Thanh Ba: Hạn chế tái nghèo
Thanh Ba luôn chú trọng tới công tác giảm nghèo, huyện coi đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 21,6% năm 2011, xuống còn 8,7% năm 2015 theo tiêu chí cũ. Tuy vậy, cuối năm 2015, rà soát, đánh giá, xác định hộ nghèo theo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Ba lại tăng lên 17,6% (tương đương với 5.725 hộ nghèo). Trước yêu cầu mới, huyện đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo giảm nghèo, căn cứ vào tình hình thực tế, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng xã. Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2016 - 2020, Thanh Ba đặt mục tiêu phải giảm ít nhất từ 1,7 - 2% hộ nghèo, thực tế đạt 1,9%. Cụ thể, cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của Thanh Ba là 15,7%.
Theo Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thanh Ba Nguyễn Văn Hải, huyện đã và đang thực hiện tổng thể nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững. Trong đó, ưu tiên số một vẫn là thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo cơ hội cho họ thoát nghèo bền vững. Về nông nghiệp, toàn huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con giống mới năng suất, chất lượng cao vào nuôi, trồng. Hiệu quả thể hiện rõ ở xã Lương Lỗ. Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, xã đã chuyển đổi đúng hướng cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết việc làm. Hiện nay, Lương Lỗ là một trong những xã có người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện, thu nhập bình quân đạt trên 16 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,8%. Là 1 trong 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện.
Thanh Ba đã quy hoạch 3 tiểu vùng: Vùng đồng bằng, vùng trũng ven sông và vùng đồi để có thể khai thác tối đa các thế mạnh của từng vùng, làm tiền đề cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Cùng với sản xuất, để đạt mục tiêu năm 2017 tiếp tục giảm thêm 2,5% hộ nghèo, Thanh Ba đang tranh thủ những lợi thế sẵn có giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Một số cụm công nghiệp trên địa bàn, như: Cụm công nghiệp xã Đỗ Sơn, Cụm công nghiệp phía Nam đang thu hút khoảng 2.000 lao động. Huyện đang đầu tư xây dựng thêm Cụm công nghiệp Bãi Ba tại xã Đông Thành, để đón các doanh nghiệp chuyên về chế biến lâm sản, dệt may, điện tử… hứa hẹn cơ hội tạo việc làm cho nhiều lao động. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương có thế mạnh, như: Chế biến chè, cơ khí huyện đã đưa ra nhiều biện pháp kích cầu, như tạo điều kiện về mặt bằng, vốn… giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Đồng hành với hướng giảm nghèo của huyện: Làm đâu chắc đó, tránh tái nghèo, dư nợ NHCSXH mấy năm nay liên tục tăng. Theo Lãnh đạo NHCSXH huyện Thanh Ba: “Đến nay cơ bản những gia đình nghèo cần vốn phát triển sản xuất đều được vay vốn”. Năm 2016, đơn vị đã cho trên 2.100 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách vay trên 76 tỷ đồng. Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Thanh Ba đến nay đạt trên 200 tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn vốn vay ưu đãi đã được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, giúp các hộ nghèo từng bước ổn định đời sống. Gia đình anh Nguyễn Tiến Cừ ở khu 3, xã Thái Ninh là một hộ nghèo “thâm niên”. Đầu năm 2016, sau khi rà soát hộ nghèo, biết được nguyên nhân kinh tế gia đình khó khăn do thiếu vốn sản xuất, nên chính quyền đã hướng dẫn anh làm hồ sơ đề nghị được vay vốn từ NHCSXH. Anh được vay 50 triệu đồng hộ nghèo. Có vốn, anh mua bò sinh sản, lợn và trồng trọt. Sau hơn một năm chăm sóc đàn bò bắt đầu sinh sản, đàn lợn hơn 2 chục con trên đà phát triển, cộng thêm mảnh đồi đang trồng keo xanh tốt… thắp lên hy vọng sớm thoát nghèo bền vững của gia đình anh Cừ.
Khu 1, thị trấn Thanh Ba là khu đặc biệt khó khăn. Nguồn thu nhập chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, một số làm dịch vụ thương mại nhưng thu nhập không cao. Gia đình chị Nguyễn Thị Luân nhiều năm liền nằm trong diện hộ nghèo, dù xoay xở đủ nghề nhưng vẫn không đủ ăn. Hai vợ chồng trẻ sức khỏe dư thừa, nhưng thiếu vốn phát triển sản xuất, nên việc làm bấp bênh. Năm 2014, biết được thông tin về xuất khẩu lao động, anh chị bàn nhau cùng đi học tiếng để sang Đài Loan làm việc. Được NHCSXH cho vay 70 triệu đồng, vay thêm một ít từ anh em họ hàng, vợ chồng chị Luân đã sang Đài Loan làm việc tại nhà máy đông lạnh với thu nhập (sau khi đã trừ chi phí) 20 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn thu ổn định, đến nay vợ chồng chị Luân không những trả hết nợ ngân hàng, mà còn có vốn gửi về quê mở rộng chuồng trại chăn nuôi, san lấp mặt bằng trồng cây ăn quả. Theo Trưởng phòng LĐTB&XH huyện: Vợ chồng chị Luân chỉ là 2 trong số 320 lao động của huyện Thanh Ba hiện đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. “Công tác xuất khẩu lao động là một trong những biện pháp giảm nghèo nhanh và hiệu quả. Được NHCSXH cho vay vốn, huyện đang tích cực mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Văn Hải khẳng định.
Bài và ảnh Hồ Quốc Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Đoàn Thanh niên nhận ủy thác vốn vay ưu đãi của NHCSXH trên 20.000 tỷ đồng
- » Gia Lâm tiếp sức làng nghề
- » Về nơi một thời hoa lửa
- » Kinh nghiệm trong quản lý vốn vay ưu đãi từ NHCSXH là vô cùng quý giá để chúng tôi học tập
- » Tặng quà các gia đình liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma
- » Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Tổ chức DISA và Tổ chức phát triển Phi Chính phủ Cộng đồng Proyas Monobik Unnayan của Bangladesh thăm và làm việc tại NHCSXH
- » Đồng vốn nặng nghĩa tình
- » Vốn chính sách “kéo” nghề về vùng nắng lửa