Làng nghề rộn rã đón Xuân
Nhiều làng nghề đã “hồi sinh”
Xuân này, về với làng gốm Trường Thịnh ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa ai ai cũng dễ dàng nhận thấy không khí tất bật, khẩn trương ở các cơ sở sản xuất gốm nơi đây. Mỗi ngày, trên các trục đường chính của làng nghề luôn tấp nập những chiếc xe công nông chở đất sét nguyên liệu đến bỏ mối cho các cơ sở sản xuất và nhiều xe tải tập kết hàng chở đi các thị trường tiêu thụ.
Ông Trần Công Tiến ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh - một trong những hộ làm nghề lâu năm ở đây thì làng gốm Trường Thịnh đã tồn tại hàng trăm năm nay. Thế nhưng, qua thời gian, cùng với sự xuất hiện của nhiều loại vật liệu mới và sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, làng nghề này đã dần mai một. Không nói đâu xa, cách đây hơn 5 năm, hoạt động của làng nghề còn rất èo uột, từ hàng trăm hộ làm nghề chỉ còn hơn 30 hộ duy trì sản xuất gốm.
Trước thực trạng đó, cùng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, năm 2012 nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của địa phương đã ủy thác sang NHCSXH tỉnh để cho 30 hộ dân trong làng gốm Trường Thịnh vay 500 triệu đồng khôi phục, phát triển làng nghề.
Là một trong những hộ được vay và sử dụng vốn hiệu quả, ông Trần Công Tiến chia sẻ: “Cả làng còn hơn 30 hộ làm gốm nhưng chỉ vài hộ có lò nung rất bất tiện khi đến mùa cao điểm sản xuất. Do đó, với số vốn 20 triệu đồng vay từ NHCSXH, gia đình tôi bỏ thêm vốn tự có để làm trại phơi gốm và xây lò nung. Từ ngày có lò, ngoài việc tự nung gốm của cơ sở mình, chúng tôi còn thu mua gốm “sống” (chưa nung) của người dân trong vùng về nung rồi bỏ mối cho khách hàng quen. Hoạt động ổn định, cơ sở sản xuất gốm của gia đình tôi giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với mức lương khoán sản phẩm khoảng 100.000 đồng/người/ngày”.
Hiện sản phẩm của làng gốm Trường Thịnh chủ yếu là những vật dụng thông thường như bọng giếng, âu, chậu, bếp lò, vò nước, nồi đất, ấm đất… với thị trường tiêu thụ ổn định ở các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa và các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, một số hộ dân làng nghề còn có hướng đi mới là đầu tư vào dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ.Người tiên phong trong việc này là bà Trần Thị Chiên ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh - cũng là một trong những người được vay vốn phát triển làng nghề. Bà Chiên cho hay: Các sản phẩm gốm mỹ nghệ tôi đang sản xuất là lục bình, đèn ngủ ốp tường, đôn chậu cảnh, đồ trang trí, tượng… Làm gốm mỹ nghệ tuy mất công sức, thời gian nhưng tốn ít đất và có giá trị cao gấp 10 lần gốm truyền thống. Do đó, từ khi được vay vốn phát triển làng nghề của NHCSXH, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào dòng sản phẩm này. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn của NHCSXH, chúng tôi mong muốn địa phương giúp đỡ tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm để tăng thu nhập cho người làm nghề.
Từ năm 2009 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã cho vay gần 40 Dự án phát triển làng nghề với tổng số tiền 13,3 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn đã giải quyết việc làm cho 2.500 lao động tại địa phương và thu hút gần 1.300 lao động theo mùa vụ. Không những vậy, nhờ nguồn vốn, các làng nghề truyền thống dần mai một cũng đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. |
Không riêng làng gốm Trường Thịnh, làng nghề thúng chai Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An cũng từng lao đao khi thị trường ưa chuộng các loại thúng chai làm từ composite vì rẻ, nhẹ hơn thúng chai truyền thống. Thời điểm cách đây vài năm, nhiều hộ làm thúng đã phải bỏ nghề, đi vào Nam kiếm việc làm thuê vì không cạnh tranh nổi với các cơ sở làm thúng composite. Tuy nhiên, gần đây, với sự tiếp sức của nguồn vốn chính sách cộng với việc thị hiếu của người dân làng biển thay đổi, làng nghề thúng chai Phú Mỹ đã dần được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Những ngày này, về làng nghề thúng chai Phú Mỹ, hình ảnh dễ thấy nhất ở mỗi gia đình là hàng chục thúng chai thành phẩm được dựng bên hiên nhà, trước sân.Bên cạnh đó, hàng trăm tấm mê cũng đang chờ được lận mê, nứt vành, hoàn thiện để xuất bán cho người dân ở các địa phương ven biển trong và ngoài tỉnh, chuẩn bị cho mùa mở biển đầu năm mới.
Vừa luôn tay lận mê thúng, ông Nguyễn Tấn Cảnh ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân cho biết: Năm 2014, gia đình tôi được vay 20 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm để phát triển làng nghề từ NHCSXH huyện Tuy An. Số tiền này, chúng tôi chủ yếu dùng để mua tre về dự trữ để sản xuất thúng. Ngoài ra, chúng tôi còn thuê thêm 4 - 5 lao động vót nan, đan mê; nhờ đó, số sản phẩm làm ra tăng lên mà thu nhập của người làm nghề cũng khá hơn trước. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dân, Nguyễn Văn Chúng, nghề làm thúng chai tuy thu nhập không cao nhưng làm được kể cả vào ngày mưa gió nên thu hút được nhiều hộ dân làm nghề. Đặc biệt, từ năm 2014, khi Hội Nông dân xã lập Dự án vay vốn phát triển làng nghề và được NHCSXH xét duyệt, 15 hộ dân Phú Mỹ đã được vay 300 triệu đồng để sản xuất thúng chai. “Những tháng cao điểm, làng nghề có thể xuất bán từ 250 - 300 thúng, nhưng những tháng thấp điểm thì chỉ xuất vài chục cái. Để tránh tình trạng lúc dồn ứ không kịp làm, lúc rảnh rang thì ngồi không, người dân Phú Mỹ rất cần được hỗ trợ thêm vốn để trữ nguyên vật liệu, thuê thêm nhân công, mở rộng quy mô sản xuất. Nhất là khi hiện nay, mức cho vay một số chương trình của NHCSXH đã tăng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm”, ông Chúng nói.
Ngoài làng gốm Trường Thịnh, làng nghề thúng chai Phú Mỹ, từ năm 2009 đến nay, người dân ở hàng chục làng nghề truyền thống tại Phú Yên đã được vay vốn giải quyết việc làm thông qua hình thức phát triển làng nghề theo chủ trương của UBND tỉnh.
Hướng đi đúng của địa phương
Nhận thức rằng các làng nghề truyền thống không chỉ tạo ra các sản phẩm tiêu dùng, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, mà còn là nơi lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa địa phương một cách tinh tế, nên từ nhiều năm nay, UBND tỉnh Phú Yên luôn quan tâm, hỗ trợ để các làng nghề phát triển. Tuy nhiên, lâu nay, các hộ dân làng nghề thường làm ăn riêng lẻ, sản phẩm không ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng nên việc tìm kiếm thị trường đầu ra rất khó khăn. Điều này dẫn đến thu nhập của những hộ làm nghề rất bấp bênh. Đứng trước xu thế hội nhập và sự cạnh tranh gay gắt của những sản phẩm sản xuất công nghiệp, chỗ đứng của sản phẩm làng nghề càng thiếu bền vững, dẫn đến việc nhiều hộ dân phải bỏ nghề, rời địa phương đi làm thuê kiếm sống. “Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương khảo sát, thẩm định cho các hộ vay vốn tiếp tục sản xuất, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2009, NHCSXH tỉnh Phú Yên bắt đầu ưu tiên sử dụng nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm tập trung cho vay các Dự án phát triển làng nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã chủ động trích ngân sách từ 3 - 5 tỷ đồng/năm để ủy thác sang NHCSXH cho vay chương trình này”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên, Hồ Văn Thục cho biết.
Bám sát định hướng của UBND tỉnh, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến người dân ở các địa phương có nhu cầu vay vốn. Ngân hàng cũng phối hợp với chính quyền, hội, đoàn thể xem xét tính khả thi như sản phẩm làng nghề có phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu thị trường, thu hút được nhiều lao động và có hiệu quả… để vận động, hướng dẫn người dân thành lập Dự án và nhóm vay, trình UBND tỉnh xem xét duyệt cho vay. Sau khi được phê duyệt, ngoài vốn đối ứng, mỗi Dự án có thêm từ 100 - 500 triệu đồng vốn vay. Tùy vào nhu cầu, mỗi hộ tham gia dự án được vay trung bình từ 10 - 20 triệu đồng để mua nguyên, nhiên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, nhiều Dự án phát triển làng nghề được vay vốn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần “hồi sinh” nhiều làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động hiện có, đồng thời thu hút thêm nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhất là lao động nữ. Điển hình như các dự án phát triển làng nghề bó chổi Mỹ Thành ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa; làng gốm Trường Thịnh ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa; làng nghề chiếu cói xã An Cư, đan ngư lưới cụ và làm nước mắm ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An; làng nghề chế biến, phơi sấy cá cơm Hòa An ở xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu; làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa; làng nghề trồng hoa, cây cảnh ở phường 9, TP Tuy Hòa,…
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên, Hồ Văn Thục, điều đáng mừng là các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu SXKD, cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn. Người vay không những trả lãi, gốc đúng hạn mà hầu hết đều cộng đồng trách nhiệm hỗ trợ những người cùng tham gia Dự án làm ăn, trả nợ ngân hàng để có thể tiếp tục vay mới.“Hiện nay, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Trung ương và của địa phương vẫn còn rất hạn chế. Do đó, khi các Dự án kết thúc, làng nghề được duy trì thì NHCSXH sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thẩm định hiệu quả để hỗ trợ người dân tiếp tục lập dự án để trình tỉnh cho vay lại. Ngoài ra, NHCSXH còn xem xét cho hộ cá nhân vay vốn giải quyết việc làm theo nhu cầu”, Giám đốc Thục nói.
Bài và ảnh Lê Hảo
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » TP Hồ Chí Minh sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tín dụng chính sách
- » Xuân ấm no từ đồng vốn nhân văn
- » Luồng gió sinh kế mới trên vùng biển Quảng Trị
- » Đem Xuân ấm cho hộ nghèo vùng cao xứ Nghệ
- » Mùa Xuân trên quê hương “Đệ nhất danh trà”
- » Xuân reo trên đất Cố đô
- » Đồng vốn góp mùa xuân thêm ấm
- » Góp gió lay chuyển xóa nghèo
- » Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều
- » Đem Tết sớm đến hàng nghìn hộ cận nghèo ở Cần Thơ