Vốn chính sách “chắp cánh” ước mơ trên vùng núi
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là xã Thượng Lộ. Trong ngôi nhà mới được sửa khang trang, chị Phạm Thị Khoai, người dân tộc Cơ Tu ở thôn Cha Măng, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông nói về cuộc sống khó khăn trước kia và từ khi vay được nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để đổi đời, trở thành tấm gương cho nhiều gia đình khác làm theo. Chị Khoai nhớ lại: Trước đây khi không có vốn tôi chủ yếu trồng trọt vài luống rau mảnh vườn cạnh nhà và làm thuê, làm mướn nên cuộc sống rất khó khăn. Nhiều lúc cũng mơ ước tới việc mở mang trồng trọt, chăn nuôi nhưng lấy đâu ra nguồn vốn.
Ấy vậy, nhưng chẳng bao lâu, nguồn vốn của NHCSXH đã chắp cánh cho ước mơ của chị Khoai trở thành hiện thực. Năm 2009, từ sự giới thiệu của chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể địa phương, chị được vay 30 triệu đồng nguồn vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Có nguồn vốn, chị Khoai bàn với chồng xây dựng chuồng trại và mua 3 con lợn giống về nuôi.Sự chịu thương, chịu khó đã không phụ lòng chị nên đàn lợn cứ càng ngày càng được nhân lên, còn nguồn vốn ngân hàng chị trả gốc và lãi đầy đủ, sau đó lại vay tiếp.Hiện nay, chị đang vay vốn chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng.Thêm nguồn vốn chị Khoai đã mở rộng chăn nuôi cả lợn thịt và lợn nái. Đến nay, trong chuồng thường có khoảng 40 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, mỗi năm thu lãi khoảng khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị Khoai còn có 2ha cây keo và 2ha cây cao su khoảng 2 năm nữa đến kỳ khai thác sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Gương làm kinh tế điển hình của chị Khoai đã được cả thôn ghi nhận, noi gương và bản thân chị cũng được thôn Cha Măng (100% đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu) bầu chị làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Khoai còn có tấm lòng nhân hậu, bao dung khi hỗ trợ nhiều hộ nghèo lợn giống, sau khi bán lợn thịt mới trả tiền. Sự giúp đỡ này khiến bà con trong thôn cảm động, nỗ lực sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.
Cũng ở huyện Nam Đông nhiều người còn biết tới ông Hoàng Quốc Sinh ở thôn Ta Rung, xã Hương Sơn. Bởi không chỉ có cửa hiệu cơ khí nổi tiếng ở vùng miền núi này, ông Sinh còn khá thành công với mô hình chăn nuôi ếch, ba ba từ sự tiếp sức của nguồn vốn của NHCSXH. Bén duyên với nghề cơ khí đã lâu, ông Sinh đã không kể siết mình đã làm bao nhiêu nông cụ như cày, bừa, cuốc, xẻng… cho bà con trong vùng, khai hoang trồng trọt. “Một phần mình có cái nghề để nuôi 6 đứa con, phần khác cũng muốn giúp bà con có nông cụ sản xuất, không phải đi mua ở xa”, ông Sinh tâm sự.
Với bản tính ham làm, ham học, ông Sinh còn tạo việc làm cho vợ và các con khi có tới 4ha cây cao su, 2ha cây keo và chăn nuôi lợn. Đặc biệt, năm 2015, ông Sinh được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo của NHCSXH để nuôi ếch và ba ba, nuôi cá. Hiện nay gia đình ông có 7 lồng ếch với khoảng 2.250 con, dịp Tết Nguyên đán này sẽ bán ếch, ba ba, cá. Ngoài ra, xuất chuồng lứa lợn thịt khoảng 19 con, thu lãi gần 100 triệu đồng. Đến nay các con của ông Sinh đã xây dựng gia đình và có nghề nghiệp ổn định.
“Cách đây 5 năm, gia đình tôi nghèo lắm, nhờ có nguồn vốn của NHCSXH mình đã đào ao nuôi cá, mua được máy cắt, máy hàn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Nhưng tôi cũng mong NHCSXH cho vay thêm vốn giải quyết việc làm để có thể mở rộng mô hình nuôi ếch”, ông Sinh nói.
Theo ông Hoàng Minh Tứ - Giám đốc NHCSXH huyện Nam Đông, gia đình chị Khoai và ông Sinh chỉ là 2 trong số những điển hình vay vốn của huyện. Bởi hiện nay dư nợ cho vay của NHCSXH huyện khoảng 142 tỷ đồng, với 13 chương trình cho vay, trong đó có một số chương trình có dư nợ cao là hộ nghèo, làm nhà ở, sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Ông Tứ cho biết, nhiều hộ khi vay vốn NHCSXH đã làm ăn hiệu quả và thoát nghèo bền vững từ đó vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Đặc biệt, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ khi được vay ưu đãi rất phấn khởi, SXKD hiệu quả, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện đã thay đổi rõ rệt.
Bài và ảnh Quang Cảnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Làng nghề rộn rã đón Xuân
- » TP Hồ Chí Minh sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tín dụng chính sách
- » Xuân ấm no từ đồng vốn nhân văn
- » Luồng gió sinh kế mới trên vùng biển Quảng Trị
- » Đem Xuân ấm cho hộ nghèo vùng cao xứ Nghệ
- » Mùa Xuân trên quê hương “Đệ nhất danh trà”
- » Xuân reo trên đất Cố đô
- » Đồng vốn góp mùa xuân thêm ấm
- » Góp gió lay chuyển xóa nghèo
- » Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều