Đồng vốn nghĩa tình cho đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang

02/03/2017
(VBSP News) Nhiều năm qua, vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS ở tỉnh An Giang. Đời sống đồng bào ngày càng được nâng cao, no ấm.
Đồng vốn nghĩa tình cho đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang

Đồng vốn nghĩa tình cho đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang

An Giang là tỉnh có dân số đông nhất, diện tích đứng thứ 4 vùng ĐBSCL. Tỉnh có 4 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 26.565 hộ DTTS, chiếm 4,9% số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) là 7.295 chiếm 27,46% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; hộ cận nghèo là 1.067 hộ, chiếm 4,02% hộ cận nghèo toàn tỉnh. Đặc biệt, người dân tộc Khmer có cuộc sống tương đối khó khăn, do tập quán sinh sống ở vùng đồi núi. Sống tập trung nhiều ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nghề nghiệp chính của đồng bào là chăn nuôi, trồng trọt. Chính thời tiết và địa hình đặc thù này khiến người dân khá vất vả, thường xuyên lâm vào tình trạng mất mùa, không có vốn xoay vòng sản xuất. Việc “chạy ăn từng bữa” không còn là điều xa lạ với người dân nơi đây.

Theo Ban dân tộc tỉnh An Giang, thời gian qua, địa phương và các Sở, ngành đã phối hợp với NHCSXH các cấp lập danh sách, giải ngân vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng, nhờ vậy cuộc sống của bà con đồng bào DTTS đã có sự thay đổi đáng kể trong đời sống vật chất và tinh thần. Bà Nguyễn Thị Bảo Trân - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, khẳng định: “Cùng với các chính sách khác, việc tạo điều kiện cho người dân tộc tiếp cận vốn vay từ NHCSXH đã làm thay đổi cuộc sống người dân, tiếp thêm sức mạnh để họ vươn lên làm ăn, thoát nghèo bền vững. Từ đó, người dân nhận thức đầy đủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước”.

Một trong những gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi là hộ bà Neáng Phát, người dân tộc Khmer, ngụ ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn. Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, có sức lao động nhưng không có vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt nên cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Được NHCSXH huyện Tri Tôn cho vay 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để chăn nuôi bò. Từ 1 con bò giống ban đầu bà nhân giống hằng năm bán bê con. Từ đó gia đình đã dần tích luỹ được vốn, cuộc sống được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Tương tự, chị Néang Sóc Mên, người dân tộc Khmer, ngụ xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn phấn khởi khoe: “Gia đình tôi có nghề truyền thống là nấu đường thốt nốt. Tuy nhiên, cuộc sống của các thành viên trong nhà rất bấp bênh, vì không đủ vốn sản xuất, khi làm khi nghỉ. Gần đây, được Nhà nước hỗ trợ cho vay tiền NHCSXH, tôi đã có thể mua nồi, dụng cụ nấu, mở rộng quy mô sản xuất. Không chỉ sản xuất từ cây thốt nốt của gia đình, tôi còn thuê thêm lao động nhàn rỗi làm việc. Nhờ vậy, sản lượng đường mỗi ngày tăng thêm, mang lại thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều, không còn lo thiếu thốn nữa”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang, Trần Ngọc Lợi cho biết: Chính sách của Chính phủ về cho vay đối với đồng bào DTTS thể hiện rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đối tượng đặc biệt này, giúp họ thoát nghèo, nâng cao dân trí, giảm sự cách biệt so với người Kinh. Một ưu điểm rất lớn của đồng bào DTTS ở tỉnh An Giang là rất tôn trọng ý kiến của người đứng đầu tôn giáo, phum sóc nơi họ ở. Họ giữ uy tín trong việc hoàn trả nợ vay, nếu có ý kiến của người đứng đầu. Vì vậy, ngân hàng thường xuyên gắn kết với địa phương và các vị chức sắc trong cộng đồng DTTS, nâng cao hiệu quả công tác cho vay và thu hồi nợ.

Bài và ảnh Gia Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác