Vượt lên chính mình từ đồng vốn chính sách

10/08/2017
(VBSP News) Những gương mặt mà chúng tôi gặp đều sinh ra trong gia đình thuần nông, có cuộc sống khó khăn, thuộc diện nghèo và cận nghèo của địa phương. Nhưng nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh Quảng Trị, cùng với sự cần cù, chịu thương chịu khó mà nay đã từng bước thoát nghèo, trở thành chủ những gia trại, trang trại có thu nhập cao, tạo động lực vươn lên cho những người xung quanh...

Chị Nguyễn Thị Minh Châu (phải) đang trao đổi cách khai thác mủ cao su với cán bộ địa phương

Chị Nguyễn Thị Minh Châu (phải) đang trao đổi cách khai thác mủ cao su với cán bộ địa phương

Bắt “đất khó” nở hoa

“Quê gốc của tôi ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Lúc bấy giờ, tôi mới lập gia đình, hai vợ chồng chưa có vốn liếng, đất đai canh tác cũng hạn hẹp nên đời sống rất khó khăn. Vào năm 1993, được sự vận động của chính quyền địa phương, tôi cùng chồng quyết định rời quê hương lên vùng kinh tế mới ở thôn Trảng Rộng, xã Hải Thái lập nghiệp. Lúc ấy, trong xã có tất cả 5 cặp vợ chồng đi làm kinh tế mới”, chị Nguyễn Thị Minh Châu (sinh năm 1970) mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Thuở ban đầu, thôn Trảng Rộng là vùng đất hoang vắng, bạt ngàn lau lách, cây rừng rậm rịt. Những gia đình trẻ lên nơi này lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Để có nơi nương náu, họ dùng thân cây rừng làm cột kèo, dùng rơm rạ lợp mái nhà che mưa che nắng.

Lúc đầu lên đây ai cũng nung nấu khát vọng biến vùng đồi bạt ngàn lau sậy này trở thành mảnh đất màu mỡ giúp gia đình mình đổi đời. “Vì không chịu nổi sự khó khăn, âm u của rừng thiêng nước độc nên nhiều cặp vợ chồng trẻ đã bỏ về quê. Lúc đó, vợ chồng tôi thấy người ta bỏ về bụng dạ cũng nôn lắm nhưng nghĩ lại mục tiêu lên đây lúc ban đầu mà động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, vất vả”, chị Châu nhớ lại. Chỉ một năm lên vùng đất mới, trong 5 hộ dân của xã Gio Mỹ ban đầu lên với thôn Trảng Rộng đã có 4 hộ hồi hương.

Với đôi bàn tay trắng, vợ chồng chị Châu ngày ngày lên rừng phạt lau sậy, bổ từng nhát cuốc xuống nền đất cứng khai khẩn lập điền. Tờ mờ sáng, anh chị cơm đùm cơm nắm vào rừng, rồi đến tối mịt mới về căn nhà tranh nhỏ. Đêm đêm nằm trăn trở, anh chị bàn nhau phải có vốn để chăn nuôi mới mong sớm thoát nghèo. Được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để mua 1 con bò giống về nuôi, nhờ khéo chăm, dần dần đàn bò của gia đình chị ngày càng tăng, lúc cao điểm lên đến 50 con.

Khi cuộc sống đã bớt khó khăn, anh chị tiếp tục vay vốn và mở rộng diện tích thêm đất hoang để trồng cao su và bạch đàn, tràm lai để phát triển kinh tế. Trời không phụ lòng người, sau bao năm vất vả trên vùng đất khó cằn cỗi, nay gia đình chị Châu đã thoát nghèo (năm 2007) và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hiện tại, trang trại tổng hợp của chị Châu có 15ha cao su đã cho khai thác, 10ha rừng tràm lai (đã khai thác 5ha), đàn bò lai sind 10 con, 15 con dê giống, 1 con hươu sao lấy nhung, đàn heo thả vườn 13 con và đàn gà cung cấp trứng, thịt cho thị trường trong huyện… Ngoài ra, gia đình chị Châu còn sắm xe tải để phục vụ dịch vụ vận chuyển, xây dựng cho người dân trong vùng. Bình quân mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng.

Thoát nghèo nhờ chăn nuôi

Trước đây, gia đình anh Ngô Đức Khá (sinh năm 1979) thuộc diện hộ nghèo của thôn An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Gia đình anh có 7 người nhưng chỉ có 2 lao động chính. Gia tài mà bố mẹ để lại cho anh chỉ có 2,5 sào ruộng, mỗi năm trồng 2 vụ, chỉ cung cấp đủ lương thực trong gia đình.

Anh nghĩ, không thể thoát nghèo với vài sào ruộng được, chỉ có chăn nuôi mới mong thoát khỏi cảnh nghèo đói bám riết bấy lâu. Thế rồi, anh mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH, cộng với số tiền vay mượn người thân để xây dựng chuồng trại đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với số vốn huy động được, anh Khá đầu tư xây dựng hệ chuồng trại kiên cố, khép kín để nuôi bò sinh sản và lợn nái.

Ban đầu, anh nuôi 3 con bò giống và đàn lợn nái 5 con. Qua quá trình nuôi, anh dần tích lũy kinh nghiệm và phát triển thêm đàn gia súc, có tiền trả nợ NHCSXH. Năm 2016, anh tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm để mở rộng chuồng trại. Hệ thống chuồng trại được anh Khá thiết kế xây dựng kiên cố, khoa học. Anh cho biết, đến nay gia trại của anh có đàn lợn nái 15 con, 30 lợn thịt, 20 lợn choai, 30 lợn con vừa tách nuôi.

Anh cung cấp số lượng lớn lợn thịt cho thị trường trong tỉnh. Đàn bò lai của anh nay đã có 5 con, đều khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Nguồn thức ăn cho gia súc được anh Khá chủ động tận dụng diện tích đất trống xung quanh vườn nhà để trồng thêm cỏ voi và khoai lang nhằm cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Những năm trước đây, anh thu được trên 100 triệu đồng từ gia trại của mình. Cũng nhờ đàn gia súc mà anh chị nuôi được 3 người con ăn học đàng hoàng.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Khá nói: “Tôi đang có ý định mở rộng và xây mới chuồng trại, phát triển thêm đàn gia súc và gia cầm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn vay và khâu đầu ra cho sản phẩm”.

Dám nghĩ, dám làm

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Phan Dũng (sinh năm 1984) trú tại thôn Tân Xuân, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong mạnh dạn vay vốn NHCSXH để đầu tư làm gia trại chăn nuôi tổng hợp. Vượt qua nhiều khó khăn, nay mô hình gia trại của anh đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Căn nhà nhỏ của anh Dũng nằm lọt thỏm dưới tán rừng tràm xanh mát.

Anh Dũng cho biết, gia đình anh có truyền thống nuôi và đánh bắt tôm cá các loại ở bờ sông Thạch Hãn. Lớn lên, anh làm Bí thư chi đoàn thanh niên thôn Tân Xuân. Sau đó, với mong muốn xây dựng sự nghiệp, anh vào miền Nam làm công nhân cho công ty khai thác, chế biến lâm sản. Cũng trong thời gian này, anh quen biết và lập gia đình với người con gái quê Nghệ An. Khi đã tích lũy được số vốn nhỏ, vợ chồng anh quyết định đưa con cái về quê nhà lập nghiệp.

“Từ lúc còn làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã ấp ủ kế hoạch sẽ về quê xây dựng gia trại hoặc trang trại để chăn nuôi. Chỉ có đầu tư làm bài bản mới mong thoát nghèo được. Lúc đầu vợ tôi cũng còn dè dặt vì công việc ở đây đang tiến triển tốt. Nếu bỏ về quê chăn nuôi, không biết tương lai ra sao. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, hai vợ chồng tôi đồng lòng về quê nhà làm lại từ đầu”, anh Dũng kể. Với số vốn tích lũy được kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, anh mua con giống và đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi nhím và cá chình.

Ban đầu, anh nuôi 10 cặp nhím bố mẹ và 2 lồng cá chính. Giống nhím được anh lấy từ Ninh Bình còn cá chình thì có sẵn ở địa phương. Bước đầu làm gia trại, anh gặp không ít khó khăn. Hai năm 2014 và 2015, đàn cá chình của anh bị dịch bệnh rồi chết trắng lồng, nhím cũng bị rớt giá. Vụ năm đó, anh lỗ nặng. “Nhờ có sự động viên, hỗ trợ của người thân mà tôi lấy lại niềm tin và động lực để tiếp tục cố gắng.

Năm 2015, tôi vay vốn NHCSXH rồi nuôi hươu sao và lươn. Sau đó nữa, tôi tiếp tục vay vốn để mua giống lợn rừng về nuôi thử nghiệm. Nhiều người nói tôi liều. Nghĩ lại, thấy mình cũng liều thật”, anh Dũng nói. Cuối năm 2015, anh Dũng lặn lội tìm kiếm và đi khắp nơi trong cả nước để mua giống hươu sao, lươn, lợn rừng về nuôi thử. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này anh chủ động học hỏi từ những người có kinh nghiệm và tìm tòi tài liệu trên sách báo, ti vi rồi tự học. Ngoài ra, anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ở địa phương.

Qua quá trình chăn nuôi và học tập không ngừng nghỉ, anh đã đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Để tiết kiệm chi phí, anh Dũng chủ động về nguồn thức ăn cho đàn lợn rừng, hươu sao, lươn… Anh tận dụng nguồn rau củ có sẵn và trồng thêm các loại rau củ, cỏ voi quanh vườn nhà. Đến nay, gia trại của anh Dũng có đàn hươu sao 7 con (3 con đực lấy nhung và 4 con lấy giống), đàn lợn rừng 21 con, 8 bể lươn, 1 năm anh thả 1,5 tạ lượn giống và thu được 5 tạ lươn thịt. Ngoài cung cấp giống, anh còn cung cấp lươn thịt, lợn thịt cho thị trường trong tỉnh.

“Từ đầu năm 2016 đến nay, gia trại của tôi bắt đầu hoạt động có hiệu quả. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, tôi đã thu lãi gần 70 triệu đồng từ gia trại. Sắp tới, tôi dự định sẽ mở rộng thành trang trại và nuôi thêm nhiều loài khác vì thế rất cần được hỗ trợ về vốn và đầu ra để yên tâm làm ăn”, anh Dũng cho biết. Hiện nay, mô hình gia trại của anh Dũng đang là điển hình về gương làm ăn thoát nghèo ở địa phương. Nhiều người trong và ngoài huyện đã tìm đến mô hình chăn nuôi của anh để tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm và nhờ tư vấn, cung cấp con giống.

Bài và ảnh Thanh Tuyền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác