Tiếp sức cho phụ nữ nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách
“Tiếp sức” cho phụ nữ nghèo
Chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Chu Quyến 2, xã Chu Minh, huyện Ba Vì (Hà Nội) nhìn lên căn nhà xây kiên cố còn thơm mùi vôi vữa mới và khoe: “Cuộc sống gia đình từng bước ổn định rồi. Con cái được học hành. Trong nhà đã sắm đủ các vật dụng cần thiết…”. Chị chia sẻ, chỉ 3 năm trước, gia đình vẫn thuộc hộ nghèo trong thôn, nguồn thu nhập chính trông vào mấy sào rau màu. Hễ có người ốm đau hoặc việc cần kíp, chị lại tất tả vay mượn khắp nơi. “Mình có sức lao động, có ruộng vườn, nhưng vẫn loay hoay với cái nghèo, cũng bởi không biết xoay xở đồng vốn đâu ra để mở rộng canh tác, chăn nuôi”, chị Hồng bùi ngùi nhớ lại.
Năm 2014, chị tham gia Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Chu Quyến 2. Nguồn vốn đầu tiên chị vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Ba Vì. Có vốn trong tay, chị mua 2 con lợn nái, đầu tư cải tạo chuồng trại. Nhờ cần mẫn chăn nuôi, tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, gia đình chị đã từng bước gây đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi đến nay đã có trong tay đàn lợn 80 con. Ngoài ra, gia đình tập trung sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường. Nhìn cơ ngơi trị giá hàng trăm triệu đồng, ai cũng mừng cho hành trình “thoát nghèo” của chị.
Chị Nguyễn Thị Hiền - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Chu Quyến 2, cho biết: Tổ hiện có 47 thành viên cùng tham gia sinh hoạt, vay hơn 900 triệu đồng từ NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, lo cho con cái học hành, giải quyết thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho từng hộ… Định kỳ sinh hoạt tổ, chị em cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sử dụng vốn, kỹ thuật nuôi trồng, tìm đầu ra cho sản phẩm… Đặc biệt, tổ cũng mạnh dạn đưa 4 hộ gia đình có người nhiễm HIV, người sau cai nghiện tham gia sinh hoạt và được vay vốn với số tiền 120 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ.
Để tiếp sức cho phụ nữ nghèo, các cấp Hội Phụ nữ trong thời gian qua đã luôn quan tâm, chú trọng đa dạng hóa nguồn lực, tạo sinh kế giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chị Phùng Thị Thúy Hằng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chu Minh, huyện Ba Vì chia sẻ: Xã có hơn 1.000 hội viên, trong đó vẫn còn 52 hộ nghèo. Ngoài nguồn vốn vay từ NHCSXH, Hội đã đẩy mạnh khai thác nguồn nội lực, phát động chị em chung tay tiết kiệm, để tạo ra nguồn vốn cho chị em nghèo vay với mức từ 30 đến 50 triệu đồng/hộ/năm. Hoạt động tiết kiệm vừa tạo được sự đa dạng nguồn vốn vay, vừa giúp chị em nâng cao được nhận thức về việc sử dụng đồng vốn, tiết kiệm chi tiêu và đầu tư đồng vốn sao cho hiệu quả nhất để nâng cao đời sống gia đình.
Chị Hoàng Thị Hạnh - Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì, cho biết: Hoạt động cho vay ủy thác qua Hội Phụ nữ trên địa bàn luôn được đánh giá là tốt nhất trong số 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay của NHCSXH. Tham gia hoạt động ủy thác tín dụng, Hội Phụ nữ huyện đang quản lý 219 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 7.000 hộ còn dư nợ trên 167 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng tốt, không phát sinh nợ quá hạn. Chị em thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ và tham gia tích cực việc tiết kiệm định kỳ hàng tháng.
“5 nhất” trong ủy thác vay vốn qua Hội LHPN Việt Nam
Là tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất từ NHCSXH với 61.406 tỷ đồng, chiếm 39,54%, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ; đồng thời, là nguồn lực thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đã luôn chú trọng lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn như chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề gắn với hướng dẫn tạo việc làm tại chỗ, kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của Hội cũng được chỉ đạo đẩy mạnh, trong đó chú trọng các vấn đề về đào tạo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao ý thức trách nhiệm. Nhờ đó, các cấp hội đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, sáng tạo, đổi mới trong cách làm; chú trọng công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay vốn. Các địa phương đã gắn kết vai trò, trách nhiệm của cán bộ phụ nữ trong công tác vận động, hỗ trợ thay đổi nhận thức và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của hội viên phụ nữ. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho hàng chục nghìn cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn do Hội quản lý. Nhờ đó, việc thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp hội đạt hiệu quả cao. Hoạt động ủy thác của Hội LHPN Việt Nam trong những năm qua luôn đáp ứng “5 nhất”: Quản lý dư nợ lớn nhất (61.406 tỷ đồng); Tăng trưởng hàng năm nhiều nhất; Quản lý nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn nhất (72.090 tổ); Quản lý số hộ vay vốn lớn nhất (2.647.000 hộ); Chất lượng tín dụng tốt nhất, nợ quá hạn chiếm 0,27%, thấp nhất trong các đoàn thể.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, một trong những định hướng của Hội trong thời gian tới là đẩy mạnh việc lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của cán bộ hội cơ sở, Tổ tiết kiệm và vay vốn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay…; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho cán bộ các cấp và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đẩy mạnh công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp. Duy trì hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Phạm Việt Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Hưng Yên
- » “Cần câu cơm” hiệu quả của dân nghèo vùng cao
- » Tín dụng chính sách giúp làng nghề phát triển
- » Cần “cú hích” về vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
- » Đồng hành cùng phụ nữ vượt khó, làm giàu
- » Đồng vốn nghĩa tình cho đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang
- » Đồng hành xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên
- » Thêm đồng vốn, thêm nghề
- » Hộ nghèo hết bán lúa non
- » Người nghèo ở Sóc Trăng vay vốn phát triển kinh tế gia đình