Tín dụng chính sách giúp làng nghề phát triển

02/03/2017
(VBSP News) Để phần nào đáp ứng nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách giúp họ thay đổi cuộc sống, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tại TX Phổ Yên (Thái Nguyên) đã và đang uỷ thác vốn cho NHCSXH để bổ sung nguồn lực cho người dân vay vốn tạo việc làm, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Ngọc Quyến

Cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Ngọc Quyến

Với sự hình thành và phát triển mạnh của nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Tiên Phong, TX Phổ Yên, những năm gần đây, người dân trong xã giàu lên trông thấy, đồng thời giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động tại địa phương và vùng lân cận.

Chúng tôi đến thăm làng nghề mộc Giã Trung. Từ đầu làng đã nghe tiếng máy cưa, máy xẻ ầm ầm, mùi gỗ hương thơm ngát từ gần 300 xưởng mộc. Giã Trung vốn là làng thuần nông, người dân trồng ngô, lúa là chủ yếu. Hơn chục năm trước, gần 20 thanh niên trong làng lên Đồng Kỵ (Bắc Ninh) vừa làm thuê vừa học nghề trong các xưởng mộc.

Tại gia đình anh Nguyễn Ngọc Quyến, dù đồng hồ đã điểm 12h trưa, trong xưởng, thợ vẫn miệt mài người xẻ gỗ, người đánh ráp cho những khung giường vừa đóng. Anh Quyến cho biết: “Tôi có 2 xưởng gỗ, với 10 lao động, chủ yếu làm giường gỗ hương xuất khẩu sang Trung Quốc. Mỗi lao động lương trung bình 10 triệu đồng/tháng. Số tiền 50 triệu đồng được vay từ NHCSXH mua gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho bà con khó khăn trong làng, xã”.

Nói về việc vay vốn, bà Đoàn Lệ Thuỷ - Giám đốc NHCSXH TX Phổ Yên cho biết: “Hầu hết các xưởng mộc đều vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, với mức vay 50 triệu đồng/hộ gia đình. Nhu cầu vay vốn lớn nhưng nguồn vốn Trung ương có hạn, phần lớn vốn được huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn và ngân sách địa phương uỷ thác để cho vay”.

Từ khi Nhà máy Samsung đi vào hoạt động khiến nhiều hộ dân nhường đất để xây dựng khu công nghiệp. Nhiều lao động không đủ điều kiện làm công nhân (không đủ hoặc quá tuổi) mất đất sản xuất. NHCSXH cho người dân vay vốn học nghề, mua nguyên vật liệu chuyển đổi sản xuất. NHCSXH TX Phổ Yên đã cùng chính quyền tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc với hơn 400 doanh nghiệp. Ngay khi hội nghị kết thúc đã có 15 doanh nghiệp cam kết chuyển vốn uỷ thác cho NHCSXH để cho người dân vay vốn sản xuất.

“Tiền doanh nghiệp chuyển sang ngân hàng không tính lãi. Việc trích một phần vốn để NHCSXH cho người nghèo vay là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng hành cùng người nghèo vượt khó. Có doanh nghiệp chuyển tới 5 tỷ đồng sang NHCSXH để người nghèo vay vốn”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Tiên Phong có 11 thôn, 27 xóm. Ngoài làng mộc mỹ nghệ thôn Giã Trung, xã còn có hai làng nghề mây tre đan truyền thống ở thôn Hảo Sơn và Thù Lâm. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, mấy năm nay nghề mộc lan ra toàn xã. Sau Giã Trung, thôn Thù Lâm hiện giờ cũng có gần 70 cơ sở sản xuất đồ mộc.

“Năm 2016, dư nợ vốn vay ưu đãi trên địa bàn xã gần 30 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ vốn cho người dân phát triển SXKD, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, xã có gần 400 cơ sở SXKD đồ gỗ mỹ nghệ, hơn 700 hộ buôn bán lẻ và 10 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động. Những con số này chưa dừng lại…Vùng đất ATK II đang cần lắm vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH”, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong, Nguyễn Văn Giáp cho hay.

Có thể khẳng định phát triển làng nghề và duy trì phát huy nghề truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng; phát triển nghề truyền thống không chỉ tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác