Thanh niên Điện Biên sử dụng vốn vay hiệu quả

14/02/2017
(VBSP News) Cùng với vận động đoàn viên thanh niên phát huy vai trò xung kích trong các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, thời gian qua Tỉnh đoàn Điện Biên đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ NHCSXH, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
Anh Điêu Văn Dưỡng ở bản Nghé Toong, phường Na Lay đang hướng dẫn công nhân làm gạch

Anh Điêu Văn Dưỡng ở bản Nghé Toong, phường Na Lay đang hướng dẫn công nhân làm gạch

Bà Dương Thị Hương - Trưởng Ban thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị, Tỉnh đoàn Điện Biên cho biết: Từ khi được NHCSXH ủy thác cho vay, Đoàn các cấp đã tiếp nhận và triển khai cho đoàn viên thanh niên nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế. Dư nợ ủy thác vốn vay thông qua Đoàn Thanh niên đến nay đạt trên 529 tỷ đồng với 19.000 lượt hộ vay. Để quản lý số vốn vay ủy thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo không thất thoát, lãng phí, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp với NHCSXH chỉ đạo cán bộ đoàn các cấp quản lý chặt chẽ số hộ, đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng vốn vay. Việc cho vay ủy thác đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều đoàn viên đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Thông qua hoạt động ủy thác, cán bộ Đoàn cũng nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên tại cơ sở. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức đoàn với thanh niên, nhất là trên địa bàn nông thôn. Nhờ vậy, hầu hết những trường hợp được vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương như phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ… với mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/hộ/năm.

Một trong những đoàn viên thanh niên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn là hộ anh Chu Công Khánh ở bản Chiềng An, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Năm 2008, nhờ vay vốn chương trình HSSV, Khánh hoàn thành khóa học tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật. Sau khi ra trường, vận dụng những kiến thức được học, Khánh thực hành phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình. Đến nay, ngoài 3.000m² ruộng, 100m² chuồng nuôi 50 - 80 con lợn thịt, anh còn đào 1.000m² ao thả cá giống, cá thịt, nhận khoanh nuôi và bảo vệ 5,3ha rừng. Trang trại của Chu Công Khánh tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/tháng và 5 lao động thời vụ, mỗi năm, gia đình anh Khánh thu về hàng trăm triệu đồng.

Một tấm gương tiêu biểu khác là anh Điêu Văn Dưỡng ở bản Nghé Toong, phường Na Lay, huyện Mường Lay. Năm 2004, với số vốn vay 3 triệu đồng, anh mua trâu về cày kéo. Sau khi chuyển về nơi tái định cư, anh Dưỡng đầu tư máy làm gạch không nung với công suất trên 3 vạn viên/tháng. Anh cho biết: Sau khi tái định cư, đất sản xuất ít, làm ruộng không đủ ăn, năm 2014 tôi đi tham khảo và học hỏi ở địa phương khác và thấy trên địa bàn thị xã thời điểm ấy có rất ít cơ sở sản xuất loại gạch này, tận dụng được khoảng đất trống của gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy làm gạch. Thu nhập trung bình sau khi trừ mọi chi phí của gia đình anh Dưỡng thu gần 200 triệu đồng/năm. Không chỉ gia đình anh ổn định kinh tế, xưởng gạch của anh Dưỡng còn tạo việc làm cho 6 lao động trên địa bàn với thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Để phát huy được hiệu quả vốn vay ủy thác, năm 2016, Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, đoàn thể nhằm trang bị thêm kiến thức về công tác ủy thác cho cán bộ tổ chức Đoàn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Ngoài ra, tổ chức Đoàn các cấp tổ chức nhiều buổi tham quan, học tập những mô hình SXKD có hiệu quả trong và ngoài tỉnh; học hỏi kinh nghiệm của những hội viên tiêu biểu về nghị lực vượt khó, những cách làm sáng tạo. Qua đó giúp hội viên tiếp cận được KHKT, kinh nghiệm quản lý kinh tế, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… từ đó vận dụng phù hợp vào từng mô hình phát triển kinh tế.

Tỉnh đoàn Điện Biên xác định thời gian tới phải cần tập trung củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ nhận ủy thác các cấp, qua đó phát huy hiệu quả vốn vay ủy thác cho đoàn viên thanh niên, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài và ảnh Lan Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác