Xuân yêu thương từ “tấm áo hồng”
Nhớ những nhà báo “bất đắc dĩ”…
Những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất oai hùng Kon Tum, hẳn sẽ chẳng thể quên màu vàng quánh như mật ong rừng của nắng và nồng nàn hương cà phê Đắk Hà cùng với cái gió cứ lồng lộng thổi đầy hoang dại, phóng túng nhưng đủ sức làm dịu nhẹ những ai khó tính nhất… Và có lẽ, nhớ hơn cả, say đắm hơn cả là tình người Kon Tum. Dù chỉ vẻn vẹn 7 ngày chung sống giữa tháng 5/2016 lịch sử - ngày hội của toàn dân náo nức đi bỏ phiếu để chọn cho mình những vị đại diện xuất sắc, nhưng 7 ngày ấy là những khoảnh khắc đáng nhớ của một người cầm bút như tôi.
Dù chẳng một chút liên quan đến nội dung công tác, cũng chưa một lần gặp gỡ nhưng chỉ một lời giới thiệu ngắn gọn về hướng làm của một “đồng nghiệp” từ Trung ương gửi tới; sau đó là một cuộc điện thoại chóng vánh, chúng tôi đã được các anh chị tiếp đón như những người thân yêu nhất!
Nhớ lắm, cái cách chị Lan - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH tỉnh Kon Tum chăm sóc chúng tôi từ miếng ăn, giấc ngủ. Nhớ cái giọng trầm khàn khi chị hát chúng tôi nghe những giai điệu của núi rừng Tây Nguyên. Nhớ khuôn mặt thư sinh nhưng đầy nghị lực của Giám đốc tỉnh Nguyễn Văn Thứ,…Nhớ cái dáng vẻ khắc khổ, hệt nông dân của Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hồi, Ngô Thanh Bình khi đồng hành với chúng tôi trên đường tác nghiệp. Và nhớ những “cán bộ đường lối” đã tung hoành hàng nghìn cây số giúp cánh phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam kịp thời chuyển tải về tòa soạn những bức ảnh đẹp, những thước phim giá trị, những dòng tin hay về không khí của Ngày hội non sông từ Ngã ba Đông Dương, lên Đắk Glei, Đắk Nhoong, đến Sa Thầy… Các anh chị bỗng trở thành những nhà báo bất đắc dĩ nhưng vô cùng chuyên nghiệp!
Anh Nguyễn Viết Tôn - đồng nghiệp của tôi ở Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam - một gã khô như ngói mà cũng rưng rưng cảm động khi nhắc đến các “cán bộ áo hồng” Kon Tum. Anh Tôn bảo, “mình đi nhiều, biết cũng nhiều nhưng chẳng đâu làm mình mủi lòng như ở đây”! Không phải vì mọi sự giúp đỡ về phương tiện… mà trên hết là tinh thần cộng đồng trách nhiệm mà các anh chị trong chi nhánh đã chia sẻ với chúng tôi, với sự kiện trọng đại của đất nước. Có thể, với các anh chị, chuyện ấy là chuyện nhỏ nhưng với chúng tôi đó là thứ lớn lao vô cùng!
… và nhớ những “phù thủy” của các khoản vay nhỏ
Trong ký ức đẹp về chặng đường tác nghiệp ấy, chúng tôi may mắn được gặp những điển hình sử dụng vốn vay từ NHCSXH tỉnh Kon Tum.
Đó là chị Y Ly Sa, người dân tộc Ka Dong ở thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, Ngọc Hồi. Không ai trong chúng tôi nghĩ, đằng sau khuôn mặt trắng hồng và thân hình mảnh mai của người phụ nữ 28 tuổi là cả một nghị lực mạnh mẽ đã chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và vươn lên làm giàu trên chính quê hương.
Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum A Pớt, nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và dựng xây cuộc sống mới. Từ nguồn vốn này, đã có 213.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên, cải thiện cuộc sống; 370 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 15.500 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 9.000 hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. 48.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng… |
Từ hai bàn tay trắng, Y Ly Sa cùng chồng được vay 42 triệu đồng từ NHCSXH huyện Ngọc Hồi. Có vốn, Y Ly Sa lập tức đầu tư trồng 1ha cà phê - thứ cây gắn với đồng bào Ka Dong như một thứ bùa mê. Số vốn còn lại anh chị tậu thêm được một bò mẹ. Sau 6 năm, hai vợ chồng đã có trong tay một gia tài đáng nể. Đàn bò 6 con trị giá tới cả 80 triệu đồng; vườn cà phê đang thì xanh tốt; vườn sắn cho thu nhập mỗi năm 20 triệu đồng. Trong nhà bây giờ đã có của ăn của để, lại còn có cả một chiếc xe bán tải để chuyên chở sắn và mua sắm vật tư phục vụ sản xuất. Y Ly Sa bảo, “Nếu không có các anh chị ở NHCSXH cho vay vốn, động viên, hướng dẫn cả cách làm ăn, chúng em chắc vẫn trắng tinh như cánh ban rừng”.
Đó là ông A Luân, ở làng Giăng Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Chúng tôi ấn tượng với người đàn ông này bởi cái tính kiên trì đến lì lợm, bám trụ cùng vườn cà phê sau bao phen khô hạn.Ông A Luân bảo, đến muộn, nhưng mùa mưa năm nay ở vùng biên cũng đi sớm.Nắng ráo đã giúp những đồi cà phê nhanh ươm màu, chín rộ. Với 2ha cà phê vối đang trong thời kỳ kinh doanh ổn định, lại “được giá” nên gia đình có khả năng thu gần 150 triệu đồng.
Thấm thoát, năm nay đã là năm thứ 18, gia đình ông A Luân bén duyên với cây cà phê. Ngày ấy, ở vùng biên giới xa xôi, gian khổ, đường rẫy rất khó khăn, mùa mưa, không loại xe nào đi lại được, trừ U-oát “đặc chủng” của bộ đội biên phòng ra vào khu vực biên giới. Cũng thời điểm này, “tôi đã mạnh dạn vay 2,5 triệu đồng (tương đương với hơn 2 chỉ vàng) từ Ngân hàng phục vụ người nghèo - tiền thân của NHCSXH ngày nay để đầu tư trồng 2ha cà phê. Như các anh chị thấy đấy, giờ tôi không chỉ thoát nghèo, mà còn có “của dể dành”, ông Luân phấn khởi khoe.
Và còn nhiều lắm những gương mặt điển hình trong sử dụng vốn vay ưu đãi để thoát nghèo. Họ là những “phù thủy” của các khoản vay nhỏ, như chị Trần Thị Kim Hương ở thôn 2, xã Hòa Bình, TP Kon Tum. Với khoản vay 38 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gia đình chị cũng đã gây dựng được một gia tài nho nhỏ, một ngôi nhà kiên cố, ấm cúng với tương lai rộng mở phía trước. Đặc biệt, bên cạnh chị Hương, Y Ly Sa hay A Luân luôn có những người Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cần mẫn, năng động kết nối những khoản vay ưu đãi từ NHCSXH đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên khắp núi rùng Kon Tum. Tất cả cùng hòa vào bản hùng ca của đại ngàn Tây Nguyên, dệt nên một mảng màu tươi sáng trong Xuân mới - Xuân của yêu thương!
Bài và ảnh Vũ Thái
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Vĩnh Long
- » Tết này hộ mới thoát nghèo ở Hưng Yên vui hơn
- » Mang tiện ích đến với người dân
- » “Góp gió thành bão”
- » Làng nghề rộn rã đón Xuân
- » “Huy động vốn tốt, cho vay hiệu quả”
- » TP Hồ Chí Minh sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tín dụng chính sách
- » Hướng đến những mùa Xuân không còn nghèo khó
- » Lâm Đồng giảm nghèo từ tín dụng chính sách
- » Vốn chính sách “chắp cánh” ước mơ trên vùng núi