“Cần câu cơm” hiệu quả của dân nghèo vùng cao

02/03/2017
(VBSP News) Nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi của NHCSXH hiệu quả, hàng nghìn hộ dân vùng cao huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã có điều kiện mua thêm trâu, bò phát triển kinh tế trang trại, gia trại, nâng cao thu nhập.
Anh Nguyễn Anh Tuấn vay vốn ưu đãi mua trâu về nuôi

Anh Nguyễn Anh Tuấn vay vốn ưu đãi mua trâu về nuôi

Có bò, trâu nhờ vốn vay ưu đãi

Anh Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Hợp Hòa, xã Ninh Lai là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi vươn lên thoát nghèo. Anh Tuấn tâm sự: “Vợ chồng tôi mới cưới nhau ra ở riêng, vốn liếng không có gì. Chúng tôi bảo nhau chăm chỉ làm ăn, nhưng nếu chỉ trông chờ vào nương lúa thì chẳng khá lên được. Muốn chăn nuôi thêm để nâng cao thu nhập lại không có vốn”.

Đầu năm 2016, anh Tuấn được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Có vốn, anh đầu tư mua một cặp trâu mẹ con và một con bò về nuôi. “Đến nay, trâu mẹ đã đẻ thêm 1 nghé cái, nâng tổng số đàn trâu lên 3 con. Con nghé này tôi sẽ giữ lại nuôi để nhân đàn. Vốn vay của NHCSXH là “cần câu cơm” hiệu quả cho những người nghèo như gia đình tôi”, anh Tuấn phấn khởi cho biết.

Theo anh Tuấn, sở dĩ anh đầu tư nuôi trâu, bò là bởi đây là giống đại gia súc dễ nuôi, ít bệnh tật, có sức chịu đựng tốt với khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao như xã Ninh Lai. Bên cạnh đó, người nuôi cũng sử dụng trâu bò làm sức kéo rất thuận tiện.

Phối hợp chặt chẽ chuyển tải vốn

Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hợp Hòa do Hội Nông dân xã Ninh Lai quản lý có dư nợ là 880 triệu đồng với 38 hộ vay. Điểm đáng chú ý là nhiều năm liền tổ không có nợ quá hạn. Chia sẻ cách quản lý tín dụng ưu đãi hiệu quả, anh Khương Văn Bình - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết: “Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hợp Hòa thực hiện chặt chẽ việc bình xét, lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng vốn vay ưu đãi. Trước và sau giải ngân vốn vay, các Tổ trưởng phải thường xuyên bám sát, gần gũi hộ vay để tư vấn, định hướng họ chọn cách làm ăn thích hợp và động viên họ tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi do các cấp hội tổ chức”.

Ông Hoàng Văn Mão - Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Dương cho biết, NHCSXH huyện Sơn Dương đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách, trong đó chương trình hộ nghèo có dư nợ lớn nhất là 154,8 tỷ đồng. Hơn 98% tổng dư nợ được thực hiện theo phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể. Phương thức này đã gắn kết 4 nhà: Ngân hàng - chính quyền - tổ chức chính trị - xã hội - Tổ tiết kiệm và vay vốn với 4 lợi ích. Cụ thể là, cùng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách, các tổ chức hội, đoàn thể có thêm điều kiện củng có tổ chức mình; năng lực của cán bộ hội, đoàn thể được nâng cao; tổ chức hội, đoàn thể tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Thu Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác