Kinh nghiệm trong quản lý vốn vay ưu đãi từ NHCSXH là vô cùng quý giá để chúng tôi học tập

29/07/2017
(VBSP News) Đó là khẳng định của ông Md.Abul Khaer - Giám đốc Trung tâm đào tạo và Truyền thông của Tổ chức DISA trong chuyến công tác, học tập kinh nghiệp và làm việc với NHCSXH trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua.
Ông Vũ Minh Thường (thứ 3 từ trái qua) giới thiệu với Đoàn công tác của Tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan về giống ổi mới được ông đầu tư từ vốn vay NHCSXH

Ông Vũ Minh Thường (thứ 3 từ trái qua) giới thiệu với Đoàn công tác của Tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan về giống ổi mới được ông đầu tư từ vốn vay NHCSXH

Trong chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Việt Nam trong những ngày vừa qua, Đoàn công tác của Tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan của Bangladesh đã được NHCSXH giới thiệu đi thực tế tham quan, học tập kinh nghiệm các điển hình vay vốn và phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi tại TP Hà Nội và Quảng Ninh.

Tại Quảng Ninh, Đoàn đến thăm hộ gia đình ông Vũ Minh Thường, thôn Đồng Diễn, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ. Từ một gia đình hộ nghèo, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm ăn, năm 2008 gia đình ông được vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo từ NHCSXH để đầu tư trồng 200 cây bưởi da xanh, hơn 100 cây thanh long ruột đỏ, 100 cây ổi và nuôi gà thả vườn. Với bản tính cần cù, chịu khó cùng với việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi, sản xuất đến năm 2012 gia đình ông đã thoát nghèo. Năm 2015, ông lại tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và đầu từ chăn nuôi, đến nay gia đình ông đã trở thành hộ khá giả được bà con trong vùng học tập làm theo.

Những năm qua, hệ thống NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm ở TP Hà Nội đã và đang mang đến cơ hội cải thiện đời sống người dân. Trong chuyến công tác của tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan mới đây, đoàn đã đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nụ ở thôn Hà Tân, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), vay vốn chương trình giải quyết việc làm mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đoàn đã tới thăm mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình chị Nguyễn Thị Nụ

Đoàn đã tới thăm mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình chị Nguyễn Thị Nụ

Trước đây, gia đình chị Nụ kinh tế khó khăn. Hai vợ chồng chị bươn chải làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Tháng 4/2017, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ thôn, chị được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để chăn nuôi bò sữa. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, đến nay, chị đã phát triển đàn bò lên 10 con, hiện đàn bò đã bắt đầu cung cấp sữa, hứa hẹn một tương lai không xa sẽ mang đến thu nhập cao cho gia đình chị.

Trò chuyện với Đoàn công tác, chị Nụ cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư phát triển mở rộng chăn nuôi và cho các con ăn học. Nếu không có nguồn vốn vay này, gia đình tôi cũng không biết đến bao giờ mới có vốn đầu tư chăn nuôi bò”.

Tại đây, ông Md Abul Kalam Azad - Quản lý chương trình của Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan cho rằng việc NHCSXH cho vay đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hết sức hiệu quả, những mô hình vay vốn và phát triển kinh tế như thế này rất đáng được học tập, nhân rộng và kinh nghiệm trong việc quản lý, chuyển tải vốn vay là bài học để chúng tôi có thể áp dụng trong tương lai ở đất nước Bangladesh.

Hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần bánh sữa Ba Vì được các thành viên trong Đoàn công tác đánh giá cao

Hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần bánh sữa Ba Vì được các thành viên trong Đoàn công tác đánh giá cao

Đến thăm Công ty Cổ phần bánh sữa Ba Vì ở thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì do ông Đào Công Trường làm Giám đốc. Năm 2014, công ty được vay 300 triệu đồng vốn GQVL của NHCSXH để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Anh Trường tâm sự: “Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, công ty của anh có điều kiện mua thiết bị, mở rộng nhà xưởng sản xuất. Từ đó, công ty tạo công việc thường xuyên cho 50 lao động. Mức lương hàng tháng công ty trả cho người cao nhất là 8 triệu đồng, thấp nhất là 3 triệu đồng”.

Qua lời giới thiệu của Giám đốc Đào Công Trường với Đoàn công tác của tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan về những khó khăn của công ty từ ngày đầu thành lập, nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, đến nay công ty đã lớn mạnh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động… trên khuôn mặt của các thành viên Đoàn công tác không giấu nỗi sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ về sự phát triển của công ty và hiệu quả mà vốn vay ưu đãi mang lại.

Ông Md.Abul Khaer - Giám đốc Trung tâm đào tạo và Truyền thông của Tổ chức DISA khẳng định rằng, các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai là kênh tín dụng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, nâng cao trình độ. Nhờ được vay vốn từ NHCSXH và tiếp xúc với KHKT nên vị thế của người nghèo tại Việt Nam đã được nâng cao. Đây cũng là kiến thức cần có, là tiền đề cho những người hoạch định chiến lược phát triển kinh tế vi mô tại Bangladesh học tập.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác