Luồng gió sinh kế mới trên vùng biển Quảng Trị
Vùng biển Bắc miền Trung bao gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó Quảng Trị là một trong những địa bàn chịu những tác động nặng nề về sự cố nhiễm môi trường biển, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 140 tỷ đồng và gần 12.000 hộ phải ngừng ra khơi đánh bắt thủy sản. Theo đó, các dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch bãi biển cũng thất thu, vắng lặng. Rất nhiều gia đình lâm vào cảnh sống khó khăn, túng thiếu và bất an. Một số hộ ở huyện Vĩnh Linh, Gio Linh chưa kịp trả nợ, lãi các khoản vay từ chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo mua sắm lưới cụ thì lại lâm vào cảnh không có việc làm ngoài biển, chỉ mong sao NHCSXH giải quyết gia hạn thời gian trả nợ và xem xét cho vay thêm khoản tiền để chuyển sang đầu tư sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm mới và nguồn thu về sau trên đất liền.
“Vùng biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng sau việc cá chết hàng loạt hồi tháng 4/2016 như bị một trận “siêu bão” quét qua, nên rất cần gói hỗ trợ bổ sung tổng hợp, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho những ngư dân khôi phục nghề đi biển và chuyển đổi ngành nghề SXKD”, đó là nhận xét của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Đức Chính.
Đến Quảng Trị trong những ngày đầu Xuân mới này, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện, những người làm tín dụng chính sách đã lăn lộn, hối hả chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến khắp làng chài, cho vay trực tiếp tới từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách để khắc phục hậu quả thiệt hại sau sự cố ô nhiễm môi trường và tiếp tục SXKD ven biển.
Liên tục trong nhiều ngày, trực tiếp từ Giám đốc NHCSXH tỉnh, huyện, đến cán bộ nghiệp vụ tín dụng, kế toán, hành chính đã bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể thôn, xã thực hiện công tác rà soát, xác định chính xác các khoản thiệt hại từ vốn vay các chương trình tín dụng ưu đãi, lắng nghe ý kiến, và hướng dẫn bà con ngư dân lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định.
Cùng với đó, ở tất cả các Điểm giao dịch tại các xã ven biển bị thiệt hại, NHCSXH đã tập trung ưu tiên nguồn vốn từ thu hồi nợ cũ cùng nguồn vốn mới bổ sung, thực hiện giải ngân ngay tới tận tay hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi nghề sinh kế khai thác ven biển.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Đức Đồng, sau thời gian gấp rút, nỗ lực triển khai công tác kê khai, xác định thiệt hại và huy động nguồn lực, toàn đơn vị đã cho vay gần 2.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các xã ven biển chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng (chủ yếu nguồn bổ sung từ Trung ương và 3,7 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chuyển sang). Nguồn vốn cho vay bổ sung góp phần nâng tổng nguồn vốn sau 14 năm hoạt động của NHCSXH tỉnh Quảng Trị đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2015.
Để hiểu rõ hơn về việc cho vay vốn ưu đãi chuyển đổi nghề sản xuất ở vùng biển Quảng Trị, chúng tôi đến xã Trung Giang, huyện Gio Linh, địa phương nằm sát cảng Cửa Việt, nơi có 100% hộ dân làm nghề đánh bắt cá ven bờ và nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng nặng nề do nước biển ô nhiễm gây ra. Cả xã ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng, trong đó có gần 2 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH. Đơn cử như bà Phạm Thị Thắm ở thôn Hà Lợi trước đây có khoản vay 30 triệu đồng tại NHCSXH và khoản nợ này càng trở lên khó hoàn trả đúng kỳ hạn khi sự cố biển vừa qua đã tàn phá cả 3 ao nuôi tôm, cá nước lợ của gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giang, Trần Xuân Tạo cho biết, trước thiệt hại như vậy, NHCSXH huyện đã kịp thời giúp địa phương lập hồ sơ lên cấp có thẩm quyền xử lý nợ rủi ro, có tính đến phương án giãn nợ cho một số gia đình bị thiệt hại nặng nề, mặt khác đã kịp thời giải quyết cho vay bổ sung để người dân chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Tại thời điểm này, mỗi hộ nghèo ở vùng biển Trung Giang được vay thêm từ 30 đến 50 triệu đồng vốn ưu đãi.
Điển hình có Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Canh Giáng, Dương Đức Quân đã sử dụng vốn ưu đãi xây dựng chuồng trại chăn nuôi 80 con lợn thịt, lợn nái để Tết này xuất bán lứa lợn đầu tiên, thu lãi ngót 40 triệu đồng. Anh Quân cho biết: “Sinh ra trên biển, không sống bằng nghề biển thì chẳng biết làm gì. Sau sự cố môi trường biển, may sao tôi được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng chuyển từ nghề ra khơi đánh bắt cá sang nuôi lợn trên bờ. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời cùng sự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nên cuộc sống gia đình ổn định dần. Tôi không lo nghèo khó nữa và sang Xuân mới sẽ mở rộng cơ sở chăn nuôi lợn, phấn đấu làm giàu bằng chính nghề mới và sức lao động của mình”.
Rời Trung Giang, tiếp tục thăm quan mô hình nuôi gà, trồng rừng tràm của gia đình chị Hồ Hồng Hạnh ở thôn 9 xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mới như đang hồi sinh. 200 con gà của gia đình chị nuôi đã gần 4 tháng, khu rừng tràm 2ha xanh tốt giữa ánh nắng vàng của Xuân sớm. “So với nghề biển thì nuôi gà nhốt chuồng cần sự tỉ mỉ, nhưng tôi hy vọng đây sẽ là nghề sản xuất bền vững hơn, không giống như việc đánh bắt gần bờ trước đây, chỉ lo được bữa ăn hằng ngày. Nguồn vốn ưu đãi như luồng gió mới đã làm thay đổi nhận thức của dân làng chài và đã giúp người nghèo chúng tôi có được cuộc sống ổn định”, chị Hạnh tâm sự.
“Đồng hành với bà con từ nhiều năm nay, nhất là sau sự cố môi trường biển, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã kịp thời tiếp sức cho ngư dân địa phương với số tiền 6,5 tỷ đồng và 128 hộ vay, nâng tổng dư nợ vốn tín dụng ưu đãi toàn xã lên 21,5 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội chuyển đổi nghề, cuộc sống thêm ấm no, xóm thôn khởi sắc, hòa quyện với mùa Xuân tươi sáng của đất trời”, Bí thư Đảng uỷ xã Triệu Vân, Hồ Xuân Đức nói.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Xuân reo trên đất Cố đô
- » Đồng vốn góp mùa xuân thêm ấm
- » Góp gió lay chuyển xóa nghèo
- » Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều
- » Đem Tết sớm đến hàng nghìn hộ cận nghèo ở Cần Thơ
- » Đồng vốn đã “nở hoa”
- » “Cần tuyên truyền, giáo dục tốt hơn nữa để mỗi cán bộ ngân hàng yêu ngành, yêu nghề, trách nhiệm, tận tuỵ, gắn bó với dân nghèo”
- » Nối dài ước mơ tới trường cho các Lá chưa lành nơi miền gió Lào, cát trắng
- » Hết lo con bị đứt “đường học”
- » Vay một đồng vốn, làm ra ba đồng lời