Gia Lâm tiếp sức làng nghề
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Gia Lâm, tính đến nay tổng dư nợ đạt trên 250 tỷ đồng, với 11.9400 hộ còn dư nợ. Trong 7 chương trình cho vay, chương trình cho vay giải quyết việc làm đứng đầu bảng 71.493 triệu đồng, tiếp đến là cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 63.745 triệu đồng, thứ 3 cho vay hộ mới thoát nghèo 60.422 triệu đồng… Như vậy, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ở Gia Lâm khá lớn. Điều đáng nói hơn, trong số 2.652 hộ được vay vốn thì nguồn vốn Trung ương chỉ là 13 tỷ đồng, còn lại hơn 58 tỷ đồng từ ngân sách địa phương (gồm 52,4 tỷ đồng thành phố chuyển về, gần 5,6 tỷ đồng từ ngân sách huyện và 1,1 tỷ đồng của MTTQ huyện chuyển sang). Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân qủa quyết: “Dù có thiếu cũng phải dành một phần vốn cho NHCSXH huyện, với Gia Lâm NHCSXH không chỉ là kênh tạo lập sinh kế bền vững của người nghèo mà còn là kênh tín dụng tiếp sức hiệu quả cho ngành nghề vùng ven đô phát triển trong thời kỳ mới”. Năm 2017 huyện đã bổ sung thêm 500 triệu đồng từ ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm.
Gia Lâm là huyện ngoại thành, nằm ở cửa ngõ phía đông của thủ đô Hà Nội. Huyện có 20 xã và 2 thị trấn, đang trên đường đô thị hóa khá nhanh. Mấy năm nay, vốn vay ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, như: vùng rau an toàn các xã Vân Đức, Yên Viên, Yên Thượng, Lệ Chi, Đặng xá; vùng trồng hoa, cây ăn quả, cây cảnh ở xã Đông Dư, Đa Tốn, Kim Lan. Đến bất cứ xã, thôn nào cũng đều thấy dấu ấn của NHCSXH, đặc biệt đối với những làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, chế biến dược liệu Ninh Hiệp; nghề dát vàng, bạc và may đồ da, giả da ở Kiêu Kỵ.
Theo giới thiệu, chúng tôi về xã Kiêu Kỵ. Tiếp khách tại nhà, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Vòng, năm nay 62 tuổi, cho biết: làm quỳ vàng chưa bao giờ là công việc đơn giản. Để làm ra được một lá quỳ phải mất tới 40 công đoạn lớn nhỏ, làm thủ công ở mọi khâu. Một chỉ vàng, nghệ nhân Kiêu Kỵ có thể đập mỏng thành 980 lá vàng có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp dát vàng của Nhật. Chính vì vậy, cho đến nay, Kiêu Kỵ là làng “độc nhất vô nhị” trong cả nước làm nghề này và người dân sống được với nghề. Hầu hết các làng nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối hoặc làm hàng sơn mài trong nam, ngoài bắc là bạn hàng thân thiết của Kiêu Kỵ. Không những xưa mà gần đây, các họa sỹ trang trí những công trình kiến trúc lớn cũng đã tìm đến vàng quỳ Kiêu Kỵ dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác; các Di sản văn hóa, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An, cả Văn Miếu Quốc Tử Giám… càng không thể thiếu vàng quỳ, bạc quỳ.
Hiện nay ở Kiêu Kỵ có hơn 100 hộ làm nghề dát vàng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Theo ông Vũ Danh La - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ, do đặc điểm của nghề gắn với thế giới tâm linh, lương lao động ở làng nghề (4 - 5 triệu đồng/người) được trả 1 tháng 2 lần, vào ngày rằm (15 âm lịch) và ngày 30. Năm 2017, Hội nhận ủy thác của NHCSXH hơn 6 tỷ đồng, toàn xã hơn 400 hội viên còn dư nợ. Các hộ ở làng nghề như ông Nguyễn Xuân Tuyến, bà Chu Thị Chung cùng ở đội 2, mỗi hộ được vay 40 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm và 12 triệu đồng chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. “Nhờ tín dụng chính sách tiếp sức, có tiền trả lương người lao động kịp thời, có nước sạch để dùng chúng tôi yên tâm sản xuất”, bà Chung tâm sự.
Khác với nghề dát vàng, nghề may da phát triển khá nhanh. Kiêu Kỵ hiện có khoảng 70 hộ sản xuất các mặt hàng may da, góp phần giải quyết việc cho trên 1.000 lao động của địa phương và các khu vực lân cận. Theo thống kê của UBND xã Kiêu Kỵ, mỗi năm trung bình làng nghề sử dụng trên 400.000m2 nguyên liệu da và vải, sản xuất ra khoảng 3 triệu sản phẩm: cặp, ba lô, túi xách, ô dù, nhà nghỉ dã ngoại bằng nguyên liệu giả da, trên 1.500 đôi dày dép da. Vài năm gần đây một số cơ sở sản xuất có quy mô lớn, đã nhận được đơn hàng của một số thương hiệu lớn, như Honda, Thế giới di động, FPT… “Mong rằng sẽ có thêm nhiều vốn vay giải quyết việc làm, để sản phẩm làng nghề Kiêu Kỵ không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thế giới”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ ao ước.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn Thanh niên nhận ủy thác vốn vay ưu đãi của NHCSXH trên 20.000 tỷ đồng
- » Về nơi một thời hoa lửa
- » Kinh nghiệm trong quản lý vốn vay ưu đãi từ NHCSXH là vô cùng quý giá để chúng tôi học tập
- » Tặng quà các gia đình liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma
- » Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan của Bangladesh thăm và làm việc tại NHCSXH
- » Đồng vốn nặng nghĩa tình
- » Vốn chính sách “kéo” nghề về vùng nắng lửa
- » Giúp thương binh, bệnh binh vượt lên thương tật, làm giàu
- » CCB có thu nhập tiền tỷ nhờ cải tạo đồng hoang