Đồng hành xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên

22/02/2017
(VBSP News) Tổng dư nợ các chương trình cho vay chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến hết năm 2016 đạt 2.684 tỷ đồng với 70.515 hộ vay. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 20,5% (năm 2010) xuống còn 11,21% (năm 2016). Qua đó góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn vốn ưu đãi đã giúp hộ nghèo ở Thái Nguyên có điều kiện mở rộng diện tích trồng cây ăn quả

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp hộ nghèo ở Thái Nguyên có điều kiện mở rộng diện tích trồng cây ăn quả

Thực hiện Cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thái Nguyên có 140/180 xã được đầu tư xây dựng nông thôn mới. NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, điều kiện sống của người dân với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chi nhánh đã tập trung thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách đến 140 xã xây dựng nông thôn mới.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2016 đạt 2.684 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tại 140 xã xây dựng nông thôn mới là trên 2.462 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 92% tổng dư nợ. “Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã có tác dụng thúc đẩy SXKD, khai thác có hiệu quả về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 40 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016, qua kết quả rà soát chấm điểm của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, Thái Nguyên có thêm 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đăng ký về đích năm 2016 đều đạt kế hoạch”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, Lê Văn Hồng đánh giá.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, Nguyễn Văn Thủy cho biết: “Địa phương chúng tôi xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Do vậy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể trong xã đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay một cách tốt nhất. Các hoạt động khuyến nông, dạy nghề được đẩy mạnh để hộ vay vốn biết cách sử dụng hiệu quả”.

Tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đạt trên 324 tỷ đồng với 13.465 hộ vay. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp gần 5.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, đầu tư vào phát triển sản xuất; hỗ trợ gần 1.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề; xây dựng mới và cải tạo nâng cấp được trên 6.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Từ nguồn vốn này đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD, tạo việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2016 xuống còn 17,36%.

Đối với xã Hóa Thượng - xã “về đích” xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 của huyện Đồng Hỷ, cùng với các tổ chức hội, đoàn thể khác, Hội Nông dân xã nhận ủy thác từ NHCSXH huyện trên 3 tỷ đồng. Hơn 200 hội viên vay vốn đều có phương án sản xuất hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ở làng miến đặc sản Việt Cường, có trên 60 hội viên được vay vốn ưu đãi để đầu tư mua máy, mua nguyên liệu chế biến. Gia đình ông Lương Văn Cường trước đây là hộ khó khăn, thông qua Hội Nông dân gia đình được vay 20 triệu đồng để mua máy, mua gạo về chế biến và đã tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho 4 lao động trong gia đình. Gia đình ông Đặng Quang Thân, trước đây sản xuất nhỏ, từ nguồn vốn vay đã vươn lên hộ làm ăn lớn của làng nghề, thường xuyên tạo việc làm cho 4 - 5 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Hay như gia đình bà Dương Thị Mừng ở xóm Đông Thịnh, được vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo để mua trâu lấy sức kéo, nhờ đó việc trồng trọt của gia đình đỡ vất vả, năng suất cây trồng cao hơn.

Theo đánh giá của bà Phó Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần tích cực giúp xã đẩy nhanh việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân từ 13 triệu đồng/người năm 2011 đã tăng lên 29 triệu đồng/người năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2% theo tiêu chuẩn mới.

Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn 370,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 141 tỷ đồng, ngân sách địa phương 229,5 tỷ đồng. “Cùng với nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, thêm một năm NHCSXH đồng hành cùng Thái Nguyên trong chương trình xây dựng nông thôn mới với một tâm thế mới, một quyết tâm mới”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, Lê Văn Hồng quả quyết.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác