Thêm đồng vốn, thêm nghề

22/02/2017
(VBSP News) Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp cho gần 15.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo.

Hộ nghèo ở Thừa Thiên - Huế vay vốn phát triển chăn nuôi phù hợp với thực tế từng địa phương

Hộ nghèo ở Thừa Thiên - Huế vay vốn phát triển chăn nuôi phù hợp với thực tế từng địa phương

Huy động đa dạng nguồn vốn

Điểm đặc trưng về địa hình của tỉnh Thừa Thiên - Huế là bao gồm 4 vùng miền núi, gò đồi, vùng đồng bằng ven biển và vùng đô thị, chính vì vậy công tác triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng phải năng động, linh hoạt, bám sát cơ sở mới mang lại hiệu quả. Từ nhận thức đó, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp và huy động sức mạnh tổng hợp từ các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội hưởng ứng tích cực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, giúp người dân sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách hợp lý theo đặc thù khác nhau về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, thực trạng hộ nghèo của từng vùng, tạo ra cơ hội tốt giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống.

Theo ông Trương Công Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, gần 15 năm qua, bên cạnh nguồn vốn từ Trung ương, chi nhánh đã tập trung, tích cực huy động các nguồn vốn khác nhau để cho vay chương trình giảm nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có nguồn vốn từ địa phương… Riêng năm 2016, UBND tỉnh đã chuyển 6 tỷ đồng vốn ngân sách tiết kiệm chi tiêu sang NHCSXH để giải quyết cho các đối tượng vay vốn. Cùng với đó tất cả các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, đặc biệt ở huyện ven biển Phú Vang còn có 3 xã, thị trấn tham gia trích ngân sách của xã uỷ thác cho NHCSXH và hỗ trợ 50% lãi suất cho số hộ nghèo đặc biệt khó khăn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Nhờ đa dạng các nguồn ở từng vùng, trong toàn tỉnh phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, vốn nên tín dụng chính sách đã mở ra cơ hội cho mọi đối tượng từng bước thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ vươn lên làm giàu trên quê hương. Đến hết năm 2016, dư nợ tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt hơn 2.100 tỷ đồng vốn, nguồn vốn đã góp phần giúp cho gần 15.000 hộ từ vùng miền núi ở các huyện Nam Đông, A Lưới, vùng ven biển Phú Lộc, Phú Vang đến cả vùng nội, ngoại đô của TP. Huế, thị xã Hương Thủy có cơ hội xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… phù hợp với thực tế địa phương.

Đặc biệt, có nhiều hộ là đồng bào DTTS đã được vay vốn chính sách, tiếp sức cho nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Đơn cử về xã miền núi Hương Sơn, huyện Nam Đông đã có 487 lượt hộ đồng bào dân tộc Cà Tu tiếp cận với hơn 12 tỷ đồng vốn chính sách phát triển các mô hình trồng rừng, thâm canh cây hồ tiêu, cao su, chăn nuôi bò, mở nghề dệt thổ cẩm, xưởng rèn nông cụ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhiều gia đình sử dụng vốn chính sách làm ăn phát đạt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như anh Đoàn Văn Khéo ở thôn Sơn Khê trồng 300 trụ hồ tiêu, nuôi đàn bò thịt 12 con; chị Trần Thị Mừng ở thôn Ta Ru khai hoang mở đất trồng rừng keo, vườn cao su…

Nói về đồng vốn chính sách, ông Trần Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn khẳng định, vay vốn chính sách không chỉ ưu đãi về lãi suất mà còn giải ngân tại xã nên người dân rất phấn khởi. “Xã Hương Sơn hiện có 96% nhà dân được xây kiên cố, bán kiên cố, không còn nhà ở tạm bợ, dột nát, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,85%. Hương Sơn cũng là xã đầu tiên của huyện Nam Đông đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ từ đồng vốn của NHCSXH”, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Chương khẳng định.

Cùng sự hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở những địa bàn vùng miền núi, chung tay xây dựng nông thôn mới, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian gần đây đã chủ động giúp bà con ngư dân vượt qua khó khăn do sự cố ô nhiễm môi trường biển để chuyển đổi ngành nghề sản xuất, ổn định cuộc sống. Tính đến nay, trên 1.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các xã vùng ven biển, bãi ngang đã sử dụng gần 86 tỷ đồng vốn chính sách bổ sung thực hiện chuyển đổi hiệu quả từ nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản sang trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đất liền. Riêng xã bãi ngang, ven biển Phú An, huyện Phú Vang có gần 200 hộ trước đây chuyên sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ven bờ và nuôi tôm nước lợ đã nhờ nguồn vốn ưu đãi  tạo được việc làm mới, ổn định cuộc sống. Anh Bùi Văn Dụng, 38 tuổi ở thôn An Truyền, xã Phú An cho biết, sau khi bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển lâm, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Vào thời điểm đó, may mắn sao được chính quyền, đoàn thể hướng dẫn, anh Dụng vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện mua con giống, xây chuồng kiên cố nuôi thỏ và cải tạo 5 sào đất cát thành khu vườn trồng hành tây, củ kiệu. Đến nay chuồng thỏ, vườn rau đã cho vợ chồng anh có việc làm đều đặn, thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Nguyện vọng của anh Dụng là được vay thêm vốn để có điều kiện mở rộng cơ ngơi trồng trọt, chăn nuôi.

Cùng xã Phú An, vợ chồng bà Trần Thị Lợi ở thôn Định Cư cũng làm nghề đánh cá gần bờ. Hiện gia đình chuyển sang nuôi lợn nái và gà ấp trứng từ nguồn vốn vay của NHCSXH giúp gia đình bà Lợi có mức thu nhập ổn định hơn nghề biển.

Phấn khởi trước việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả của hội viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú An, Đặng Thị Luyến cho biết, không chỉ riêng bà Lợi, hiện nay toàn xã có khoảng 600 hộ sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, trong đó có gần hơn 300 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại do sự cố môi trường biển nay đã được vay vốn chính sách chuyển đổi nghề. Địa phương và ngư dân mong muốn Nhà nước tạo điều kiện nâng mức vay cho vay vốn tạo sinh kế mới.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác