Đem Xuân ấm cho hộ nghèo vùng cao xứ Nghệ

28/01/2017
(VBSP News) Được sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn tín dụng chính sách ưu đãi, bà con các dân tộc Mông, Khơ mú, Thái, Ơ Đu... trên các huyện miền núi vùng cao Nghệ An như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua khó khăn để tiếp tục vươn lên thoát khỏi đói nghèo và một mùa Xuân no ấm, hạnh phúc đang thực sự đến với bà con các bản làng bị thiệt hại do thiên tai.
Trung tâm xã Mường Lống - nơi hứng chịu nhiều thiệt hại do băng tuyết trong đợt rét lịch sử

Trung tâm xã Mường Lống - nơi hứng chịu nhiều thiệt hại do băng tuyết trong đợt rét lịch sử

Khác với đầu năm, dọc đường lên miền Tây Nghệ An, cây cối xác xơ tiêu điều héo úa vì băng tuyết. Ngày cuối năm vượt “cổng trời” trở lại thủ phủ Mường Lống, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, bắt gặp hàng vạn cánh hoa trắng tinh khôi đang khoe sắc dưới ánh nắng ban mai càng tăng thêm vẻ trắng muốt đến say đắm lòng người. Đúng như tên gọi “mường quên lạc”, người ta dễ lạc quên nẻo đường về trước một thiên đường hoa mận đang nở rộ.Những cô gái Mông áo váy sặc sỡ, má ửng hồng xuống chợ, khuôn mặt rạng ngời tìm mua những thứ cần thiết chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Còn nhớ, từ đêm ngày 23 - 25/1/2016, nhiều điểm tại các huyện miền núi Nghệ An nhiệt độ đã xuống mức 0 độ C. Thậm chí có những nơi nhiệt độ đã xuống -4 độ C như xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn; xã Tri Lễ, huyện Quế Phong,… Nhiều người chưa bao giờ trải qua một đợt giá rét như vậy.Tuyết và sương mù đã phủ trắng khắp các cành cây xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn là nơi có lượng tuyết rơi nhiều nhất tại Nghệ An. Do ảnh hưởng của thời tiết giá rét và băng tuyết nên cuộc sống của người dân nơi đây cũng bị đảo lộn và ảnh hưởng nặng nề. Hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết. Tài sản có trị giá nhất có được từ vay vốn ưu đãi của NHCSXH bị thiệt hại khiến nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay.

Nhiều hộ gia đình người dân tộc Thái ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn vay vốn chính sách phát triển chăn nuôi đang từng bước thoát nghèo

Nhiều hộ gia đình người dân tộc Thái ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn vay vốn chính sách phát triển chăn nuôi đang từng bước thoát nghèo

Theo thống kê, trong đợt rét tháng 1/2016, toàn tỉnh Nghệ An có 13 huyện, thành phố, thị xã bị ảnh hưởng bởi đợt băng tuyết, rét đậm, với 1.442 hộ dân bị thiệt hại làm chết nhiều trâu bò, dê, lợn, trong đó có 828 hộ vay vốn từ NHCSXH với số tiền trên 15 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nhất là huyện Quế Phong với 737 con trâu, bò bị chết của 737 hộ dân, trong đó có 357 hộ vay vốn NHCSXH với số tiền trên 7 tỷ đồng; huyện Tương Dương có 202 hộ bị thiệt hại 333 con trâu, bò, trong đó 202 hộ vay vốn từ NHCSXH với số tiền gần 3,2 tỷ đồng; huyện Kỳ Sơn 183 hộ bị thiệt hại, 223 con trâu, bò chết, trong đó 145 hộ vay vốn NHCSXH với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng,…

Gia đình ông Và Tồng Sự ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong thuộc diện hộ nghèo được vay 30 triệu đồng. Con trâu mới mua đầu năm 2015 từ số tiền vay đang phát triển, dự kiến sang đầu năm 2016 sẽ sinh lứa đầu tiền. Đợt rét kỷ lục con trâu đã chết, gia đình ông hết sức lo lắng trước gánh nợ lớn của gia đình chưa biết sẽ ra sao. Hay như trường hợp của gia đình bà Lò Thị Phòng trú tại bản Lằm, xã Tri Lễ, con trâu trị giá 20 triệu đồng được mua từ vốn vay hộ nghèo bị chết rét; ông Lương Văn Thắng là hộ nghèo ở bản Cổ Hạ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương cũng bị thiệt hại một con trâu mới mua từ tiền vay chính sách hơn 28 triệu đồng,… Gia sản lớn nhất của hộ nghèo, hộ cận nghèo là những con trâu, bò mua được từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nhưng lại bị chết trong đợt mưa tuyết, rét đậm kỷ lục đầu năm 2016, đồng nghĩa với việc họ trắng tay.

Lãnh đạo NHCSXH các huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong,… cho biết, ngay khi nhận được tin trâu, bò chết rét, đơn vị đã báo cáo với NHCSXH tỉnh Nghệ An, phối hợp với chính quyền huyện và các xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn để nắm bắt, thống kê đầy đủ nhất con số thiệt hại để lập hồ sơ tiến hành thủ tục trình cấp trên để khoanh nợ, giãn nợ cho bà con. Với chính sách xử lý rủi ro đối với các khoản nợ bị thiệt hại do thiên tai của NHCSXH, cụ thể, gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả nợ) đối với các khoản vay bị thiệt hại đến dưới 40%; khoanh nợ tối đa đến 3 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 40% đến dưới 80% và khoanh nợ tối đa đến 5 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 80% đến 100% (trong thời gian khoanh nợ, hộ vay chưa phải trả nợ và không phải trả lãi), đã khiến những hộ dân hết sức yên tâm.

Thật ấm lòng khi gần 690 hộ dân tộc thiểu số các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu…, là những hộ vay vốn chính sách ưu đãi bị thiệt hại, đã được NHCSXH áp dụng chính sách xử lý rủi ro đối với các khoản nợ và được tạo điều kiện về vốn vay nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất. Căn cứ theo mức độ thiệt hại của từng khoản vay, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn bà con lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Phần lớn các hộ vay vốn bổ sung đã mua cây giống, con giống khôi phục lại sản xuất vật nuôi tiếp tục phát huy hiệu quả vốn vay.

“Không chỉ riêng đợt thiệt hại do băng tuyết vừa qua, các năm trước khi xảy ra thiên tai, đơn vị đều chủ động chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành phố, thị xã theo dõi, thống kê báo cáo thiệt hại của các đối tượng vay vốn chính sách bị thiệt hại để tổ chức xử lý nợ rủi ro cho bà con. Với chính sách hỗ trợ hộ vay khắc phục thiệt hại, hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng và các đối tượng chính sách được vay vốn NHCSXH sẽ an tâm hơn để tiếp tục phấn đấu thoát nghèo trong thời gian tới”, Giám đốc NHCSXH Nghệ An, Trần Khắc Hùng cho biết thêm.

Được ưu đãi từ nguồn tín dụng chính sách, bà con dân tộc Mông, Khơ mú, Thái, Ơ Đu… trên các huyện miền núi vùng cao Nghệ An như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua khó khăn để tiếp tục vươn lên thoát nghèo và một mùa Xuân no ấm, hạnh phúc đang thực sự đến với bà con các vùng bản bị thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Bài và ảnh Minh Thư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác