại thị xã Phổ Yên có 4 doanh nghiệp chuyển 550 triệu đồng, huyện Võ Nhai, trong năm 2016 đã có 9 doanh nghiệp chuyển 480 triệu đồng để bổ sung vào nguồn vốn của NHCSXH huyện. Riêng với Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, có trụ sở trên địa bàn huyện Đại Từ, việc ủy thác nguồn vốn cho NHCSXH huyện cũng đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Hiện, số tiền mà Công ty này ủy thác qua NHCSXH là 5 tỷ đồng, trong đó năm 2016 chuyển 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu đem so sánh với tổng nguồn vốn trên 2.700 tỷ đồng của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên thì nguồn vốn của ngân sách địa phương và từ các doanh nghiệp còn khiêm tốn, chỉ chiếm 1,8%; còn nếu đem so với khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì có khoảng 20 doanh nghiệp đã và đang cam kết ủy thác vốn cho NHCSXH lại càng không đáng kể.
Theo chuẩn nghèo đa chiều, Thái Nguyên hiện còn trên 42.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,4%; trên 28.000 hộ cận nghèo, chiếm gần 9%. Tỷ lệ hộ nghèo của Thái Nguyên đứng thứ 25/63 tỉnh, thành. Khép lại năm 2016, Thái Nguyên kêu gọi chung tay giảm nghèo, rất cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn nữa của cấp uỷ, chính quyền, các hội, đoàn thể, đặc biệt các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh phấn đấu giảm số hộ nghèo bình quân 2%/năm, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 3,5% - 5%/năm, bảo đảm đến hết năm 2020 trên 70% số hộ nghèo trong tỉnh có mức sống trung bình. Mong rằng, đây sẽ là lời cam kết mùa Xuân của quê hương “Đệ nhất danh trà”.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Luồng gió sinh kế mới trên vùng biển Quảng Trị
- » Xuân reo trên đất Cố đô
- » Đồng vốn góp mùa xuân thêm ấm
- » Góp gió lay chuyển xóa nghèo
- » Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều
- » Đem Tết sớm đến hàng nghìn hộ cận nghèo ở Cần Thơ
- » Đồng vốn đã “nở hoa”
- » “Cần tuyên truyền, giáo dục tốt hơn nữa để mỗi cán bộ ngân hàng yêu ngành, yêu nghề, trách nhiệm, tận tuỵ, gắn bó với dân nghèo”
- » Nối dài ước mơ tới trường cho các Lá chưa lành nơi miền gió Lào, cát trắng
- » Hết lo con bị đứt “đường học”